* Nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch
Các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng chống phá, xuyên tạc nguyên tắc tự phê bình và phê bình thể hiện trên những phương diện sau:
Một là, có ý kiến cho rằng tự phê bình và phê bình không phải là quy luật phát triển của đảng cộng sản vì thực tế hoạt động tự phê bình và phê bình hiện nay trong Đảng rất mờ nhạt, không có hiệu quả, chỉ mang tính hình thức.
Hai là, có ý kiến cho rằng tự phê bình và phê bình không phải là biện pháp để giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên mà là cơ hội để “vùi dập cá nhân”, “thanh trừng nội bộ” hoặc “dĩ hòa vi quý”, “đồng thuận xuôi chiều”.
Ba là, có ý kiến cho rằng tự phê bình và phê bình không phải là biện pháp củng cố, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng mà chính là nguyên nhân gây mất đoàn kết, chia rẽ nội bộ tổ chức đảng.
* Luận cứ đấu tranh phản bác
Một là, trong sinh hoạt và hoạt động thực tiễn, mỗi con người và mỗi tổ chức đều có những ưu điểm và khuyết điểm, có cái tiến bộ và cái lạc hậu. Các mặt đó luôn mâu thuẫn với nhau, tác động, chi phối nhau. Mỗi đảng viên và tổ chức đảng cũng vậy; muốn tiến bộ và phát triển thì phải phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm. Muốn sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, phải thực hiện tự phê bình và phê bình, chỉ ra những ưu điểm để phát huy, những hạn chế, khuyết điểm để khắc phục, sửa chữa. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tự phê bình và phê bình là “quy luật phát triển” trong Đảng và được Người nâng lên tầm nghệ thuật trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Đảng ta coi tự phê bình và phê bình là biện pháp quan trọng để giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ Đảng. Đảng là một tổ chức chính trị, tất yếu trong quá trình vận động, phát triển, nội bộ Đảng sẽ nảy sinh mâu thuẫn nhưng đó không phải là mâu thuẫn đối kháng, mà là mâu thuẫn giữa cái tiến bộ với cái lạc hậu, giữa cái tích cực và tiêu cực. Đảng lấy tự phê bình và phê bình là biện pháp cơ bản để giải quyết những mâu thuẫn đó, tạo động lực cho sự vận động, phát triển của Đảng và đặt thành một chế độ tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt và hoạt động của Đảng1. Thực tiễn xây dựng Đảng cho thấy: Lúc nào, nơi nào việc tự phê bình và phê bình không được thực hiện nghiêm túc thì lúc đó, nơi đó xuất hiện những điều kiện làm suy yếu tổ chức đảng, ở đó dễ nảy sinh các hiện tượng tiêu cực.
Hai là, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, các đảng cộng sản cũng như mỗi tổ chức đảng và đảng viên không thể nắm bắt, nhận thức đầy đủ và sâu sắc ngay được những vấn đề mới đang hàng ngày, hàng giờ nảy sinh trong thực tiễn, vì vậy khó tránh được sai lầm, khuyết điểm. Thông qua tự phê bình và phê bình mới có thể nhận diện và chỉ ra được những nguyên nhân dẫn tới sai lầm, khuyết điểm và đề ra biện pháp khắc phục, sửa chữa. Qua đó, giáo dục, rèn luyện nâng cao nhận thức, phẩm chất, năng lực công tác của cán bộ, đảng viên, đồng thời giúp cho cán bộ, đảng viên khác tránh được những sai lầm, khuyết điểm tương tự.
Ba là, nhờ tự phê bình và phê bình nghiêm túc, đúng đắn mà những mâu thuẫn, bất đồng, những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân được giải quyết có lý, có tình, không để tích tụ lại từ nhỏ thành lớn, phá hoại khối đoàn kết thống nhất của Đảng, không để những người thiếu thiện chí với Đảng lợi dụng những bất đồng, những mâu thuẫn đó gây chia rẽ Đảng. Tự phê bình và phê bình mang tính khách quan, trung thực, chân thành và công khai; mang tính cụ thể, thiết thực và kịp thời nên những mâu thuẫn, bất đồng sớm được phát hiện, chỉ ra và có giải pháp hữu hiệu khắc phục. Tự phê bình và phê bình có nội dung, có địa chỉ, chỉ ra được đúng, sai, nguyên nhân và cách khắc phục, gắn với điều kiện cụ thể của từng tổ chức đảng và từng cán bộ, đảng viên, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, với chức trách, nhiệm vụ của từng cán bộ, đảng viên. Tự phê bình và phê bình ngay những sai lầm, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên và của tổ chức đảng, không để chúng tích tụ lại, trầm trọng thêm, ngăn chặn không để chúng tái diễn ở cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng khác. Vì vậy, tự phê bình và phê bình là biện pháp để củng cố và tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng.
1Xem Đặng Văn Ngọc: Phê bình và tự phê bình - quy luật phát triển của Đảng, Tạp chí Tuyên giáo điện tử, ngày 26-12-2009.
BBT