Ngày 26/12/2014, UBND tỉnh ban hành Quyết định 1111/QĐ-UBND phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2015 -2020. Đặc biệt, ngày 24/10/2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05 – NQ/TU về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết ra đời đã trở thành động lực, đòn bẩy để bắt đầu chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp.
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, toàn diện, hiệu quả của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh cùng với tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của nông dân, sự hăng hái của các hợp tác xã, doanh nghiệp, ngành nông nghiệp Ninh Bình đã có những bước chuyển mạnh mẽ, tiếp tục khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế thông qua việc bảo đảm vững chắc nguồn cung lương thực, thực phẩm, tạo sinh kế, việc làm và thu nhập ổn định cho người dân nông thôn, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tốc độ tăng trưởng bình quân toàn ngành giai đoạn 2015 -2020 đạt 2,02%/năm. Năm 2021, trước tác động nghiêm trọng về mọi mặt của đại dịch COVID-19, vượt lên khó khăn, bằng nhiều giải pháp chỉ đạo, điều hành linh hoạt của ngành chức năng, sự nỗ lực thích ứng của nông dân, doanh nghiệp, nông nghiệp Ninh Bình vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng 2,87%, giá trị sản xuất đạt 143,2 triệu đồng/ha canh tác, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm trong mọi tình huống.
Cơ cấu giá trị nội bộ ngành có sự chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng dịch vụ, chăn nuôi, các lĩnh vực sản xuất như lúa, thủy hải sản, con nuôi đặc sản được mở rộng cả về diện tích cũng như tăng trưởng về năng suất, chất lượng, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Việc ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được tăng cường và là giải pháp then chốt tăng năng suất, giá trị, thu nhập. Tỷ lệ diện tích sản xuất nông nghiệp được áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước đã tăng từ 24,6% năm 2017 lên 34,6% năm 2020; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất theo quy trình sản xuất tốt (GAP) hoặc tương đương tăng từ 3,4% năm 2017 lên 10,3% năm 2020... Công nghệ cao được áp dụng vào sản xuất trên tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp.
Tỷ lệ lúa chất lượng cao, đặc sản tăng nhanh qua các năm, đến năm 2022 đạt tỷ lệ 72,5% tổng diện tích gieo cấy lúa. Áp dụng thành công quy trình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ từ 10ha (năm 2018) lên trên 1.000ha (năm 2022) và đang tiếp tục được mở rộng ở các địa phương. Sản xuất vụ Đông đi vào thực chất với quy mô hợp lý, tăng cường ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gắn liền với tiêu thụ, không chạy theo số lượng.
Phương thức chăn nuôi đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ từ nhỏ lẻ, hộ gia đình sang hình thức gia trại, trang trại quy mô lớn và từng bước hiện đại, an toàn dịch bệnh, phát triển bền vững theo hướng hàng hóa. Toàn tỉnh hiện có 201 trang trại chăn nuôi, tăng 47% so với năm 2015, trong đó một số trang trại đã ứng dụng công nghệ, thực hiện tự động hóa trong quy trình sản xuất và quản lý; đã hình thành các vùng, cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô lớn theo chuỗi giá trị.
Chăn nuôi bò quy mô lớn theo hướng công nghiệp ở xã Yên Phú, huyện Nho Quan
Thủy sản phát triển thuận lợi, tăng trưởng nhanh cả về nuôi trồng và khai thác, tiếp tục là mũi nhọn của ngành nông nghiệp. Phát triển mạnh hình thức nuôi thâm canh, chuyên canh trong ao nổi trên địa bàn các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Yên Mô với các giống nuôi truyền thống như: cá trắm cỏ, trắm đen, cá chép lại,... cho năng suất từ 7 - 15 tấn hạ năm, doanh thu từ 300 - 800 triệu đồng/ha/năm.
Đối với vùng nuôi thủy sản nước mặn, nước lợ vùng ven biển huyện Kim Sơn phát triển các đối tượng nuôi có lợi thế như: tôm thẻ, tôm sú, ngao, cua xanh, đặc biệt có 35,5ha tôm siêu thâm canh 3 vụ/năm trong nhà lưới, doanh thu đạt từ 8 - 10 tỷ đồng/ha. Đã sản xuất được các con giống, đặc biệt sản xuất giống ngao, hàu cửa sông do lợi thế về địa hình với số lượng trên 29 trại nuôi. Trung bình hằng năm cung cấp 70 tỷ ngao giống và 12 tỷ hàu giống.
Diện tích rừng trên địa bàn tỉnh được duy trì và bảo vệ tốt, hạn chế tối đa số vụ cháy rừng và khai thác rừng trái phép. Các chỉ tiêu trồng rừng, bảo vệ rừng, trồng cây phân tán tăng mạnh qua các năm. Tỷ lệ che phủ rừng năm 2021 đạt 19,65%. Từng bước nâng cao, phát huy tối đa giá trị kinh tế đất rừng qua việc trồng xen cây dược liệu như trà hoa vàng, nấm linh chi, đáp ứng mục tiêu bảo vệ rừng, bảo đảm độ che phủ rừng, đồng thời đem lại thu nhập cho người trồng.
Sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện của ngành nông nghiệp đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, làm thay đổi diện mạo nông thôn khang trang, hiện đại, văn minh hơn, đời sống vật chất tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao.
Đến hết tháng 5/2022, toàn tỉnh có 04 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và 02 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 117/119 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 98,3%); 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 11 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 165/1355 thôn đạt Khu dân cư NTM kiểu mẫu. Tỉnh Ninh Bình phấn đấu đạt tỉnh nông thôn mới vào năm 2024.
Để tiếp tục giữ vững vai trò trụ cột của nền kinh tế và hoàn thành các mục tiêu Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đề ra: phấn đấu đến năm 2025, nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chiếm tỷ trọng 8,5%; giá trị sản xuất trên 01 ha đất canh tác đến năm cuối nhiệm kỳ đạt 160 triệu đồng, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh cần tiếp tục thực hiện những giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, NTM nâng cao, kiểu mẫu.
Thứ hai, chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, nông nghiệp theo hướng hữu cơ, đặc hữu gắn kết với phát triển du lịch sinh thái cảnh quan, trải nghiệm và du lịch cộng đồng.
Thứ ba, hoàn thiện quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế ven biển, kiểm soát, khai thác tài nguyên biển gắn với bảo đảm an ninh quốc phòng.
Thứ tư, đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ giúp giảm giá thành, nâng cao giá trị sản phẩm và cạnh tranh trên thị trường.
Ngọc Khánh