Cuộc chiến với đại dịch Covid-19 ở Việt Nam những tháng vừa qua sẽ không thể giành được thắng lợi quyết định nếu không có sự đồng lòng hưởng ứng từ phía người dân. Chủ trương, chính sách của Nhà nước có toàn diện, đầy đủ đến đâu mà không được người dân tin tưởng, ủng hộ và chung sức thực hiện thì cũng đều là vô ích. Bài học về “thế trận lòng dân” một lần nữa được khẳng định trong nỗ lực chiến đấu với giặc dịch ở nước ta.
Có thể nói, chính cách ứng xử của Đảng và Nhà nước trong đối phó với dịch bệnh, tăng cường bảo hộ và chăm lo sức khỏe người dân đã góp phần nhân lên niềm tin của người dân đối với Đảng và Nhà nước.
Ngay từ rất sớm, Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và chuẩn bị tốt các kịch bản phòng chống dịch bệnh; tận dụng tối đa “thời điểm vàng” để khoanh vùng, cách ly và sàng lọc các đối tượng dù tốn kém công sức và tiền của, sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn để bảo vệ sức khỏe người dân; quan tâm chăm lo cho người nghèo, người mất việc vì đại dịch.
Tinh thần dân tộc chói sáng, giúp Việt Nam đứng vững trước cơn cuồng phong của đại dịch Covid-19. Ảnh: Internet
Quan trọng là, người dân được cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, minh bạch về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch, được hướng dẫn chăm sóc sức khỏe, nâng cao ý thức, trách nhiệm tham gia phòng, chống dịch.
Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương và sự đồng lòng của người dân trong triển khai các giải pháp phù hợp, đồng bộ, quyết liệt và kịp thời đã giúp Việt Nam kiểm soát tốt tình hình.
Người dân trong nước cũng như ở hải ngoại tin tưởng, ủng hộ Chính phủ, sẵn sàng góp công, góp của, chia sẻ, gánh vác cùng Chính phủ trong cuộc chiến với dịch bệnh. Nếu không hành động vì dân, không đặt mục tiêu tối thượng là bảo vệ và chăm lo cho con người, chắc chắn Chính phủ đã không nhận được niềm tin và sự ủng hộ to lớn như thế.
Sau hơn hai tháng kể từ khi dịch bệnh xuất hiện ở Việt Nam, một cuộc khảo sát do tổ chức Dalia Research, có trụ sở tại Berlin (Đức), tiến hành tại 45 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã công bố kết quả vào ngày 30/3/2020, cho thấy Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ người dân tin tưởng vào các biện pháp ứng phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 của Chính phủ cao nhất thế giới. Cụ thể là, 62% người Việt Nam cho rằng Chính phủ đã thực thi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh Covid-19 phù hợp, không quá mạnh tay, hay lỏng lẻo.
Nhìn lại chặng đường chống dịch đầy cam go của Việt Nam vừa qua, kết quả khảo sát trên thực sự khiến chúng ta xúc động và tự hào. Có đi qua chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, hay những thời khắc khó khăn nhất, chúng ta mới càng thấu hiểu vai trò của niềm tin và sự tín nhiệm trong nhân dân, đó là cội nguồn sức mạnh để Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách.
Cũng chính vì vậy, cho dù các thế lực phản động, thù địch ra sức xuyên tạc, chống phá, nói xấu Đảng, Nhà nước, tung tin thất thiệt về dịch bệnh và cách ứng phó với dịch bệnh của hệ thống chính trị, nhưng nhân dân vẫn tin vào Chính phủ và những thông tin chính thống từ cơ quan Nhà nước.
ATM gạo thể hiện tinh thần yêu thương, đùm bọc nhau của người Việt trong lúc khốn khó. Ảnh: Internet
Hưởng ứng lời kêu gọi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng, người dân tuân thủ hướng dẫn phòng chống dịch bệnh, trung thực khai báo y tế, nghiêm túc thực hiện cách ly tập trung cũng như giãn cách xã hội. Không những vậy, đã có nhiều hành động đẹp, nhiều sáng kiến hay nảy sinh từ trong thời kỳ dịch bệnh, tinh thần tương trợ cộng đồng được phát huy cao độ, các hoạt động từ thiện, tình nguyện nở rộ như: cung cấp đồ ăn cho các khu cách ly, cung cấp nhu yếu phẩm miễn phí cho những người gặp khó khăn, sáng kiến lập cây ATM gạo nhận được nhiều lời khen ngợi của truyền thông nước ngoài… Không chỉ ở trong nước, mà người Việt ở khắp các nơi trên thế giới cũng phát huy tinh thần sẻ chia, tương thân tương ái, chung vai, sát cánh cùng Đảng và Nhà nước trong cuộc chiến với dịch bệnh Covid-19.
Tính đến thời điểm này, đại dịch Covid-19 ở Việt Nam cơ bản đã được kiểm soát, nhưng bài học về niềm tin cần tiếp tục được phát huy trong thời kỳ hậu dịch bệnh.
Làm thế nào để người dân giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp, trước mắt là công tác triển khai gói cứu trợ dành cho những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh và những chính sách nhằm phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch?
Rộng hơn nữa, phải làm sao để người dân vững tin vào chế độ chính trị, vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là trong bối cảnh vấn đề chủ quyền biển đảo; cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng vẫn đang nóng bỏng từng ngày; sự suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức nhà nước làm suy giảm lòng tin của nhân dân; sự chống phá quyết liệt của các phần tử phản động, cơ hội chính trị, các thế lực thù địch trong và ngoài nước với những thủ đoạn tinh vi gây hoang mang, lung lạc, mất niềm tin trong nhân dân.
Cuộc chiến chống giặc dịch đã cho chúng ta thấy rất rõ điều gì tạo nên niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước, đó là tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì dân của cán bộ; là chủ trương, chính sách đúng đắn kết hợp với việc tuyên truyền hiệu quả; là sự nhạy bén của truyền thông và phản ứng kịp thời của Nhà nước nhằm giải quyết mọi khúc mắc trong nhân dân và đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, sai trái; đặc biệt là việc thực hiện công khai, minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình.
Vì vậy, việc duy trì và tiếp tục thực hiện những yếu tố ấy là cơ sở để củng cố và phát huy niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước trong từng nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước hiện nay và những giai đoạn tiếp theo.
Thành Nhật