Thành quả từ chủ trương đúng
Năm 2011, khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM), Đắk Lắk là tỉnh có xuất phát điểm thấp, hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn còn thiếu và chưa đồng bộ, điều kiện kinh tế của người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập bình quân đầu người thấp. Tiêu chí các xã của tỉnh đều ở xuất phát điểm rất thấp so với bình quân chung cả nước; bình quân mới chỉ đạt 3,34 tiêu chí/xã.
Sau hơn 10 năm thực hiện, tỉnh Đắk Lắk có 71/152 xã đạt chuẩn NTM, đạt 46,7% tổng số xã và đạt 100% so với chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Bình quân toàn tỉnh đạt 15 tiêu chí/xã và không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí. Tỉnh Đắk Lắk đang đề nghị Chính phủ công nhận thành phố Buôn Ma Thuột và thị xã Buôn Hồ đạt chuẩn NTM.
Dấu ấn nổi bật nhất là kết cấu hạ tầng thiết yếu ở nông thôn phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng nông thôn, nhất là vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng. Sản xuất nông nghiệp được tổ chức tập trung, theo hướng sản xuất hàng hoá; các mô hình liên kết sản xuất, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản ngày càng phổ biến, góp phần quan trọng cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập bền vững cho người dân nông thôn.
Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2011 - 2020 là trên 140.700 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp trên 3.400 tỷ đồng, gồm: tiền mặt trên 1.600 tỷ đồng, hiến trên 1.140.000 m2 đất, trên 212.000 ngày công lao động xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu như: đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, hệ thống trường học, sân thể thao, nhà Rông văn hóa...
Nhân dân thôn An Phú, xã Ea Drơng, huyện Cư M'Gar đang tham gia bê tông hóa đường trong thôn
Trong quá trình xây dựng NTM, nét nổi bật ở tỉnh Đắk Lắk là đã làm thay đổi nhận thức của đa số người dân, nhất là người dân là đồng bào các DTTS, vùng sâu, vùng xa. Từ chỗ số đông bà con có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nguồn vốn đầu tư, trợ cấp của nhà nước thì nay đã chuyển sang chủ động,vươn lên làm ăn, xác định rõ lợi ích và trách nhiệm của mình với cộng đồng, tự lựa chọn công trình, phần việc thiết thực, phù hợp để chung tay, góp sức xây dựng cuộc sống mới.
Do gắn xây dựng NTM với triển khai đề án tái cơ cấu nông nghiệp nên giá trị tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản tại tỉnh Đắk Lắk liên tục tăng qua các năm, bình quân tăng 5,64%/năm. Giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích bình quân đạt 112 triệu đồng/ha, cao gấp 1,37 lần so với năm 2015; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 đạt gần 30 triệu đồng/người, tăng trên 5 triệu đồng so với năm 2015.
Đặc biệt, nông nghiệp của tỉnh phát triển khá toàn diện, từng bước hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại, tạo nguồn thu nhập và nâng cao dần đời sống vật chất cho nông dân, góp phần quan trọng trong đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế, bảo đảm an sinh, ổn định chính trị, xã hội.
Trong đó, nông nghiệp thực sự trở thành cơ sở cho sự phát triển bền vững của kinh tế khu vực nông thôn. Sản phẩm hàng hóa chủ lực của từng địa phương đã được xác định và từng bước tiếp cận mô hình sản xuất hiện đại; đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả kinh tế cao, nhiều mô hình sản xuất liên kết với doanh nghiệp, gắn theo chuỗi giá trị thực sự phát huy hiệu quả, bền vững.
Những hạn chế, vướng mắc
Bên cạnh những thành tựu đạt được, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Đắk Lắk vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc như kết quả xây dựng NTM chưa đồng đều, còn khoảng cách lớn giữa các địa phương; sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng NTM chậm được cơ cấu lại.
Tại một số địa phương, việc xây dựng đời sống văn hóa còn hình thức, môi trường nông thôn ô nhiễm chưa được khắc phục; việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng gặp nhiều khó khăn, suất đầu tư lớn; trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, nhất là vùng đồng bào DTTS chưa được nâng cao. Nguồn lực hỗ trợ thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp còn hạn chế; công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn tự phát, chưa hình thành được vùng sản xuất lớn, tập trung.
Tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 -2025 xác định: “Từng bước xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, có cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ”. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ có 60% số xã (91 xã) đạt chuẩn NTM.
Để thực hiện mục tiêu đó, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, hướng tới phát triển nông thôn toàn diện và bền vững, tỉnh Đắk Lắk tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất về tư tưởng và hiểu rõ tầm quan trọng của thực hiện xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến các cấp, ngành, địa phương và nhất là người dân để tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả.
Hai là, tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và tổ chức thực hiện của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp. Xây dựng và thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các tổ chức chính trị - xã hội với cấp ủy đảng, chính quyền nhằm tạo sức mạnh tổng hợp và sự đồng thuận, vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Ba là, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng NTM; chú trọng phát triển theo chiều sâu, tập trung và tạo sự gắn kết chặt chẽ.
Bốn là, tập trung khai thác một cách tốt nhất các lợi thế về điều kiện tự nhiên đối với ngành nông nghiệp của tỉnh, tăng cường ứng dụng công nghệ cao, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết, phát triển mô hình hợp tác xã; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.
Năm là, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ; hỗ trợ thực hiện truy xuất nguồn gốc, mã vùng trồng; xây dựng thương hiệu đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh, trọng tâm là cà phê, cao su, hồ tiêu, điều... Trong đó, phát triển sản xuất sản phẩm kinh tế nông thôn được ưu tiên hàng đầu; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế cho các doanh nghiệp, hợp tác xã.
Nguyễn Văn Chiến