* Nhận diện quan điểm sai trái, thù địch
Hiện nay, bằng nhiều phương tiện truyền thông khác nhau, các thế lực thù địch và phản động không ngừng xuyên tạc, rêu rao những luận điệu sai trái về tình hình nhân quyền của Việt Nam. Các đối tượng nhân danh chiêu bài “xã hội dân sự”, “dân chủ nhân quyền”,… để lập hội, nhóm với tên gọi “ấn tượng” như: “Diễn đàn xã hội dân sự”, “Hội tù nhân lương tâm”, “Hội phụ nữ nhân quyền”, “Hội Nhà báo độc lập”... nhằm lôi kéo càng nhiều quần chúng tham gia càng tốt.
Các luận điệu sai trái, thù địch về vấn đề quyền con người thường tập trung vào những vấn đề sau:
Một là, nhân danh các tổ chức xã hội dân sự để đóng vai trò tích cực, là người phản biện đối với chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước một cách ôn hòa và có trách nhiệm. Thực chất là để tập hợp, lôi kéo quần chúng nhân dân với ý đồ thành lập lực lượng đối trọng với Đảng, Nhà nước Việt Nam. Bề ngoài các tổ chức này đóng vai trò “phản biện xã hội” giúp đưa tiếng nói, ý chí, nguyện vọng của nhân dân vào đóng góp xây dựng đất nước nhưng thực chất là xúc tiến việc hình thành xu hướng đa nguyên về tư tưởng, chính kiến, lôi kéo nhân dân tham gia vào các khuynh hướng tư tưởng chính trị khác nhau, từ đa nguyên về tư tưởng, dẫn tới đa nguyên về chính trị và mục đích cuối cùng là đối lập về tư tưởng chính trị.
Hai là, lợi dụng các kẽ hở về mặt pháp luật, tập hợp và làm méo mó các vấn đề xã hội như dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo… để xuyên tạc và âm mưu hình thành các tổ chức chính trị đối lập tại Việt Nam. Thông qua các hội nhóm này để huấn luyện, tẩy não cho thành viên nhằm kích động họ viết đơn kiến nghị, đòi thành lập đảng chính trị đối lập, thậm chí đòi khởi kiện, vu cáo, xuyên tạc Nhà nước ta vi phạm các điều ước quốc tế về quyền dân sự…
Ba là, lợi dụng mạng xã hội để liên tục kích động nhân dân bằng các bài viết xuyên tạc với tần suất và liều lượng ngày càng lớn. Khi các thông tin chống phá bị vạch trần sự thật, họ lập tức vu cáo ta “độc đoán”, đàn áp tự do báo chí, che giấu thông tin, vi phạm nhân quyền. Hiện nay, nổi lên là việc một số hội nhóm, tổ chức được sự hỗ trợ của các thế lực, tổ chức phản động nước ngoài tiến hành các hoạt động xuất bản ấn phẩm báo chí, tài liệu, băng hình đòi xét lại các vấn đề lịch sử, một mặt nhằm “rửa tội” cho bè lũ tay sai, bán nước, một mặt dọn đường dư luận để tiếp tục đưa ra luận điệu vu cáo Việt Nam vi phạm quyền con người.
* Luận cứ đấu tranh phản bác
Một là, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người là quan điểm nhất quán, xuyên suốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đại hội XIII của Đảng xác định rõ: “mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”1. Từ quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước Việt Nam đã có những nỗ lực không ngừng cho việc xây dựng, hoàn thiện và thực thi hiệu quả chính sách, pháp luật bảo đảm quyền con người trên thực tế. Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước tích cực, chủ động tham gia vào hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người do Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác ban hành… Các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, Việt Nam cam kết thực hiện thông qua nỗ lực nội luật hóa các nguyên tắc, tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người; bảo đảm sự hài hòa giữa pháp luật quốc gia với pháp luật quốc tế.
Hai là, Hiến pháp năm 2013 cùng với các luật, bộ luật được ban hành tạo khuôn khổ pháp lý cho việc tôn trọng, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Các quyền dân sự, chính trị như quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, thân thể, danh dự, nhân phẩm, quyền bầu cử, ứng cử, tự do ngôn luận, báo chí, lập hội, biểu tình, tiếp cận thông tin… đã được bảo đảm một cách chủ động trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật. Các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa được thực hiện một cách tích cực trong các chương trình, chính sách quốc gia, như bảo đảm quyền thoát nghèo; quyền về việc làm, thu nhập; quyền sở hữu; quyền được chăm sóc y tế, sức khỏe; quyền được học tập, giáo dục; quyền được tham gia vào đời sống văn hóa. Quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương, như phụ nữ, trẻ em, người nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người có HIV/AIDS... đã đạt được nhiều kết quả tích cực xét theo các tiêu chí tăng cường mức độ sẵn có của các dịch vụ; khả năng tiếp cận bình đẳng và chất lượng các dịch vụ, cơ hội; mức độ bao phủ của hệ thống bảo hiểm xã hội; chi phí phù hợp...
Ba là, ở Việt Nam trong pháp luật không có khái niệm “tù nhân lương tâm”, “tù nhân tôn giáo”, hay “tù nhân chính trị”. Tù nhân/phạm nhân là cụm từ dành cho những người có hành vi vi phạm pháp luật, bị tòa án tuyên là có tội và phải chịu hình phạt tù theo quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Việc một người bị phạt tù là hậu quả tất yếu khi người đó có hành vi phạm tội đã được quy định trong bộ luật hình sự, bị truy tố, điều tra, truy tố, xét xử công khai, nghiêm minh theo đúng trình tự, thủ tục tố tụng. Ở Việt Nam, bất kỳ ai có hành vi vi phạm pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhà nước Việt Nam không bỏ tù một người chỉ vì họ hoạt động tôn giáo, hay bày tỏ quan điểm chính trị, biểu tình “ôn hòa”, hay “nhà báo độc lập”, “nhà hoạt động môi trường”… mà chỉ xử lý những kẻ cố tình lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
1 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, t.I, tr.28.
BBT