Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ chính trị, nội dung quan trọng trong công tác của Hội, thời gian qua, các cấp Hội CCB tỉnh Ninh Bình đã tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên về mục đích, ý nghĩa của chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM.
Ban chấp hành Hội CCB tỉnh đã đề ra chương trình hoạt động cụ thể, phù hợp và sát với tình hình thực tế của từng huyện, xã. Đồng thời, Hội coi trọng phát huy vai trò của tổ chức Hội và hội viên có uy tín trong cộng đồng dân cư. Tỉnh Hội Ninh Bình đã phát động các phong trào “CCB gương mẫu đi đầu trong tuyên truyền, vận động hội viên và nhân dân xây dựng NTM”, “CCB hiến đất làm đường giao thông”; chương trình “giúp hộ CCB thoát nghèo”, mô hình “thắp sáng đường quê”; “CCB với việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang”... Các mô hình, các chương trình do Hội đề ra đã được các cấp Hội đồng tình hưởng ứng.
Với những việc làm thiết thực, trong 10 năm triển khai thực hiện (2010-2020), Hội Cựu chiến binh tỉnh đã đạt được một số kết quả tiêu biểu:
Các cấp Hội CCB trong toàn tỉnh đã tổ chức được 802 buổi tập huấn, hội thảo, tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới với gần 72.000 lượt cán bộ, hội viên tham gia.
Cán bộ, hội viên tích cực tham gia hiến kế với cấp ủy, chính quyền địa phương về xây dựng đề án quy hoạch với 2.592 ý kiến; đi đầu trong việc hiến đất xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở: có 10.005 hộ trực tiếp hiến 803.924 m2 đất thổ cư, thổ canh, đất 313[1] trị giá hàng trăm tỷ đồng; ủng hộ 34.480 triệu đồng tiền mặt; tham gia 160.293 ngày công dỡ bỏ 4.333m tường rào để làm đường giao thông nông thôn; tham gia kiên cố hóa 4.298m kênh mương, tham gia làm 266km đường giao thông nông thôn; tham gia bảo vệ môi trường, thu gom hàng trăm tấn rác thải, khơi thông 215km dòng chảy, kênh mương; xây dựng được 346 điểm tập kết rác, giải tỏa được hơn 150 điểm vứt rác tự phát. Ngoài ra, các Hội CCB cơ sở còn động viên hội viên ủng hộ 3.020 m3 cát, đá; 24 tấn xi măng để làm đường giao thông và xây dựng nhà văn hóa[2].
Năm 2021, các cấp Hội đã tập trung vận động cán bộ, hội viên gương mẫu thực hiện tốt cuộc vân động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; chương trình chung tay xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh và xây dựng xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, đã tổ chức tuyên truyền được 63 buổi; có 340 hộ hiến 5.012 m2 đất, tháo dỡ 3.202m tường rào; tham gia làm 11.451m đường giao thông, tham gia 9.291 ngày công lao động, ủng hộ tiền và vật liệu trị giá 1.826 triệu đồng xây dựng nông thôn mới[3].
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Hội CCB tỉnh, các cấp hội đã tích cực vận động hội viên tham các chương trình, phong trào thi đua ở cơ sở, chung sức xây dựng NTM, đô thị văn minh. Thông qua các phong trào thi đua, đã xuất hiện nhiều đơn vị điển hình, gia đình CCB tiêu biểu như Hội CCB huyện Nho Quan với phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, từng bước giảm nghèo, đã phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức các lớp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho hội viên, đưa giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả và năng suất cao vào sản xuất; tổ chức cho hội viên đi tham quan, học tập các mô hình, đoàn thể làm kinh tế giỏi trong và ngoài tỉnh.
Mô hình trồng nấm hấp nguyên liệu bằng hệ thống lò hơi của gia đình hội viên chi hội CCB xóm 4A - Hội CCB xã Khánh Nhạc
(Ảnh: internet)
Hội đứng ra tín chấp với Ngân hàng chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho trên 3.500 hộ hội viên được vay vốn với tổng dư nợ gần 100 tỷ đồng; tích cực tuyên truyền, vận động hội viên tham gia ủng hộ Quỹ Vòng tay đồng đội để giúp hội viên vay vốn không lãi suất trong 2 năm....
Hội CCB huyện Kim Sơn đã phát huy thế mạnh, tiềm năng của từng địa phương, phát động phong trào giúp nhau phát triển kinh tế gia đình. Hội đã hỗ trợ cho hội viên nghèo vay vốn phát triển kinh tế, qua đó giúp cho trên 200 hộ hội viên thoát nghèo; Hội đã tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi; thường xuyên động viên cán bộ, hội viên dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, vươn lên xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng...
Với ý chí của những "Người lính Cụ Hồ” luôn tiên phong gương mẫu đi đầu trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong phong trào xây dựng NTM, Hội CCB tỉnh Ninh Bình đã và đang nhận được sự đồng thuận, tích cực hưởng ứng của hội viên và nhân dân toàn tỉnh. Thời gian tới, với mục tiêu: “tiếp tục nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp hội từ tỉnh đến cơ sở; huy động mọi nguồn lực và phát huy vai trò chủ thể là người dân trong xây dựng nông thôn mới”[4], Hội CCB tỉnh sẽ tiếp tục chung tay, góp sức cùng với địa phương đẩy nhanh việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./.
[1] Đất 313 là tên gọi khác của đất nông nghiệp, được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất để sử dụng lâu dài.
[2] Báo cáo Tổng kết 10 năm Cựu chiến binh tham gia thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020, ngày 24/6/2019 của Hội Cựu chiến binh tỉnh Ninh Bình.
[3] Báo cáo số: 350/BC-CCB, ngày 15 tháng 11 năm 2021 của BTT Hội CCB tỉnh Ninh Bình -Báo cáo tổng kết công tác hội năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2022
[4] Báo cáo Tổng kết 10 năm Cựu chiến binh tham gia thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020, ngày 24/6/2019 của Hội Cựu chiến binh tỉnh Ninh Bình.
Khắc Trung