1. Những thách thức chủ yếu trong phát triển nông nghiệp tỉnh Hậu Giang
Biến đổi khí hậu (BĐKH) và những hình thái thời tiết cực đoan: Các nghiên cứu và thực tiễn hai đợt hạn mặn năm 2015-2016 và 2019-2020 đã cho thấy đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong những vùng chịu nhiều tác động tiêu cực từ quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu.
Nằm ở vị trí trung tâm của vùng thượng lưu châu thổ sông Hậu và vùng ven biển Đông, chịu ảnh hưởng của hệ thống sông Hậu (triều biển Đông) và hệ thống sông Cái Lớn (triều biển Tây), Hậu Giang là một trong những tỉnh thuộc ĐBSCL được dự báo chịu ảnh hưởng khá nặng nề do BĐKH toàn cầu.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang, mực nước cao nhất tăng lên 0,3 m gây ngập lụt nhiều khu vực, trong đó có khu vực nội thị thành phố Vị Thanh. Xâm nhập mặn đã vào sâu bên trong trên địa bàn toàn tỉnh, với độ mặn có nơi lên tới 19-20‰ (huyện Long Mỹ, Thị xã Long Mỹ và thành phố Vị Thanh)[1]. Theo kết quả phỏng đoán các biến đổi khí hậu ở ĐBSCL từ các mô hình toán cho thấy, khi nhiệt độ không khí tăng lên 10C, năng suất lúa sẽ giảm đi 10%[2]. Ngoài ra, khi lượng mưa, nhiệt độ thay đổi thất thường và phân bố không đều sẽ khiến việc cung cấp nước ngọt cho canh tác trở nên khó khăn, việc gieo sạ, phát triển của cây trồng bị ảnh hưởng vì sự bùng phát khó lường của sâu bệnh; việc thu hoạch cũng sẽ khó khăn, tỷ lệ thất thoát và chi phí xử lý sau thu hoạch sẽ gia tăng, ảnh hưởng đến thu nhập của nông hộ.
Năm 2018, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã xảy ra 22 điểm sạt lở bờ sông với chiều dài sạt lở là 406m, mất 2.475,2m2 diện tích đất bờ sông, gây ra thiệt hại khoảng hơn 1,5 tỷ đồng. Lũ và triều cường làm hư hỏng 36.925m chiều dài đê bao và đập thuỷ lợi, gây ra thiệt hại hơn 1 tỷ đồng.
Đến năm 2019, xuất hiện 5 cơn bão và 11 cơn áp thấp nhiệt đới, làm sập 39 căn nhà, tốc mái 226 căn, gây ra thiệt hại hơn 3 tỷ đồng; sét làm 1 người chết; xảy ra 52 điểm sạt lở với tổng chiều dài 1223,7 m; mất 6.055,7 m2 diện tích đất bờ sông, thiệt hại hơn 2 tỷ đồng. BĐKH tác động lớn đến sức khỏe, thu nhập của người dân, đặc biệt là nông dân nghèo. Những vấn đề nêu trên đã và đang là thách thức đối với mục tiêu củng cố và phát triển nông nghiệp trở thành nền tảng của sự phát triển Hậu Giang.
Quá trình toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng: Sự phát triển nhanh chóng của thương mại quốc tế đi liền với những yêu cầu ngày càng khắt khe đối với hàng hoá tham gia thị trường quốc tế đặt ra thách thức lớn cho nông nghiệp Hậu Giang, bởi tăng trưởng nông nghiệp của Hậu Giang vẫn đang chủ yếu dựa trên tăng cường sử dụng đất và các tài nguyên thiên nhiên cũng như sử dụng nhiều phân bón, các chất hóa học với chi phí lớn hơn về môi trường. Khoa học công nghệ chưa đóng góp nhiều cho sự tăng trưởng năng suất, chất lượng nông sản của địa phương.
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Để nông nghiệp có thể tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì tất yếu phải chuẩn bị được những điều kiện cơ bản như: nguồn nhân lực có trình độ công nghệ, hiểu biết về thị trường nông sản thế giới cùng với các đối thủ cạnh tranh; nguồn vốn lớn; canh tác với quy mô lớn...
