* Nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch
Các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng với cách mạng Việt Nam thể hiện trên những phương diện chủ yếu sau:
Một là, xuyên tạc, phủ nhận sự lựa chọn giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản, coi đó là “sai lầm” của Nguyễn Ái Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hai là, phủ nhận phương thức giành chính quyền do Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Đông Dương và Việt Minh tổ chức thực hiện. Quan điểm này cho rằng, việc giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “cuộc chiến đẫm máu".
Ba là, phủ nhận sự phá hoại của thực dân Pháp và các thế lực tay sai ở Việt Nam, cáo buộc Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là nguồn cơn gây ra sự chia cắt Bắc - Nam trong 20 năm tiếp theo.
Bốn là, khoét sâu sai lầm của cải cách ruộng đất trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc để “đổ tội” cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Lao động Việt Nam.
Năm là, khẳng định Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội thiết lập quan hệ ngoại giao bình thường với Mỹ và chính sách đối ngoại sai lầm cùa Đảng Cộng sản là nguyên nhân khiến Việt Nam bị bao vây, cấm vận và đẩy đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội những năm 1975-1986.
Sáu là, cho rằng Việt Nam sau cứu trợ Campuchia là “đóng quân lâu dài bất hợp pháp” với âm mưu xâm lược và “tư tưởng bá quyền” ở Đông Dương và Đông Nam Á.
Bảy là, đường lối phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam là không phù hợp, thậm chí là sai lầm, đặc biệt là quan điểm về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tám là, Đảng và Nhà nước Việt Nam là “tội đồ” của dân tộc khi để Trung Quốc xâm lấn biển, đảo và cắt đất vùng biên giới.
* Luận cứ đấu tranh phản bác
Một là, thực tiễn lịch sử đã chứng minh, kể từ khi Đảng ra đời, các phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX cho dù dưới ý thức hệ phong kiến hay tư sản, tiểu tư sản đều thất bại. Chỉ khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập và thông qua Cương lĩnh Chính trị đầu tiên của Đảng, những nội dung cơ bản của cách mạng Việt Nam về: mục tiêu, phướng hướng, nhiệm vụ, lực lượng, phương pháp cách mạng và vai trò lãnh đạo của Đảng mới được xác định phù hợp với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu cấp thiết của dân tộc.
Hai là, thực tế cho thấy, do kịp thời chớp thời cơ và nhờ bản lĩnh, trình độ và sự nhạy bén chính trị, Đảng Cộng sản Đông Dương đã lãnh đạo nhân dân giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đây là cuộc tổng khởi nghĩa trên quy mô toàn quốc, huy động đông đảo nhân dân cả nước tham gia nhưng ít đổ máu so với các cuộc khởi nghĩa khác trên thế giới.
Ba là, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nghiêm túc thực hiện Hiệp định Giơnevơ nhưng việc thực thi chiến lược phản cách mạng toàn cầu của Mỹ nhằm thay thế Pháp ở Việt Nam và sự phản động của thế lực tay sai bán nước là nguyên nhân cơ bản khiến Việt Nam bị chia cắt. Đó không phải là do những sai lầm của Đảng ta bởi Đảng, Chính phủ ta luôn nêu cao tinh thần thống nhất đất nước.
Bốn là, cải cách ruộng đất là một trong những mục tiêu chiến lược của cách mạng Việt Nam, là nguyện vọng căn bản, chính đáng của người nông dân và phù hợp với điều kiện thực tiễn của xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Tuy nhiên, trong quá trình tiến hành cải cách ruộng đất, Đảng đã mắc phải những sai lầm, khuyết điểm. Đối diện với sai lầm, Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng nghiêm túc kiểm điểm và tổ chức khắc phục sai lầm đó. Đó là bản lĩnh của Đảng và là cơ sở để toàn Đảng, toàn dân đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Năm là, từ trước và ngay sau năm 1975, Đảng và Nhà nước đã có nhiều động thái nhằm bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Tuy nhiên, bối cảnh quốc tế không thuận lợi cộng với việc chậm chuyển đổi tư duy trong quản lý, điều hành kinh tế - xã hội; đồng thời cùng lúc Việt Nam phải đối phó với cuộc chiến tranh ở hai đầu biên giới dẫn đến khủng hoảng kinh tế - xã hội cuối những năm 70, đầu những năm 80 thế kỷ XX.
Sáu là, chế độ diệt chủng của Ponpot Iêng Xary ở Campuchia đã bị Liên hợp quốc đưa ra xét xử ở tòa án quốc tế. Việc Việt Nam đưa quân tình nguyện sang giúp nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng và hồi sinh đất nước chùa tháp những năm 1979-1985 đã được nhân loại tiến bộ và Đảng, Nhà nước cùng với nhân dân Campuchia công nhận là minh chứng hùng hồn khẳng định tinh thần quốc tế cao cả của Việt Nam đối với đất nước láng giềng Campuchia.
Bảy là, sau hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đặc biệt là những thành tựu trong xóa đói giảm nghèo, thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam được Liên hợp quốc ghi nhận và đánh giá cao.
Tám là, Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia láng giềng nên việc phân định biên giới để xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị là cần thiết và phù hợp với thông lệ quốc tế. Kết quả việc phân định biên giới trên đất liền và trong Vịnh Bắc Bộ đã được thể hiện rõ trong các văn kiện ký kết giữa hai bên. Nhiều vấn đề còn tồn tại, đặc biệt là trên Biển Đông, Đảng, Nhà nước ta kiên quyết khẳng định chủ quyền và kiên quyết, kiên trì đấu tranh để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ trên đất liền, biển và hải đảo.
BBT