Trả lời:
* Nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch
Các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng về vấn đề “nhất nguyên”, “đa nguyên” và “đa đảng” được thể hiện trên những khía cạnh sau:
Một là, có ý kiến cho rằng vì nhất nguyên chính trị, một đảng duy nhất lãnh đạo nên Liên Xô và các chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu đã tan rã, sụp đổ! Dó đó, Việt Nam cần tránh “vết xe đổ” của Liên Xô và các nước Đông Âu.
Hai là, có ý kiến cho rằng chỉ trong điều kiện đa nguyên, đa đảng thì dân chủ mới được phát huy, người dân mới có quyền làm chủ thực sự! Từ đó xuyên tạc rằng ở Việt Nam hiện nay “không có dân chủ thực sự” do đi theo chế độ nhất nguyên!
Ba là, có ý kiến cho rằng trước kia ở Việt Nam cũng đã tồn tại đa đảng chính trị, cho nên bây giờ tái lập đa đảng cũng là điều cần thiết, nên làm; hơn nữa, ngay ở Trung Quốc hiện nay cũng tồn tại nhiều đảng phái nên Việt Nam cần đi theo xu hướng chung!
Bốn là, có ý kiến cho rằng tương ứng với nền kinh tế đa thành phần, trong đó có cả các thành phần tư nhân, tư bản, nhất thiết cũng phải thực hiện đa nguyên, đa đảng. Như vậy mới đảm bảo “biện chứng” giữa kinh tế và chính trị, “chính trị là biểu hiện tập trung của kinh tế”.
Năm là, có ý kiến vin vào cớ đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện, hiệu quả, Việt Nam cần thực hiện đa nguyên, đa đảng.
* Luận cứ đấu tranh phản bác
Một là, đối với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu nhờ kiên định chế độ xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo duy nhất của đảng cộng sản, đã đạt nhiều trình độ phát triển tiên tiến về kinh tế, xã hội, văn hóa, khoa học, giáo dục, quốc phòng, an ninh… trong suốt nửa thế kỷ từ năm 1945 đến cuối thập niên 80 của thế kỷ XX. Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu rơi vào khủng hoảng, sụp đổ do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân hỗn loạn chính trị - tư tưởng do tình trạng đa nguyên, đa đảng gây ra.
Hai là, thực tế luôn chứng minh rằng, dân chủ không hề phụ thuộc vào nhất nguyên hay đa nguyên, mà phụ thuộc trước hết vào bản chất của chế độ kinh tế - xã hội. Trong chế độ tư bản chủ nghĩa, nơi phân hóa hai cực giàu - nghèo ngày càng trầm trọng, dân chủ chỉ là quyền của người dân lựa chọn đảng nào, lực lượng nào sẽ bóc lột, nô dịch mình mà thôi! Ở Việt Nam, Đảng chủ động lãnh đạo xây dựng các cơ chế, thiết chế, chủ trương, chính sách, biện pháp, giải pháp phát huy sự tham gia của người dân vào các công việc của xã hội; Đảng tự đặt quyền lãnh đạo của mình vào khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật.
Ba là, đúng là sau năm 1945, ở nước ta bên cạnh Đảng Cộng sản lãnh đạo, cầm quyền, còn có Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội, tập hợp một số trí thức, tiểu tư sản, tư sản. Cả hai đảng này đều đồng tình, chấp nhận vai trò lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản đối với Nhà nước và toàn xã hội. Căn cứ vào bối cảnh cụ thể, các đảng này tuyên bố ngừng hoạt động vào năm 1988. Còn ở Trung Quốc hiện nay, tám tổ chức đảng phái chính trị khác đều nhất trí thừa nhận vai trò lãnh đạo, cầm quyền duy nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Bốn là, tuy kinh tế là yếu tố suy cho cùng quyết định chính trị, nhưng không bao giờ có sự quyết định thường trực, trực tiếp, trực hệ như vậy bởi lẽ, “Chính trị, tuy là biểu hiện tập trung của kinh tế, nhưng luôn có vị trí hàng đầu so với kinh tế”1. Từ nền kinh tế đa thành phần mà cho rằng phải có nền chính trị đa nguyên, đa đảng chỉ là sự suy diễn hình thức với mưu đồ muốn chống phá chế độ một đảng duy nhất lãnh đạo ở Việt Nam.
Năm là, đa nguyên, đa đảng không hề là một điều kiện để hội nhập quốc tế. Việt Nam đã hội nhập sâu rộng về kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục, quốc phòng, an ninh… với toàn thế giới trong 30-40 năm qua dưới sự lãnh đạo, cầm quyền duy nhất của Đảng Cộng sản, kiên định trên con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Nhất nguyên, một đảng là sản phẩm khách quan của đời sống chính trị - xã hội Việt Nam suốt từ đầu thế kỷ XX đến nay, chứ không hề do cá nhân ai, tổ chức nào tự mình áp đặt được. Cũng vì lẽ đó, người dân Việt Nam đều thừa nhận Đảng Cộng sản là Đảng đại diện chân chính cho lợi ích của mình và gọi là “Đảng ta” một cách bình dị, cao quý, theo chân lý, theo lẽ phải! Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân đánh đổ phong kiến, đánh đuổi thực dân, đế quốc, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; xây dựng xã hội mới, đổi mới thành công; đem lại cơ đồ, sức mạnh cho quốc gia dân tộc, nâng cao vị thế, uy tín đất nước trên trường quốc tế. Những thành tựu vĩ đại của cách mạng Việt Nam từ năm 1930 đến nay, trong đó có những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới từ năm 1986, là căn cứ vững chắc cho sự kiên định con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội dưới lá cở vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam.
1V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2005, t.42, tr.349.
BBT