Hiện nay, số lao động nông thôn Hậu Giang đã qua đào tạo khá thấp và có chiều hướng suy giảm. Đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực nông nghiệp có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ cho việc phát triển nông nghiệp bền vững chưa đáp ứng cả về số lượng và chất lượng. Nguồn vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp nói chung và nông nghiệp công nghệ cao của Hậu Giang còn thấp. Việc phát triển và ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ chưa có bước đột phá mạnh, còn thụ động; số mô hình áp dụng khoa học công nghệ sinh học vào sản xuất còn thấp[3]; phương thức sản xuất còn mang nặng tính thời vụ, chưa chủ động về cơ cấu giống; công nghệ phục vụ cho việc giảm tổn thất sau thu hoạch và chế biến sâu còn mờ nhạt.
Đại dịch COVID-19: Đại dịch đã tác động tiêu cực lên nhiều lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp của Hậu Giang. Trong giai đoạn cao điểm của những làn sóng dịch, các lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại - giao thương dẫn đến hoạt động xuất khẩu nông sản diễn ra rất chậm, thậm chí, hàng loạt hợp đồng xuất khẩu nông sản bị hủy. Trong khi đó, nguồn cung hàng hoá đầu vào của sản xuất nông nghiệp bị hạn chế, giá cả tăng cao, lao động nông nghiệp phải nghỉ việc. Những tác động đó khiến nhiều cơ sở sản xuất nông sản phải tạm dừng hoạt động.
2. Một số đề xuất nhằm đưa nông nghiệp Hậu Giang vượt qua thách thức, phát triển theo hướng bền vững
Một là, cần quán triệt quan điểm định hướng “cân bằng giữa tăng trưởng nông nghiệp với bảo vệ môi trường”. Định hướng chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển nông nghiệp cần giải quyết mục tiêu kép “sinh kế đi liền với vấn đề bảo vệ môi trường”; phát triển nông nghiệp dựa trên gia tăng năng suất, chất lượng gắn liền với vấn đề sinh kế, thích ứng và giảm nhẹ tác động của BĐKH.
Sản xuất dưa đạt chuẩn VietGAP tại xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy (Hậu Giang)
(ảnh: internet)
Hai là, tăng cường liên kết giữa nhà sản xuất nông nghiệp với nhà quản lý, nhà khoa học để tranh thủ cơ hội và hóa giải thách thức từ quá trình toàn cầu hóa và hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Nhà quản lý (các cơ quan nhà nước) đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền để nhà sản xuất hiểu rõ những yêu cầu từ các thị trường quốc tế; nhà khoa học giúp nhà sản xuất ứng dụng khoa học công nghệ, đưa sản xuất đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, đồng thời gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao năng suất, tăng sản lượng, giúp sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Ba là, thay đổi tư duy, cách thức tổ chức sản xuất nông nghiệp. Khuyến khích nhà sản xuất thay đổi cách thức sản xuất theo hướng hiện đại, chất lượng cao; ưu đãi đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao, hình thành chuỗi giá trị và gia tăng khả năng tham gia vào chuỗi giá trị của nông sản toàn cầu.
Bốn là, chú trọng công tác quy hoạch trong sản xuất nông nghiệp, gắn sản xuất với chế biến, phát triển và xây dựng thương hiệu; đẩy mạnh công tác nghiên cứu, nâng cao khả năng dự báo, cung cấp thông tin thị trường trong lĩnh vực nông nghiệp. Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nâng cao trình độ cho lao động nông nghiệp đáp ứng yêu cầu tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
[1] Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Báo cáo số 1109/BC-SNNPTNT, Hậu Giang, 2020
[2] Trung tâm phát triển nông thôn bền vững(SRD), “Tổng hợp một số hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long”, Hà Nội, 2013
[3] Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang, “Báo cáo Kết quả năm 2020, 05 năm 2016-2020 và đề xuất kế hoạch năm 2021 thuộc chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”, Hậu Giang, tháng 5 năm 2020.
Nguyễn Thị Tuyết Loan – UVBCH Đảng bộ tỉnh, Hiệu trưởng Trường Chính trị Hậu Giang; Lê Văn Tuyên – Phó Trưởng khoa Nhà nước và pháp luật