* Nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch
Thời gian qua, những quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng chống phá, xuyên tạc các quy định của Đảng về công tác cán bộ được thể hiện trên những phương diện chủ yếu sau:
Một là, phủ nhận những kết quả của Đảng trong việc hoàn thiện và thực hiện các quy định về công tác cán bộ, những cống hiến của đội ngũ cán bộ các cấp trong các giai đoạn cách mạng. Họ rêu rao rằng, đội ngũ cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là do sai lầm của Đảng trong thực hiện các nguyên tắc, quan điểm, quy trình lựa chọn, bố trí cán bộ.
Hai là, các thế lực thù địch cho rằng cách thức lựa chọn, bố trí, giới thiệu cán bộ ứng cử của Đảng chủ yếu là theo “phe nhóm”, “con ông cháu cha” chứ không phải vì tài năng hay đạo đức… Công tác cán bộ thực chất là thực hiện ý chí của một nhóm người, thậm chí chỉ là một người đứng đầu. Tham nhũng trong công tác cán bộ vì thế mà không thể khắc phục được, càng ngày càng lớn, kể cả cán bộ cấp cao, có tiền thì chức nào cũng có thể mua được. Thậm chí ngay cả khi Đảng xử lý kỷ luật những cán bộ sai phạm thì họ cũng cho rằng đó chỉ là “triệt hạ lẫn nhau”, là “thanh trừng phe phái”, “đấu đá nội bộ”. Họ vu khống, thêu dệt những yếu kém trong lãnh đạo, quản lý đất nước đều do cán bộ bất tài, chỉ lo cho bản thân, phe nhóm mình mà không quan tâm đến ai, “sống chết mặc dân”; từ đó đề xuất thay đổi quy chế, quy trình theo chế độ tranh cử công khai và không cần Đảng phải thực hiện các khâu của công tác cán bộ như quy hoạch, đào tạo, luân chuyển… cán bộ, thực chất là từ bỏ nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo và quản lý đội ngũ cán bộ theo phân cấp, phân quyền.
* Luận cứ đấu tranh phản bác
Một là, Đảng cầm quyền quản lý cán bộ là tất yếu khách quan của bất cứ thể chế chính trị nào trên thế giới. Ở chế độ đa đảng hay một đảng cầm quyền, công tác bố trí cán bộ, nhất là vào vị trí lãnh đạo cấp cao, quan trọng của chính quyền từ trung ương đến địa phương đều thuộc thẩm quyền của đảng cầm quyền. Chuẩn bị đội ngũ cán bộ, lựa chọn, bố trí cán bộ là chức năng của đảng cầm quyền và trở thành phương thức cầm quyền của đảng. Một đảng cầm quyền không thể thực hiện được vai trò cầm quyền của mình nếu từ bỏ công tác cán bộ.
Hai là, thời gian qua, nhờ công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được triển khai đồng bộ, quyết liệt từ Trung ương đến cơ sở nên chất lượng đội ngũ cán bộ ngày càng được nâng cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Công tác cán bộ có nhiều đổi mới, được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, đồng bộ và đạt một số kết quả quan trọng. Đã từng bước hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác cán bộ bằng các quy chế, quy định, quy trình. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới, nâng cao kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ cán bộ các cấp, gắn với tiêu chuẩn chức danh và quy hoạch cán bộ được quan tâm, chú trọng và đầu tư tương xứng. Công tác điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp được chú trọng và đổi mới, gắn với nhu cầu thực tiễn. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác cán bộ được tăng cường. Đặc biệt, việc xử lý cán bộ tham nhũng với phương châm “không vùng cấm”, “không ngoại lệ”... được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Ba là, Đảng thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, khắc phục những khuyết điểm trong công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu mới. Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là cách tốt nhất để bảo vệ Đảng. Khi niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng được củng cố thì không một thế lực thù địch nào có thể phá vỡ nổi. Những khuyết điểm, yếu kém trong công tác cán bộ được khắc phục căn bản thì các quan điểm thù địch, chống phá các quy định của Đảng về công tác cán bộ trên không gian mạng sẽ không còn mấy tác dụng. Vì vậy, phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, sớm khắc phục yếu kém trong việc chậm thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương của Đảng về một số nội dung trong công tác cán bộ, trong đánh giá, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Đặc biệt, cần tiếp tục kiên quyết, kiên trì chống chạy chức, chạy quyền, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng một bộ phận cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
BBT