Trong 5 năm triển khai (2017 - 2022), chương trình “Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp” được các cấp bộ Đoàn trong tỉnh thực hiện với nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Đề án số 29/ĐA-UBND ngày 23/11/2018 về việc “Hỗ trợ vốn vay khởi nghiệp và phát triển sản xuất kinh doanh cho thanh niên trên địa bàn tỉnh Ninh Bình” và được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 43/2018/NQ-HĐND ngày 12/12/2018. Phối hợp với Ngân hàng chính sách, xã hội khai thác, quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn Quỹ Quốc gia về việc làm, nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội và vận động các nguồn xã hội hóa để hỗ trợ vay vốn cho thanh niên làm kinh tế, giải quyết việc làm cho đoàn viên, thanh niên.
Đến nay, dư nợ ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội đạt trên 449 tỷ 832 triệu đồng; giải ngân 30 tỷ đồng theo tinh thần Nghị quyết số 43/2018/NQ-HĐND ngày 12/12/2018 của HĐND tỉnh cho 617 mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã. Khi đi vào hoạt động, các mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi tháng và giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương như: trang trại trồng nấm đông trùng hạ thảo, hợp tác xã Sinh Dược; mô hình nuôi trồng tảo xoắn Ninh Bình, dược liệu Yên Sơn, mô hình trồng cây ăn quả sạch theo tiêu chuẩn VietGap, hợp tác xã cây công trình Tam Điệp,...
Mô hình trồng cây ăn quả sạch theo tiêu chuẩn VietGap của thanh niên Phạm Sỹ Tú tại xã Yên Đồng, huyện Yên Mô
(Nguồn: Internet)
Tỉnh đoàn Ninh Bình thường xuyên triển khai các hoạt động tư vấn hướng nghiệp cho học sinh trong các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; phối hợp với Sở Lao động Thương Binh và Xã hội tổ chức “Ngày hội việc làm”, “Ngày hội tư vấn nghề nghiệp, giới thiệu việc làm” cho thanh niên nông thôn, bộ đội xuất ngũ có nhiều cơ hội tiếp cận với các nhà tuyển dụng để lựa chọn việc làm phù hợp. Kết quả đã tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho 130.500 học sinh các trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh; giới thiệu việc làm cho hơn 9.000 đoàn viên thanh niên; 6.000 bộ đội xuất ngũ trở về địa phương.
Phối hợp tổ chức 78 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hơn 2.550 đoàn viên thanh niên; 116 buổi tham quan thực tế tại các mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn về nông nghiệp, ngư nghiệp cho gần 1.100 đoàn viên thanh niên. Tại đây, các thành tựu khoa học kỹ thuật về nuôi trồng, bảo quản sản phẩm theo tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở sản xuất, nuôi trồng, chế biến đã được chuyển giao, từng bước để thanh niên làm chủ.
Tỉnh đoàn Ninh Bình phối hợp cùng công ty Cổ phần thiết bị bay AgriDrone Việt Nam tổ chức triển lãm Sàn giao dịch nông sản trên vũ trụ ảo AgriVerse
(Nguồn: Internet)
Tuy nhiên, chương trình “Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp” tại tỉnh Ninh Bình còn gặp một số khó khăn như: nguồn vốn, quỹ đầu tư chưa đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế của thanh niên; một số mô hình, dự án còn manh mún, nhỏ lẻ; thị trường tiêu thụ sản phẩm còn thấp, thiếu chuyên nghiệp chủ yếu hoạt động tự do; khả năng tiếp cận với các thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại còn chậm... Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Ninh Bình lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2022 - 2027 đã đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp trong thời gian tới:
Thứ nhất, tiếp tục triển khai thực hiên hiệu quả Đề án số 29/ĐA-UBND ngày 23/11/2018 về việc “Hỗ trợ vốn vay khởi nghiệp và phát triển sản xuất kinh doanh cho thanh niên trên địa bàn tỉnh Ninh Bình”; Đề án “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, giai đoạn 2022 - 2027”. Phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn, Quỹ quốc gia về việc làm, vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội, Nguồn vốn hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế của HĐND tỉnh và vận động các nguồn vốn xã hội hóa để hỗ trợ vay vốn cho thanh niên làm kinh tế.
Thứ hai, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh tích cực tạo môi trường phong phú, đa dạng cho thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp; xây dựng các chương trình, giải pháp cụ thể kết nối các dự án, ý tưởng của thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp tới doanh nghiệp và xã hội. Trong đó, đẩy mạnh triển khai thực hiện chương trình “Thanh niên Ninh Bình khởi nghiệp và lập nghiệp”; duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động của câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp; hỗ trợ cung cấp thông tin kiến thức, kỹ năng cho thanh niên khởi nghiệp; tư vấn hướng nghiệp, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho thanh niên thông qua các “Ngày hội việc làm”, “Ngày hội tư vấn nghề nghiệp, giới thiệu việc làm”.
Thứ ba, tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng cho thanh niên về khởi nghiệp, hướng nghiệp, tham gia phát triển kinh tế thông qua nhiều hình thức khác nhau. Đặc biệt là tận dụng tốt các cơ hội trong thời kì của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với cốt lõi là chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay. Bên cạnh đó, cần truyền thông và nhân rộng các mô hình, dự án thành công và những thanh niên ưu tú làm kinh tế giỏi để nêu gương và nâng cao nhận thức về khởi nghiệp, lập nghiệp trong thanh niên.
Gia Linh