Văn hoá là nền tảng tinh thần, là sức mạnh nội sinh, là bản lĩnh, sức sống của mỗi cộng đồng dân tộc. Về bản chất, văn hoá là những hoạt động sáng tạo của con người hướng tới những giá trị nhân văn, nhân bản, là khát vọng hướng tới chân, thiện, mỹ nhằm hoàn thiện con người, hoàn thiện xã hội. Nói tới văn hoá là nói tới con người, do vậy, phát huy vai trò của văn hoá trong phát triển chính là phát huy những năng lực, bản chất của con người. Với bề dày lịch sử hàng nghìn năm, dân tộc Việt Nam có hệ giá trị văn hóa giàu truyền thống và mang những đặc trưng như thế.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) đã chỉ ra những đặc điểm cơ bản tạo nên bản sắc dân tộc Việt Nam đồng thời cũng là của con người Việt Nam, “Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống...”[1].
Ngoài những đặc điểm cơ bản nêu trên, người Việt Nam còn nhiều đặc điểm khác, như tinh thần lạc quan, sự sáng tạo, hiếu học, coi trọng gia đình, hiếu khách, cởi mở, mềm dẻo và linh hoạt trong tư duy... Do vậy, khi nói tới việc phát huy những giá trị văn hóa, con người Việt Nam cũng chính là khơi dậy và phát huy những đặc điểm ấy.
Nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Ảnh: Internet
Những tháng ngày chống dịch Covid-19 vừa qua, một lần nữa những giá trị văn hóa, con người Việt Nam lại được phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Mọi người Việt Nam, từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đến mỗi công dân; từ ngõ xóm, đồng quê đến thành thị, phố phường, từ trong nước đến đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc vẫn hướng về đất nước với tinh thần yêu nước, ý thức đoàn kết và quyết tâm phòng, chống dịch mạnh mẽ.
Trong cuộc chiến chống dịch như chống giặc, thêm một lần nữa tinh thần dân tộc lại “sôi nổi,nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn”.
Những nghĩa cử cao đẹp của con người Việt Nam đã phát huy cao độ tinh thần nhân ái, bùng cháy và lan tỏa những giá trị văn hóa, con người Việt Nam, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa nhân đạo hiện thực, của lý tưởng cộng sản chủ nghĩa.
Chỉ sau 45 ngày phát động sự ủng hộ của nhân dân đối với cuộc chiến chống Covid-19, ngày 6/5/2020, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nhận được số tiền ủng hộ lên tới hơn 2.000 tỷ đồng. Một con số lớn nhất từ trước đến nay không chỉ nói về giá trị vật chất mà còn thể hiện sự đồng lòng, quyết tâm to lớn, một niềm tin mãnh liệt của nhân dân đối Đảng, với Chính phủ trong cuộc chiến chống đại dịch.
Ngoài ra, còn rất nhiều những việc làm, những sự hy sinh thầm lặng của lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, của những người Mẹ Việt Nam Anh hùng, của các chiến sỹ áo trắng nơi tuyến đầu hay những người dân bình dị…, không thể tính được bằng giá trị vật chất. Tất cả những việc làm đó đã làm ngọn lửa của tinh thần yêu nước Việt Nam rực sáng.
Trong cuộc chiến chống dịch, lãnh đạo Đảng, Chính phủ luôn dành sự quan tâm đặc biệt, theo sát diễn biến của dịch từng giờ, từng phút. Ngày 30/3/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm chiến thắng đại dịch Covid-19. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh”.
Trên tinh thần ấy, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ luôn có sự chỉ đạo kịp thời các Bộ, Ban, Ngành từ Trung ương đến cơ sở trong công tác chống dịch với tinh thần coi con người là vốn quý giá nhất, “không bỏ lại ai ở phía sau”, chấp nhận những thiệt hại về kinh tế trước mắt để bảo vệ tốt nhất tính mạng của nhân dân.
Cho đến nay, sau gần 4 tháng chống dịch, Việt Nam cơ bản đã khống chế được đại dịch và chưa ghi nhận ca tử vong nào do Covid-19. Kết quả này, một mặt thể hiện thành công to lớn của Việt Nam trong bối cảnh cuộc chiến chống dịch vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới, mặt khác nó là một bước hiện thực hoá quan điểm của Đảng và Chính phủ Việt Nam là mọi chủ trương, quyết sách đều lấy lợi ích và hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu cao nhất.
Với thành công to lớn trong cuộc chiến chống dịch, lãnh đạo các nước, các tổ chức và các hãng truyền thông quốc tế đều ca ngợi thành công to lớn của Việt Nam, coi Việt Nam là tấm gương, là điểm sáng để các nước noi theo.
Hãng thông tấn Sputnik của Nga cho rằng "Việt Nam đã nêu tấm gương trong phòng chống dịch bệnh Covid-19" và chính truyền thống đoàn kết, nhất trí, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức đã giúp Việt Nam khống chế hiệu quả đại dịch.
Trang mạng Kommersant.ru của Nga ngày 23/4/2020 đăng bài đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong nỗ lực thúc đẩy hợp tác chống dịch ở khu vực Đông Nam Á. Theo bài viết, “người dân Việt Nam đã khẳng định vai trò lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch”.
