Vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội LHPN tỉnh Ninh Bình, góp phần xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc. Từ năm 2019 đến năm 2021, dưới sự chỉ đạo của Hội LHPN tỉnh, các cấp Hội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nguồn lực, mở rộng tính liên kết các chương trình, đề án hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, khởi sự kinh doanh đạt kết quả rõ nét; phát huy được nội lực của hội viên phụ nữ; xác định đúng đối tượng, hình thức hỗ trợ phù hợp với nhu cầu thực tiễn và thế mạnh từng địa phương.
Hợp tác xã may mặc Thạch Bình (Thôn Lạc Bình 1, Xã Thạch Bình, Huyện Nho quan, Ninh Bình) xuất khẩu hàng may mặc đi Ăng-Gô-La và tiêu thụ trong nước, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 30 người, trong đó có 16 phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.
(Ảnh: interrnet)
Hội LHPN tỉnh đã tập trung hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn. Hoạt động ký kết, nhận ủy thác các nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục được quan tâm, Quỹ quay vòng hỗ trợ phụ nữ tỉnh và Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh được mở rộng về quy mô, nâng cao về chất lượng, tạo điều kiện để phụ nữ được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho gia đình.
Hằng năm, nguồn vốn các ngân hàng ủy thác qua tổ chức Hội đều tăng. Đến nay, tổng số dư nợ đạt 3.206 tỷ đồng, cho 50.685 người vay, tại 1.965 tổ/nhóm vay vốn và tiết kiệm, trong đó có 14.591 lượt phụ nữ nghèo[1]. 100% cơ sở Hội tổ chức cho phụ nữ vay vốn, đơn vị cho vay vốn cao nhất là xã Khánh Thượng (huyện Yên Mô) với 77 tỷ đồng, đơn vị cho vay vốn thấp nhất là phường Ninh Sơn (TP Ninh Bình) cũng đạt 02 tỷ đồng. Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động quản lý vốn vay được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ, bảo đảm an toàn và sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả.
Song song với việc hỗ trợ về vốn, từ năm 2019 đến nay, Hội LHPN các cấp trên địa bàn tỉnh phối hợp tổ chức 80 lớp dạy nghề đan cói, đan bèo bồng, đan nhựa trên khung sắt... cho 4.057 học viên và duy trì nghề thêu, may công nghiệp, khâu chăn bông xuất khẩu, xuyên hạt cườm...; giới thiệu tạo việc làm cho 9.411 phụ nữ[2].
Tăng cường phối hợp tuyên truyền, vận động phụ nữ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, chế biến sản phẩm an toàn, tích cực tham gia chuyển đổi mô hình sản xuất, cơ cấu cây trồng vật nuôi. Qua ba năm, các cấp Hội đã tổ chức được 4.222 buổi chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 250.270 người dự nghe2.
Mặt khác, các cấp Hội đã chủ động đề xuất, tham mưu với UBND các cấp ban hành Kế hoạch và cấp kinh phí thực hiện Đề án “Hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” của Chính phủ.
Phối hợp với các ngành chức năng, các doanh nghiệp hỗ trợ phụ nữ nâng cao năng lực, tiếp cận nguồn vốn để khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp hiệu quả. Vận động hội viên, phụ nữ hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Chương trình “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế”.
Hưởng ứng Ngày ”Phụ nữ khởi nghiệp” với nhiều chủ đề do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, qua ba năm Hội LHPN tỉnh đã phát động cán bộ, hội viên phụ nữ trong tỉnh tham gia, có 05 ý tưởng kinh doanh, khởi nghiệp tiêu biểu đạt giải được Trung ương Hội hỗ trợ thực hiện, trong đó, ý tưởng “Xây dựng mô hình tổ hợp tác chăn nuôi gà ri theo hướng an toàn sinh học” đạt giải và được Trung ương Hội hỗ trợ thực hiện tại xã Phú Long, huyện Nho Quan.
Hỗ trợ nhân diện mô hình chăn nuôi gà theo hướng hữu cơ tại xã Phú Long, huyện Nho Quan và tổ hợp tác “Sản xuất gia trại sạch” xã Ninh Hòa (Hoa Lư); tiếp tục hỗ trợ các điều kiện nhân rộng mô hình sản xuất lúa đặc sản, chất lượng cao theo hướng hữu cơ tại HTX Liên Phương, xã Yên Nhân, huyện Yên Mô với quy mô 10 ha, 55 thành viên, năng suất hiện đạt 63 tạ/ha3.
Trong ba năm, các cấp Hội đã tổ chức được 54 lớp tập huấn kiến thức cho 4.109 cán bộ Hội các cấp, nữ chủ doanh nghiệp, nữ chủ tổ hợp, nữ tiểu thương về vai trò chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp và phổ biến kiến thức về sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn, khởi sự kinh doanh, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi theo hướng hữu cơ; lập kế hoạch kinh doanh, hướng dẫn xác lập quyền sở hữu công nghiệp và phát triển nhãn hiệu cho các sản phẩm, hàng hóa, kỹ năng kinh doanh và tổ chức mạng lưới bán lẻ; hỗ trợ kết nối giới thiệu tiêu thụ sản phẩm chất lượng cao, đặc sản địa phương...
100% cơ sở Hội đăng ký và triển khai nhiều giải pháp hiệu quả để giúp đỡ 498 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp hiệu quả với các hình thức: vay vốn, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng, kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Các cấp Hội cũng chủ động rà soát, thống nhất biện pháp giúp hộ phụ nữ nghèo, hộ mới thoát nghèo phát triển kinh tế; phối hợp với doanh nghiệp tổ chức dạy nghề, giới thiệu việc làm cho phụ nữ; vận động mỗi phụ nữ tham gia ít nhất một hình thức tiết kiệm.
Trong ba năm, đã tiết kiệm được trên 27 tỷ đồng, cho gần 5.400 lượt phụ nữ vay, hỗ trợ gần 800 ngày công, hơn 6.000 ngàn con giống, đã giúp 870 hộ nghèo do phụ nữ đứng chủ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh xuống còn 2% vào năm 2020[3].
Bằng nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ hội viên, phụ nữ trên địa bàn tỉnh phát triển kinh tế, Hội LHPN tỉnh Ninh Bình đã phát huy tốt vai trò của Hội giúp chị em phát triển kinh tế, tăng thu nhập, xoá đói, giảm nghèo, từng bước vươn lên làm giàu, khẳng định vai trò, vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh.
[1] Hội LHPN tỉnh Ninh Bình: Báo cáo Tổng kết phong trào Phụ nữ và hoạt động Hội năm 2021. Phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022.
1,2 Tổng hợp từ Báo cáo của Hội LHPN tỉnh năm 2019, 2020, 2021
3 Hội LHPN tỉnh Ninh Bình: Báo cáo Tổng kết phong trào Phụ nữ và hoạt động Hội năm 2020. Phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2021
[3] Tổng hợp từ Báo cáo của Hội LHPN tỉnh năm 2019, 2020, 2021
Lâm Thu