* Nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch
Các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng chống phá, xuyên tạc nguyên tắc Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân thể hiện trên những khía cạnh sau:
Một là, Đảng Cộng sản Việt Nam không phải là Đảng của nhân dân, mà là đảng của những người làm quan, có chức, có quyền trong bộ máy hệ thống chính trị; nguồn gốc sức mạnh của Đảng không phải bắt nguồn từ sự gắn bó mật thiết với nhân dân, mà là từ quyền lực chính trị của Đảng duy nhất cầm quyền.
Hai là, gắn bó với nhân dân không phải là bản chất của Đảng vì Đảng là lực lượng lãnh đạo nhân dân, Đảng không cùng chung lợi ích với nhân dân.
Ba là, ở Việt Nam, chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất cầm quyền nên “độc quyền”, “phi dân chủ”, cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” chỉ là khẩu hiệu mị dân.
* Luận cứ đấu tranh phản bác
Một là, chủ nghĩa Mác-Lênin khẳng định cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, nhân dân là người sáng tạo ra mọi của cải vật chất và những giá trị tinh thần xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời từ cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân, nhân dân lao động, của toàn dân tộc, trở thành “con nòi” của nhân dân, của dân tộc, được nhân dân đùm bọc, che chở và nuôi dưỡng. Từ khi thành lập đến nay, tuyệt đại đa số đảng viên của Đảng đều có nguồn gốc xuất thân từ giai cấp công nhân, nông dân, đội ngũ trí thức và những người lao động khác tự nguyện gia nhập vào Đảng. Mục đích lý tưởng của Đảng là vì độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, ngoài lợi ích của nhân dân, của dân tộc, của đất nước, Đảng không có lợi ích nào khác.
Hai là, thực tiễn ra đời, xây dựng, phát triển và lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam cho thấy, ở bất kỳ thời kỳ nào Đảng cũng đều gắn bó mật thiết với nhân dân, vì nhân dân mà Đảng tồn tại. Ngay từ Điều lệ vắn tắt khi thành lập Đảng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khởi thảo đã xác định tôn chỉ của Đảng là: “Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức ra để lãnh đạo quần chúng lao khổ làm giai cấp tranh đấu để tiêu trừ tư bản đế quốc chủ nghĩa, làm cho thực hiện xã hội cộng sản”1. Xuất phát từ tôn chỉ, mục đích của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Ngoài lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích nào khác"2, “Tất cả đường lối, phương châm, chính sách... của Đảng đều chỉ nhằm nâng cao đời sống của nhân dân”3. Cương lĩnh (Bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, chịu sự giám sát của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật"4. Gắn bó với nhân dân vừa là yêu cầu từ trong bản chất của Đảng, vừa là cơ sở tồn tại, vừa là điều kiện tiên quyết để Đảng thực hiện thắng lợi vai trò, sứ mệnh lịch sử của mình.
Ba là, thực tiễn lịch sử phát triển của các quốc gia cho thấy, vấn đề dân chủ hay không dân chủ không phải chỉ phụ thuộc vào một đảng hay nhiều đảng cầm quyền. Chế độ dân chủ của mỗi quốc gia phụ thuộc trước hết vào bản chất, mục đích của đảng cầm quyền và cơ chế vận hành của thể chế chính trị của quốc gia đó. Đảng cầm quyền vì lợi ích của ai, hệ thống chính trị đó phục vụ lợi ích của ai, có vì lợi ích của tuyệt đại đa số nhân dân lao động hay không, chứ không phải cứ “đa nguyên”, “đa đảng” mới là dân chủ. Theo đó, không thể nói thể chế nhất nguyên chính trị, một đảng cầm quyền ở Việt Nam là “phi dân chủ”, cũng không thể nói đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập như một số nước mới là dân chủ thực sự. Mỗi nước có hoàn cảnh, điều kiện lịch sử cụ thể khác nhau, nhân dân ở mỗi nước đều có quyền lựa chọn chế độ chính trị của riêng mình. Điều quan trọng nhất đối với nhân dân ở mỗi nước là đảng cầm quyền đại diện cho lợi ích của mình không, xã hội do một đảng duy nhất cầm quyền có ổn định và phát triển không, nhân dân có được hưởng cuộc sống ấm no hạnh phúc không. Mức độ dân chủ hay không dân chủ của chế độ chính trị ở một quốc gia không phụ thuộc vào việc có áp dụng hay không áp dụng chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, mà phụ thuộc vào bản chất, mục đích của chính đảng cầm quyền và cơ chế vận hành tổng thể của hệ thống chính trị.
Ở Việt Nam, cơ chế vận hành tổng thể của hệ thống chính trị là: Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Sự lãnh đạo của Đảng là do sự lựa chọn, ủy nhiệm của nhân dân. Nhà nước Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, được nhân dân giao quyền quản lý đất nước, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Bất cứ người dân nào có nguyện vọng phấn đấu, rèn luyện, đủ tiêu chuẩn, điều kiện đều có thể gia nhập vào Đảng. Mọi người dân đều có thể tham gia đóng góp ý kiến xây dựng và hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên; những công dân có đủ điều kiện đều có quyền tham gia bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.
BBT
1 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.3, tr.5.
2 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.12, tr.334.
3 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.13, tr.164.
4 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, tr.89.