Những mô hình "liên kết" trong sản xuất nông nghiệp
Ở Phú Yên hiện nay đã cơ bản hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp có sự liên kết “4 nhà” (Nhà nước - Nhà kinh doanh - Nhà nông - Nhà khoa học) tương đối rõ nét, như: Vùng trồng cây sắn, cây mía nguyên liệu tại các huyện: Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân, Tây Hòa; vùng trồng hoa, cây cảnh tại thành phố Tuy Hòa, thị xã Sông Cầu, huyện Tuy An, khu vực ven thị trấn Phú Thứ, La Hai.
Ngoài ra, địa phương còn chú trọng vào một số cây có tiềm năng khác như hồ tiêu, cao su, các loại cây ăn quả, cây dược liệu,… ở những vùng có tiềm năng lợi thế. Bước đầu ứng dụng thành công công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; hình thành và phát triển các vùng chuyên canh trồng cây nguyên liệu phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh và một số tỉnh lân cận.
Bên cạnh đó, người nông dân đã bước đầu chủ động liên kết với nhau trong sản xuất kinh doanh, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển sản xuất, phát huy ý thức cộng đồng, cùng nhau sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giúp nhau cùng phát triển. Đồng thời, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp đã hình thành sự kết nối trong cung ứng giống cây trồng, vật nuôi, quy trình sản xuất, thông tin về thị trường, chất lượng, mẫu mã sản phẩm,... điều đó đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Hiện nay, chính quyền và nông dân Phú Yên có sự kết nối thông qua các hoạt động đồng hành cụ thể như: các cấp, các ngành tập trung hỗ trợ xây dựng các mô hình áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm; đầu tư và phát triển hiệu quả Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên; tăng cường hoạt động khoa học công nghệ tiếp cận từ nước ngoài, chuyển giao công nghệ cho nông dân, doanh nghiệp có nhu cầu; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến và tiêu thụ.
Đã hình thành một số vùng trồng cây ăn trái tập trung trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh như: cam, quýt, ổi, bưởi, bơ, sầu riêng... Bước đầu thu hoạch sản phẩm có chất lượng, giá bán cao hơn các sản phẩm cùng chủng loại trên địa bàn và hiện đang tiếp tục được nhân rộng.
Nhờ các mô hình "liên kết", ngành trồng trọt được cơ cấu lại theo hướng sản xuất tập trung, quy mô lớn, phát triển các vùng nguyên liệu cho chế biến công nghiệp. Năng suất nhiều loại cây trồng chủ lực của tỉnh liên tục tăng; sản lượng lương thực có hạt đạt hơn 40 vạn tấn/năm. Hỗ trợ chuyển đổi hơn 1.000 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hằng năm khác. Lai tạo và nhân giống thành công nhiều giống cây nông nghiệp có ưu thế vượt trội. Xây dựng, phát triển được một số mô hình mới trong trồng cây ăn quả như: Sầu riêng, bưởi, cam, quýt… tại huyện Sông Hinh, bước đầu mang lại hiệu quả.
Khai thác sen tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hòa Xuân Tây 1
Ảnh: internet
Chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại, quy mô tập trung; đã thu hút đầu tư một số dự án chăn nuôi tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao như: Trang trại chăn nuôi bò sữa với tổng vốn đầu tư hơn 1.150 tỷ đồng tại huyện Sơn Hòa; Trang trại chăn nuôi Colike tại huyện Tây Hòa;... Giá trị sản phẩm thu được trên một hecta đất trồng trọt đến năm 2020 ước đạt khoảng 85 triệu đồng/ha, gấp 1,3 lần; giá trị sản phẩm thu được trên một hecta mặt nước nuôi trồng thủy sản ước khoảng 1 tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với năm 2015.
Xây dựng được nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn sinh học, đáp ứng tiêu chuẩn VietGap; hình thành một số vùng nuôi và sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao đạt tiêu chuẩn GlobalGap; xây dựng 03 chuỗi liên kết trong khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ đại dương.
Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được chú trọng; hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng; tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đến cuối năm 2020 ước đạt 45%, tăng 6% so với năm 2015 và gấp 2 lần so với mức tăng giai đoạn 2011 - 2015.
Có thể thấy, việc “liên kết” trong sản xuất nông nghiệp tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi vùng miền trong tỉnh, là động lực khiến người nông dân phải thay đổi cách thức sản xuất, kinh doanh và sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Từ đó giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân, góp phần thực hiện tốt tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Phú Yên.
Phát huy và nâng cao hơn nữa hiệu quả của mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp
Thời gian tới, tỉnh Phú Yên cần tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả các mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp, cụ thể là:
Một là, các tổ chức trong hệ thống chính trị cần tiếp tục đổi mới và sáng tạo trong công tác vận động nông dân thực hiện chủ trương “liên kết” trên cơ sở nắm rõ đặc điểm tâm lý, hoàn cảnh gia đình và mong muốn của nông dân để có biện pháp tuyên truyền, vận động phù hợp. Đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, vận động nông dân sao cho họ tự nguyện tham gia "liên kết" sản xuất với tinh thần tự lực, chủ động.
Hai là, đẩy mạnh các hoạt động đồng hành giữa doanh nghiệp với nông dân như: tổ chức tọa đàm, hội thảo và ký kết các chương trình phối hợp, tạo cơ hội gắn kết giữa doanh nghiệp với nông dân trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Doanh nghiệp và nông dân đồng hành giúp hạn chế tình trạng "được mùa mất giá"; để người mua có thể tìm được sản phẩm nông nghiệp chất lượng, người bán có thể bán được thứ người mua cần thông qua vai trò cầu nối của chính quyền.
Ba là, từng bước xây dựng hình ảnh “Người nông dân mới hiện đại” có khả năng tiếp cận, áp dụng và làm chủ khoa học công nghệ với sự hỗ trợ của chính quyền và các trung tâm khoa học công nghệ trong và ngoài tỉnh để hoàn thiện chu trình sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm.
Phương Long