* Nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch
Các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng về vấn đề tự do ngôn luận ở Việt Nam thể hiện trên những khía cạnh sau:
Một là, xuyên tạc rằng “ở Việt Nam không có tự do báo chí, không có tự do phát ngôn”; đòi Việt Nam phải tổ chức, quản lý báo chí theo “mô hình báo chí phương Tây”, đòi “tư nhân hóa báo chí” để biến báo chí ở Việt Nam thành công cụ phục vụ mưu đồ của họ.
Hai là, xuyên tạc rằng “ở Việt Nam không có dân chủ, nhân quyền trong phát ngôn”; “tù nhân lương tâm nhiều hơn tự do sáng tạo”, “bộ máy kiểm soát ngôn luận, báo chí và nhà tù nhiều hơn trường học...”. Họ ra sức tung hô, cổ súy, ca ngợi những kẻ mà họ gán cho những mỹ từ như “nhà báo tự do”, “nhà đấu tranh dân chủ”, “nhà bất đồng chính kiến” mà thực ra đó là những người vi phạm pháp luật, đã bị pháp luật Việt Nam xử lý.
Ba là, cố tình đánh đồng “tự do ngôn luận” với “ngôn luận tự do” bất chấp cả luật pháp và đạo lý.
* Luận cứ đấu tranh phản bác
Một là, ngôn luận ở Việt Nam theo định hướng chính trị của Đảng; thống nhất tính đảng với tính chính trị; phục vụ sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tự do ngôn luận là tự do phát biểu ý kiến của mình bàn bạc một công việc chung; là quyền của công dân được tham gia bàn bạc, thảo luận, đóng góp ý kiến vào những vấn đề chung của xã hội. Ở Việt Nam không cho phép và không chấp nhận “tự do ngôn luận vô chính phủ”, “trái pháp luật của Nhà nước, trái định hướng của Đảng”. Tự do ngôn luận ở Việt Nam được quy định rõ trong Hiến pháp và pháp luật. Cụ thể là trong Điều 10 Hiến pháp năm 1946; Điều 25 Hiến pháp năm 1959; Điều 69 Hiến pháp năm 1992; Điều 25 Hiến pháp năm 2013, quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Đồng thời, Điều 3 Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 cũng khẳng định: “Mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin”. Điều 13 Luật Báo chí (sửa đổi, bổ sung năm 2016) quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân.
Hai là, những năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục giữ vai trò là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và là diễn đàn của nhân dân; chủ động, kịp thời, thông tin hiệu quả về những vấn đề lớn của đất nước, có nội dung thông tin thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận và tạo sự đồng thuận xã hội. Thông tin - truyền thông của Việt Nam không ngừng phát triển về số lượng, chất lượng, hình thức, nội dung báo chí, về đội ngũ người làm báo, về hiệu quả kinh tế… Các cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật.
Ba là, Việt Nam từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, về cơ bản đáp ứng yêu cầu đặt ra cho việc thúc đẩy, bảo vệ và phát triển quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền tự do ngôn luận. Vì lẽ đó, Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2008-2009), thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2014-2016), thành viên Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2016-2018), thành viên Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2015-2019), Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021...
BBT