Việt Nam đã kiểm soát thành công ba đợt dịch. Đợt dịch thứ tư bùng phát, diễn biến phức tạp với số lượng ca lây nhiễm hàng ngày khiến những người dù lạc quan đến mấy cũng không tránh khỏi cảm giác lo lắng, hoang mang. Cả hệ thống chính trị lại một lần nữa vào cuộc với quyết tâm nhanh chóng khống chế nguồn lây, xét nghiệm trên diện rộng và truy vết thần tốc, điều trị hiệu quả F0 không may mắc bệnh.
Tuy nhiên, trong khi đất nước đang khó khăn thì luôn có một bộ phận những người chống đối, những người nhân danh mình là “yêu nước, thương dân” có những quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch để chống phá Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, những người này đồng thanh kêu gào về chính sách và quy trình nhập khẩu vắc-xin ngừa COVID-19, họ “bôi nhọ”, “nói xấu” chính quyền chậm chạp, độc quyền trong nhập khẩu vắc-xin ngừa COVID-19. Những người này chỉ trích rằng: Chính phủ lấy lý do nhà sản xuất vắc-xin chỉ đàm phán với chính phủ nên các doanh nghiệp dù có tiền cũng không được giúp “dân”; theo họ hiện tại gấp lắm rồi, phải cho doanh nghiệp tham gia chứ không thì “chết” dân. Đặc biệt, họ còn kêu gào: Bộ Y tế âm mưu trục lợi bằng cách cho doanh nghiệp sân sau độc quyền thao túng thị trường nhằm thu lợi hoặc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhà nước “ăn tiền trên xương máu nhân dân” (!!!).
Công ty cổ phần Vắc-xin Việt Nam (VNVC) là đơn vị đầu tiên mang 30 triệu liều vắc-xin COVID-19 của AstraZeneca về Việt Nam. Ảnh: Internet
Vậy, Nhà nước có độc quyền mua vắc-xin phòng COVID-19 hay không?
Từ khi có chủ trương về nhập khẩu vắc-xin thì Bộ Y tế với chức năng quản lý nhà nước của mình đã được giao là đầu mối nhập khẩu vắc-xin nhưng không có nghĩa là Bộ "độc quyền" nhập khẩu, mà luôn khuyến khích tất cả các địa phương, các doanh nghiệp có điều kiện, khả năng tiếp cận các nguồn vắc-xin đều có thể nhập khẩu.
Chẳng hạn, thay vì chỉ đóng vai trò là người đi đàm phán để mua theo đúng chủ trương của Nhà nước thì Công ty cổ phần vắc-xin Việt Nam (VNVC) mạnh dạn chấp nhận rủi ro bỏ tiền ra để đặt cọc cho AstraZeneca ngay khi chưa có gì bảo đảm 100% loại vắc-xin này sẽ thành công và được bán rộng rãi. Tức là để được ưu tiên đặt mua một trong những lô hàng đầu tiên thì cần phải nhanh tay đặt cọc. Thất bại là mất hết, điều này doanh nghiệp chấp nhận ruỉ ro, không có thuế nào của nhân dân bù cho doanh nghiệp. Thực tế, VNVC đứng ra mua vắc-xin và bàn giao cho chính quyền với chi phí không chênh lệch; ngoài ra VNVC chịu mọi phí vận chuyển, đàm phán và cả rủi ro thì đủ để thấy việc họ làm có giá trị như thế nào!
Gần đây, trong các cuộc họp Chính phủ và họp với Bộ Y tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đều nhấn mạnh: “Nhất thiết không để bất kỳ doanh nghiệp nào, tổ chức nào thực sự có nguồn mua được vắc-xin ngay mà lại không mua về được; cần tìm mọi giải pháp để có vắc-xin sớm nhất. Mọi vướng mắc phải được tháo gỡ ngay. Mọi điều chưa rõ phải được hướng dẫn ngay”[1].
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng khẳng định, Bộ Y tế được giao là đầu mối nhập khẩu vắc-xin nhưng không có nghĩa là “độc quyền” nhập khẩu, các địa phương, các doanh nghiệp có điều kiện, khả năng tiếp cận các nguồn vắc-xin đều được khuyến khích nhập khẩu.
Tuy nhiên, tội phạm quốc tế đang lợi dụng tình trạng khan hiếm của thị trường để “lừa đảo vắc-xin”, với đủ thứ vỏ bọc đang tự nhận là đại diện của các nhà sản xuất vắc-xin để chào bán và nhận cọc. Vì vậy, Bộ Y tế thường xuyên tiến hành xác minh thông tin và cảnh báo tình trạng “lừa đảo vắc-xin” này đối với các doanh nghiệp, địa phương và nhân dân, bởi lẽ nếu chúng ta không cẩn trọng thì thiệt hại về kinh tế khó có thể đong đếm được. Đây cũng chính là lý do Chính phủ giao cho Bộ Y tế chủ trì thực hiện việc nhập khẩu vắc-xin.
Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với tất cả các bộ, ban ngành, khuyến khích tất cả các địa phương, doanh nghiệp, đơn vị tham gia vào tìm kiếm, nhập khẩu vắc-xin phòng COVID-19 để có nguồn vắc-xin sử dụng cho người dân Việt Nam nhanh nhất, sớm nhất và rộng nhất. Bộ Y tế cũng tạo điều kiện tối đa cho tất cả các địa phương và đơn vị, doanh nghiệp trong quá trình nhập khẩu, cấp phép nhập khẩu, kiểm định vắc-xin. Kể cả trong trường hợp nhà sản xuất yêu cầu về trách nhiệm miễn trừ thì Bộ Y tế sẽ có trách nhiệm báo cáo với Chính phủ và Bộ Y tế sẽ là cơ quan của Chính phủ thực hiện.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, chỉ các tổ chức (doanh nghiệp) có chức năng nhập khẩu, kinh doanh vắc-xin mới được nhập khẩu vắc-xin, tức là nhà sản xuất chỉ đồng ý bán cho đơn vị đủ năng lực để bảo quản và phân phối vắc-xin, mua vắc-xin về phải có kho trữ, phải có chiến lược phân phối và tiêm chủng,… Với các tiêu chuẩn đặt ra, hiện nay Việt Nam có 36 đơn vị đủ năng lực nhập khẩu vắc-xin (theo công bố của Bộ Y tế ngày 02/6/2021). Các doanh nghiệp, đơn vị khác chỉ có thể hỗ trợ tiền, vật chất vào quỹ vắc-xin để Chính phủ nhập khẩu vắc-xin; ngoài ra, Nhà nước sẽ xem xét ưu tiên phân phối vắc-xin cho những doanh nghiệp, đơn vị góp vốn mua vắc-xin, chứ các doanh nghiệp, đơn vị không được “mặc cả” với chính quyền về việc dành bao nhiêu liều vắc-xin phục vụ doanh nghiệp, đơn vị của mình. Điều này thể hiện chính sách nhân đạo, công bằng trong cơ hội tiếp cận vắc-xin của Nhà nước.
Nhà nước có chậm chạp trong nhập khẩu vắc-xin COVID-19 hay không?
Trước hết, cần phải khẳng định rằng, ngay từ những ngày chúng ta còn chưa biết đeo khẩu trang thế nào cho đúng cách thì chính quyền đã họp bàn tính toán đến phương án nhập khẩu, cung ứng và phân bổ vắc-xin ra sao nếu tìm được nguồn mua. Từ nhiều tháng nay, Chính phủ, Bộ Y tế đã liên tục có những cuộc tiếp xúc, đàm phán với các nhà sản xuất vắc-xin cũng như cơ quan y tế, đại diện ngoại giao các nước có sản xuất vắc-xin nhằm tranh thủ mọi khả năng, nguồn lực để có vắc-xin sớm nhất[2]. Điều này cho thấy, Chính phủ, Bộ Y tế vào cuộc rất nhanh chứ không hề chậm chạp như các lời rao giảng của các phần tử chống đối, phản động.
Đảng và Nhà nước Việt Nam chủ trương: Tất cả các vắc-xin đã được Tổ chức Y tế Thế giới cấp phép dù nhà sản xuất chưa làm thủ tục xin cấp phép, cấp số đăng ký tại Việt Nam cũng vẫn được tiến hành nhập khẩu. Đối với những vắc-xin Tổ chức Y tế Thế giới chưa cấp phép nhưng đã được các nước cấp phép sử dụng thì khi có đơn vị nào tiếp cận được, Bộ Y tế cũng tiến hành xem xét cấp phép. Đại diện lãnh đạo Bộ Y tế đã khẳng định: “Bộ sẽ xử lý ngay khi có hồ sơ và nếu hợp lệ thì tối đa 5 ngày làm việc là cấp phép được”[3].
Số lượng vắc-xin mà Việt Nam hiện nay có được đang rất hạn chế vì thế trước mắt ưu tiên tiêm cho các đối tượng có nguy cơ cao mắc COVID-19. Việc triển khai hàng vạn mũi tiêm cho công nhân ở Bắc Giang trong thời gian qua và đang triển khai tiêm gần một triệu liều cho cán bộ và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh là minh chứng cho điều ấy. Đồng thời, công tác bảo đảm an toàn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 luôn được đặt lên hàng đầu, tuân thủ chặt chẽ từng khâu, từng bước tại tất cả các cơ sở tiêm chủng, với mục tiêu an toàn sức khoẻ cho nhân dân là trên hết.
Mọi sự hô hào sai sự thật trên mạng xã hội đòi hỏi những người sử dụng mạng xã hội phải vô cùng tỉnh táo. Mỗi công dân giờ đây trong đại dịch đều có cách đóng góp sức lực của mình cho sự nghiệp chung bằng việc thực hiện tốt quy định 5K, tuân thủ thông báo của ngành y tế địa phương và bình tĩnh chờ đợi ngày đến lượt tiêm chủng vắc-xin.
[1]https://moh.gov.vn/hoat-dong-cua-lanh-dao-bo/-/asset_publisher/TW6LTp1ZtwaN/content/thao-go-tat-ca-moi-vuong-mac-e-co-vaccine-som-nhat-tiem-cho-nhieu-nguoi-dan-nhat.
[2]https://moh.gov.vn/tin-tong-hop/-/asset_publisher/k206Q9qkZOqn/content/bang-moi-gia-co-vaccine-nhieu-nhat-nhanh-nhat-e-tiem-cho-nhan-dan.
[3]https://moh.gov.vn/hoat-dong-cua-lanh-dao-bo/-/asset_publisher/TW6LTp1ZtwaN/content/thao-go-tat-ca-moi-vuong-mac-e-co-vaccine-som-nhat-tiem-cho-nhieu-nguoi-dan-nhat?
Linh Phúc