Nhận diện
Không gian mạng là môi trường mở, cho phép người sử dụng được tự do cung cấp, tìm kiếm, sử dụng và lan truyền thông tin. Thông tin trên không gian mạng hết sức phong phú về đề tài, đa dạng về thể loại, người dùng có thể liên tục cập nhật, quan sát, theo dõi. Do tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn khác nhau và cho phép người tham gia cung cấp thông tin mà không cần công khai danh tính, vì vậy, thông tin trên không gian mạng có đặc tính là cập nhật thường xuyên, nội dung thông tin từ nhiều nguồn, nhiều địa bàn, nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Thông tin được phát tán, lan truyền rất nhanh thông qua không gian mạng và hầu như không có giới hạn về biên giới, lãnh thổ; dễ tạo hiệu ứng xã hội theo chiều rộng. Qua đó, công chúng tự do bình luận, đóng góp ý kiến về vấn đề mình quan tâm khiến không gian mạng trở thành diễn đàn thể hiện các quan điểm, nêu ý kiến và có cả chức năng phản biện xã hội, đôi khi còn hiệu quả hơn kênh báo chí chính thống.
Từ những đặc điểm này mà các thế lực thù địch triệt để lợi dụng không gian mạng để xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng, phủ nhận các nguyên tắc xây dựng Đảng; gây chia rẽ đoàn kết nội bộ, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ của ta trên mọi lĩnh vực...
Chính vì vậy, nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng chống phá nguyên tắc Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật là rất quan trọng và cần thiết. Có thể khái quát các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng với các nội dung sau:
Thứ nhất, đấu tranh trực diện đòi phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, đòi bỏ Điều 4 Hiến pháp, đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập.
Các thế lực phản động, thù địch luôn tìm mọi cách móc nối, xâm nhập vào nội bộ của ta, tìm cách phân hóa tổ chức, lôi kéo, mua chuộc các phần tử thoái hóa biến chất, bất mãn, cơ hội chính trị. Trong tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, để tăng thêm hiệu ứng của các thông tin sai trái, chúng chú trọng tập hợp, trích dẫn các ý kiến trái chiều, đi ngược chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước của những phần tử chống đối nhưng lại tự nhận là “nhân sĩ, trí thức yêu nước”, “tâm huyết, trách nhiệm vì nhân dân”... Đây là chiêu bài mà các thế lực thù địch từ bên trong kết hợp với bên ngoài chống phá nguyên tắc Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Thứ hai, triệt để lợi dụng không gian mạng, nhất là vào những thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước để phát tán thông tin xuyên tạc, chống phá, bằng nhiều chiêu thức với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, “nói nhiều rồi sẽ tin”..., núp dưới những chiêu bài “góp ý”, “kiến nghị, đề nghị”, “thư ngỏ” nhằm chống phá, xuyên tạc nguyên tắc Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Thứ ba, xuyên tạc quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; trắng trợn bịa đặt, vu cáo Đảng, Nhà nước và các cơ quan pháp luật “vi phạm tự do, dân chủ, nhân quyền”; kích động gây dư luận xấu, tạo mâu thuẫn xã hội; tán dương, cổ vũ các hành động, hành vi trái pháp luật của những phần tử chống đối; tạo dựng các video clip, phóng sự có giao diện giống của Đài Truyền hình Việt Nam và một số kênh truyền thông có uy tín để làm cho nhiều người nhầm đó là thông tin chính thống nhằm chống phá nguyên tắc Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Thứ tư, lợi dụng sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp bị thi hành kỷ luật Đảng và bị xử lý theo pháp luật để quy chụp bản chất chung của cán bộ, đảng viên là tham nhũng, tiêu cực, suy thoái nhằm tạo ra nhận thức sai lệch, hoài nghi, dao động, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và cho rằng nguyên nhân là do Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện sai nguyên tắc Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật nên cán bộ, đảng viên đứng trên, đứng ngoài pháp luật.