Ngày 23/4/2020, trang forbes.com ở Mỹ đã đăng kết quả thăm dò dư luận mới nhất của hãng YouGov cho thấy, trong 26 quốc gia thì Việt Nam có tới 95% số người dân cho rằng Chính phủ Việt Nam đang xử lý tốt đại dịch.
Nhiều cơ quan truyền thông và báo chí tại Cộng hòa Séc đã đồng loạt đưa tin ca ngợi tấm lòng và tinh thần tương thân tương ái của cộng đồng người Việt ở khắp mọi nơi trên thế giới.
Hãng Thông tấn Séc ngày 25/3/2020, dẫn lời ông Marcel Winter, Chủ tịch danh dự Hội hữu nghị Séc - Việt đánh giá, cộng đồng người Việt là cộng đồng người nước ngoài duy nhất tại Séc đã hỗ trợ các bệnh viện, lực lượng ứng cứu và người dân Séc bằng cả vật chất và tài chính trong công cuộc phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đó là những minh chứng rõ nét về tinh thần bao dung, nhân ái của người Việt Nam.
Cuộc chiến chống dịch của Việt Nam đã đạt được những thành công quan trọng. Đã đến lúc, tinh thần dân tộc Việt phải được phát huy cao độ trong quá trình khôi phục và phát triển kinh tế đất nước để chăm lo tốt hơn cho cuộc sống của nhân dân.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo, hiện nay chúng ta phải tập trung thực hiện tốt mục tiêu kép là phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai các giải pháp toàn diện để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do dịch bệnh và chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận các cơ hội sau dịch bệnh, như “chiếc lò xo bị nén lại để bung ra”.
Trên tinh thần ấy, một “Hội nghị Diên Hồng thời đại mới” diễn ra sáng ngày 9/5/2020 do Thủ tướng Chính phủ chủ trì với thành phần tham dự là các doanh nghiệp đã cho thấy sự quyết tâm, trách nhiệm cao và sự đồng lòng của Chính phủ và các doanh nghiệp để cùng vượt qua khó khăn, nắm bắt thời cơ, vận hội đưa nền kinh tế đất nước phát triển mạnh mẽ.
Sau khi chống dịch xong, sản xuất sẽ được khôi phục sớm. Ảnh: Internet
Với quyết tâm của Chính phủ, của doanh nghiệp và của nhân dân, chắc chắn kinh tế Việt Nam sẽ có bước khởi sắc. Muốn vậy, hơn lúc nào hết, Việt Nam cần khơi dậy mạnh mẽ các giá trị trong tầng sâu văn hóa của mình trong thời kỳ mới để cùng nhau xây dựng đất một nước Việt Nam thịnh vượng, hùng cường.
Trong các yếu tố tạo cơ sở, nền tảng cho sự phát triển như vốn, tài nguyên, khoa học - công nghệ và con người thì con người là nhân tố có vai trò quyết định.
Con người Việt Nam với sự linh hoạt, nhạy bén, thông minh, ham học hỏi hoàn toàn có khả năng tiếp thu và vận dụng sáng tạo những thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến, những tri thức hiện đại trên thế giới vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi nguồn lực tài chính và nguồn lực vật chất cho sự phát triển của Việt Nam còn hạn hẹp, trong khi đó nguồn lực con người lại vô cùng phong phú, đất nước đang ở thời kỳ dân số vàng, nếu biết phát huy sẽ là nguồn sức mạnh to lớn thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ.
Các nhà đầu tư quốc tế dự báo Việt Nam là quốc gia sẽ thu hút mạnh dòng vốn đầu tư sau đại dịch. Họ cho rằng, thông qua cuộc chiến chống dịch, Việt Nam đã cho thấy khả năng phản ứng nhanh và quyết tâm rất cao của Đảng, Chính phủ trong chống dịch, sự định hướng kịp thời, sự minh bạch thông tin và trên hết là một thể chế có vai trò định hướng, dẫn dắt và quản trị tốt.
Đặc biệt, qua đại dịch, thế giới hiểu hơn về văn hoá và con người Việt Nam, hiểu về một dân tộc có tinh thần đoàn kết, một dân tộc biết đồng sức, đồng lòng, phát huy tinh thần đồng cam cộng khổ, chia ngọt, sẻ bùi để vượt qua khó khăn, hoạn nạn, hiểm nguy.
Tất cả những điều đó cùng với môi trường chính trị ổn định và địa chính trị thuận lợi, Việt Nam đã, đang và sẽ dành được sự tin tưởng rất lớn từ lãnh đạo các nước và các nhà đầu tư trên thế giới.
Với niềm tin mãnh liệt và sự quyết tâm cao, chắc chắn rằng người Việt Nam không chỉ để lại ấn tượng tốt đẹp đối với bạn bè quốc tế trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, trong quan hệ đối ngoại, mà còn cho thấy một tinh thần sẵn sàng vì một Việt Nam thịnh vượng!
[1]Đảng Cộng Sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ năm, Ban chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.56.
Quang Đặng