* Nhận diện quan điểm sai trái, thù địch
Các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng về vấn đề tự do tôn giáo thể hiện trên những phương diện cụ thể sau:
Một là, tuyên truyền các quan điểm cho rằng Đảng và Nhà nước Việt Nam có chính sách hạn chế tự do tín ngưỡng, tôn giáo, hạn chế thực hành tôn giáo, hay trái ngược với các chuẩn mực nhân quyền quốc tế. Đây là hình thức phổ biến của các cá nhân, tổ chức thù địch, đặc biệt một số tổ chức, cơ quan nước ngoài như Bộ Ngoại giao Mỹ (DOS) (2020), Ủy ban Tự do Tôn giáo quốc tế Mỹ (USCIRF), Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT), Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW), Đài Á châu tự do (RFA), Hãng Truyền thông Anh (BBC)…
Hai là, lợi dụng mạng internet, các mạng xã hội như Facebook, Twitter, YouTube, Zalo, TikTok, Instagram, LinkedIn, WhatsApp, WeChat đưa tin, tuyên truyền về một số trường hợp cá nhân công dân Việt Nam vi phạm pháp luật và bị xét xử theo quy định của pháp luật, mà theo họ là những “tù nhân lương tâm” (Prisoner of Conscience) để vu cáo Việt Nam đàn áp tôn giáo, hạn chế, phân biệt đối xử với người có tôn giáo.
Ba là, sử dụng mạng internet và các mạng xã hội truyền tôn giáo trái phép, tuyên truyền, lôi kéo nhân dân tham gia hoạt động ly khai, tự trị, phá hoại khối đoàn kết giữa các dân tộc, cộng đồng. Điển hình là đạo “Bà Cô Dợ”, “Giê Sùa” với “Nhà nước Mông” ở Tây Bắc, “Tin lành Đềga” ở Tây Nguyên.
* Luận cứ đấu tranh phản bác
Một là, những quan điểm cho rằng Nhà nước Việt Nam có chính sách hạn chế tự do tín ngưỡng, tôn giáo, hạn chế thực hành tôn giáo, hay trái ngược với các chuẩn mực nhân quyền quốc tế đều mang tính quy chụp, chủ quan, một chiều, đan cài các ý đồ chính trị của quốc gia phương Tây, hoặc các quốc gia đứng sau, tài trợ cho những tổ chức trên. Trong những năm qua, đặc biệt là giai đoạn từ đổi mới đến nay, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn có quan điểm, chủ trương và chính sách nhất quán tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của một bộ phận quần chúng nhân dân, được thể hiện cụ thể trong các văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ Đại hội, trong Hiến pháp, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo như: Nghị quyết số 24/NQ-TW, ngày 16-10-1990 về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới, Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12-3-2003 về công tác tôn giáo, Điều 24, Chương II của Hiến pháp năm 2013. Các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam đều ghi nhận, bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo và xem đây là một nội dung cơ bản của quyền con người, điều này hoàn toàn phù hợp với quy định trong các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, cụ thể, tại Điều 18 của Công ước quốc tế về Quyền Dân sự, Chính trị (ICCPR) 1966 và Điều 18 của Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người 1948.
Hai là, một số trường hợp như một số cá nhân thuộc nhóm Ân Đàn Đại Đạo, hay cá nhân A Đào (A Ma Dũng), và một số cá nhân khác trong Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế năm 2020 về Việt Nam của Bộ Ngoại giao Mỹ, Báo cáo hàng năm 2021 của Ủy ban về Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ, Báo cáo thế giới 2020 của Tổ chức Theo dõi nhân quyền, hay cái gọi là “Tù nhân lương tâm” đều là những cá nhân vi phạm pháp luật và đã bị xử lý theo các quy định của pháp luật Việt Nam. Những cá nhân này bị xử lý vì vi phạm pháp luật, chứ không phải vì bất kỳ một lý do nào liên quan đến quyền tự do thực hành tôn giáo, thể hiện niềm tin tôn giáo như sự suy luận xuyên tạc của các bản báo cáo trên.
Ba là, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo luôn được Hiến pháp và pháp luật Việt Nam tôn trọng, ghi nhận và bảo vệ; hoạt động tôn giáo đều phải tuân thủ các quy định của Hiến pháp và pháp luật, đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong xã hội. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với các quy định quốc tế, cụ thể là khoản 3, Điều 18, ICCPR quy định: “Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật và khi sự giới hạn đó là cần thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác”. Như vậy, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, bất kỳ hành vi nào vi phạm như tuyên truyền tôn giáo bất hợp pháp, kích động ly khai, tự trị, phá hoại khối đoàn kết… đều bị xử lý theo quy định.
BBT