Thứ năm, các thế lực thù địch đưa ra nhiều quan điểm, luận điệu hòng bác bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Chúng lên tiếng cho rằng, ở Việt Nam không có “pháp trị”, chỉ có “đảng trị” và đòi xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp; chống phá nguyên tắc Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Luận cứ đấu tranh phản bác
Thứ nhất, kiên quyết bác bỏ luận điệu sai trái, phủ nhận vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong lãnh đạo, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên cơ sở khoa học.
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Đây là nguyên tắc Hiến định mang tính giai cấp sâu sắc, nguyên tắc bảo đảm sự thành công của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Sự nghiệp cách mạng xã hội của nước ta là sự nghiệp cách mạng của toàn dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Đảng Cộng sản Việt Nam là một bộ phận cấu thành hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa, nhưng đồng thời là lực lượng lãnh đạo hệ thống đó. Thực chất ở các nhà nước tư sản, đảng chính trị nào sau khi thắng cử cũng thông qua nhà nước để thực hiện đường lối của đảng mình. Vì vậy, Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một thành viên trong hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa tất yếu phải do Đảng lãnh đạo. Mọi hoạt động của Nhà nước, cũng như việc tổ chức xây dựng và phát huy vai trò của Nhà nước trong quản lý xã hội đều phải đặt dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng, ngoài ra không lực lượng nào có quyền lãnh đạo Nhà nước. Đây là vấn đề thuộc về bản chất giai cấp công nhân của Nhà nước, đồng thời cũng là một nguyên tắc hiến định, đã được ghi Điều 4 Hiến pháp năm 2013.
“Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Ảnh minh hoạ.
Sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước được thể hiện: Đảng đề ra đường lối, chủ trương và lãnh đạo Nhà nước thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành Hiến pháp, pháp luật; lãnh đạo Nhân dân thực thi Hiến pháp, pháp luật; lãnh đạo Nhà nước tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính phục vụ Nhân dân; Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng công tác kiểm tra, giám sát việc quán triệt, tổ chức thực hiện đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước; nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên trong các cơ quan nhà nước; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và Nhân dân trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động của Nhà nước và bảo vệ Nhà nước.
Thứ hai, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định Đảng là một bộ phận của hệ thống chính trị và ngay từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (1976), Đảng ta đã khẳng định: “bắt buộc các tổ chức đảng và đảng viên tôn trọng quyền hạn, trách nhiệm và các chế độ của cơ quan nhà nước, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật và các quyết định của Nhà nước, coi đó là kỷ luật của Đảng”. Đến Đại hội X của Đảng (2006) đã đưa vào Điều lệ Đảng quy định: “Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Kể từ đây, Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật được xác định là một trong các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng. Hiến pháp 2013 khẳng định: “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
Thứ ba, thực tế thực hiện nguyên tắc Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luậtcho thấy Đảng không đứng trên, đứng ngoài hệ thống chính trị mà là một thành viên trong hệ thống chính trị, mọi hoạt động của Đảng đều trong khuôn khổ quy định của Hiến pháp và pháp luật. Xác định rõ điều này không phải hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và toàn xã hội mà chính là nhằm khắc phục tình trạng bao biện, làm thay, Đảng “lấn sân” chính quyền hoặc buông lỏng vai trò lãnh đạo.
Thứ tư, Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng chủ trương, đường lối, chính sách và sự gương mẫu của các tổ chức đảng và đảng viên.
Nhà nước kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng thành pháp luật và tổ chức thực hiện. Kiên quyết đấu tranh chống lại tình trạng tùy tiện, thiếu ý thức tổ chức, kỷ luật và tinh thần trách nhiệm, không chấp hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Sự gương mẫu của đảng viên có tác động vô cùng to lớn trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân; góp phần tạo ra trạng thái xã hội khuyến khích việc chấp hành pháp luật.
Cán bộ, đảng viên ở vị trí càng cao càng phải rèn luyện đạo đức cách mạng; thật sự xứng đáng là những tấm gương sáng để Nhân dân noi theo; phát huy bài học đã được Nhân dân ghi nhận là “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Đối với những cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật và Điều lệ Đảng phải được xử lý thật kiên quyết theo phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.
Hồng Kỳ