Quan điểm sai trái, thù địch là những quan điểm thể hiện sự lệch lạc về nhận thức lý luận cũng như nhận thức thực tiễn (quan điểm sai trái) hoặc là những quan điểm, lập trường có chủ đích đi ngược lại và đối lập hoàn toàn với quan điểm, lập trường chính thống của Đảng Cộng sản Việt Nam, là những quan điểm phủ nhận và đối lập với lập trường giai cấp công nhân, với lợi ích của quốc gia, dân tộc Việt Nam, nhằm chống lại lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, chống lại chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (quan điểm thù địch).
Thời gian qua, trên mạng xã hội ở Việt Nam xuất hiện một số quan điểm sai trái, thù địch nhằm chống phá cách mạng. Để góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội, trước hết chúng ta cần nhận diện cho đúng các loại quan điểm này.
Có thể nhận thấy, nội dung các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội thường tập trung chủ yếu vào 6 nhóm vấn đề:
1. Phủ nhận những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh
Đảng ta xác định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và của cách mạng Việt Nam. Những thành tựu đạt được trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước, nhất là trong gần 35 năm đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế chính là nhờ sự kiên định, nắm vững và vận dụng sáng tạo, đúng đắn chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển bức thiết của cách mạng Việt Nam và phù hợp với quy luật phát triển của thời đại.
Vì vậy, hiện nay các thế lực thù địch, phản động thường tập trung tấn công về mặt lý luận theo các hướng:
Một là, các quan điểm sai trái, thù địch cho rằng, chủ nghĩa Mác - Lênin ra đời vào thời kỳ chủ nghĩa tư bản cổ điển, đã hoàn thành sứ mệnh, và không còn phù hợp với giai đoạn hiện nay. Một dạng khác cho rằng, chủ nghĩa Mác - Lênin là ngoại lai, không phù hợp với Việt Nam, cần thay thế và Việt Nam cần phải có tư tưởng, học thuyết riêng.
Hai là, các quan điểm sai trái, thù địch tấn công, xuyên tạc nhiều nội dung căn cốt của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, như vấn đề thế giới quan, phương pháp luận, những nguyên lý, quy luật, phạm trù, nhất là học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội, về đấu tranh giai cấp, nhà nước chuyên chính vô sản, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân...
2. Xuyên tạc, phủ định mô hình chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
Về mô hình chủ nghĩa xã hội: Sau khi mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, các quan điểm sai trái, thù địch cho rằng, thực tiễn trên thế giới đã chứng tỏ chủ nghĩa xã hội chỉ là ảo tưởng, không có thực. Do đó, họ cho rằng Việt Nam cần xây dựng mô hình khác; trực tiếp hơn, một số ý kiến cổ vũ cho việc xây dựng xã hội dân chủ ở Việt Nam mà thực chất là cổ xúy đi theo mô hình của phương Tây. Một số đối tượng còn kích động nhân dân gây rối (các vụ bạo loạn ở Tây Nguyên là một minh chứng); đồng thời những đối tượng này còn cho rằng chủ nghĩa xã hội không có cơ sở kinh tế vì chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta đã chấp nhận nền kinh tế thị trường[1].
Về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội: Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động dùng mọi âm mưu, thủ đoạn để phủ định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và dân tộc Việt Nam đã lựa chọn. Một mặt, chúng phủ nhận mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội và công cuộc đổi mới của Việt Nam, mặt khác, chúng ca ngợi chủ nghĩa tư bản, ca ngợi chủ nghĩa xã hội dân chủ.
Tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng, các thế lực thù địch cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chọn sai con đường, không thể có chủ nghĩa xã hội hiện thực tồn tại trên trái đất này.
3. Cổ vũ vấn đề đa nguyên, đa đảng, vấn đề tam quyền phân lập, xã hội dân sự; xuyên tạc vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo ở Việt Nam
Vấn đề đa nguyên, đa đảng là một trong những vấn đề cốt lõi mà các quan điểm sai trái, thù địch tập trung công phá vào chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Những người có quan quan điểm sai trái, thù địch cho rằng,chế độ một Đảng là không dân chủ và chỉ có một Đảng Cộng sản cầm quyền là phi lý. Một số người cho rằng thích ứng với nền kinh tế đa sở hữu thì nền chính trị không thể nhất nguyên, không thể duy trì sự lãnh đạo của một đảng duy nhất. Do vậy theo họ, dân chủ phải đi liền với đa nguyên về chính trị. Không ít những lời gièm pha, chỉ trích rằng dân chủ ở nước ta là nửa vời, chưa mở ra đã khép lại, không dám mở bung dân chủ hết cỡ, không dám thực hiện dân chủ công khai, không giới hạn.
Công kích vào bản chất của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, các quan điểm sai trái, thù địch cho rằng, khi Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các nhánh quyền lực là phi khoa học, chỉ có tam quyền phân lập mới thực sự là khoa học và hợp lý.
Một số luận điểm lại cổ súy cho vấn đề đẩy nhanh phát triển xã hội dân sự ở Việt Nam. Từ đó phủ nhận vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội và từng bước phủ nhận vai trò của hệ thống chính trị ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, các quan điểm sai trái, thù địch còn tập trung xuyên tạc về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Vấn đề này được các thế lực thù địch ở bên ngoài kết hợp với các đối tượng bất mãn, chống đối ở trong nước thường xuyên tấn công, với những âm mưu, thủ đoạn thâm độc, hình thức đa dạng, tính chất rất quyết liệt.
Các quan điểm sai trái, thù địch còn sử dụng nhiều thủ đoạn nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ mối đoàn kết, gắn bó giữa các tầng lớp, giai cấp, tôn giáo, dân tộc, giữa những người Việt Nam ở trong nước với người Việt Nam ở nước ngoài,…
(Còn nữa)
[1]Xem: GS, TS. Vũ Văn Hiền - Nhận diện, đấu tranh với các loại quan điểm sai trái, thù địch. https://www.vietnamplus.vn/nhan-dien-dau-tranh-voi-cac-loai-quan-diem-sai-trai-thu-dich/234924.vnp(TTXVN) 13/12/2013.
Minh Hoàng