Những tháng vừa qua, dịch bệnh Covid-19 đã khiến cả thế giới chao đảo, không chỉ cướp đi mạng sống của hàng trăm nghìn người, mà còn gây ra những thiệt hại kinh tế nặng nề và làm xáo trộn mọi mặt của đời sống xã hội.
Trong khi nhiều nước vẫn đang vật lộn với dịch bệnh, cho đến thời điểm này có thể nói Việt Nam về cơ bản đã kiểm soát được tình hình. Ngày 23/4/2020, sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định dừng thực hiện cách ly xã hội, chuyển sang giai đoạn chống dịch dài hơi thì các cơ quan truyền thông nhiều nước nhận định Việt Nam đã bước đầu chiến thắng trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.
Ảnh: Minh hoạ
Kể từ ngày 16/4 đến nay, Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đặc biệt, nước ta chưa ghi nhận bất cứ trường hợp tử vong nào. Đây là con số đáng khích lệ, khiến nhiều quốc gia trên thế giới ngỡ ngàng, coi Việt Nam là hình mẫu về phòng, chống dịch bệnh.
Đã có nhiều câu hỏi được đặt ra như: Vì sao một đất nước rất gần với nơi bùng phát dịch, có nhiều quan hệ qua lại với Trung Quốc nhưng số người nhiễm bệnh không lớn? Vì sao một đất nước có tiềm lực kinh tế, khoa học kỹ thuật, y học còn hạn chế lại đạt được thành công như vậy?.
Sức mạnh để chiến thắng loại “giặc Covid” vô hình này không phải là vũ khí hay tiền bạc mà chính là tổng hợp sức mạnh của cả dân tộc Việt Nam, ở đó tinh thần dân tộc đã được phát huy đúng lúc và đúng mức. Suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã phải đương đầu với biết bao cuộc xâm lăng của các thế lực ngoại bang hùng mạnh, nhưng tinh thần yêu nước và đoàn kết dân tộc đã làm nên sức mạnh giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn thử thách để chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù. Tinh thần ấy một lần nữa đã được chứng minh trong cuộc chiến chống lại giặc Covid-19 vừa qua.
Thành công trong cuộc chiến với dịch bệnh trước hết là nhờ vào vai trò, bản lĩnh, sự chỉ đạo nhạy bén, sáng suốt, kịp thời của Đảng và Nhà nước trong việc đề ra những chủ trương, biện pháp đúng đắn với quyết tâm chính trị “chống dịch như chống giặc”, “chấp nhận hy sinh, thiệt hại về kinh tế để bảo vệ người dân” và “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Trên cơ sở đó, các cấp bộ đảng, chính quyền, đoàn thể từ trung ương đến địa phương đã nhanh chóng vào cuộc. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch được thành lập. Những chủ trương, kế hoạch, biện pháp chống dịch được triển khai thực hiện đồng bộ, nhanh chóng, hiệu quả như đẩy mạnh truyền thông đến nhân dân, minh bạch hóa thông tin dịch bệnh, khoanh vùng, cách ly, khử trùng, tập trung chữa trị người mắc bệnh.
Quan trọng hơn đó là sự đồng lòng, chung sức hưởng ứng của nhân dân, sự đồng thuận cao trên phạm vi toàn xã hội, sự hoà hợp của “ý Đảng - lòng dân”, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân. Chính điều đó đã khơi dậy tinh thần yêu nước, nâng cao niềm tin đối với Đảng, Nhà nước, từ đó hình thành nên phong trào sâu rộng của quần chúng nhân dân, quyết tâm giành chiến thắng trong cuộc đấu tranh với dịch bệnh.
Người dân nhận gạo tại cây ATM gạo tự động. Ảnh: Internet
Từ các y bác sỹ, các sỹ quan, chiến sỹ quân đội, công an, cho đến doanh nhân, trí thức, nhà khoa học, nghệ sĩ, học sinh, sinh viên, người lao động, tất cả đều tham gia phòng, chống dịch bệnh. Mỗi người dân không chỉ tự bảo vệ sức khỏe bản thân mình, chấp hành nghiêm túc các khuyến cáo và chỉ đạo của cơ quan chức năng về phòng, chống dịch bệnh mà còn nêu cao ý thức cộng đồng, kêu gọi “lúc này tạm ở trong nhà, đó là yêu nước thương dân”, “mỗi người, mỗi nhà chịu khó, chịu khổ để cả xã hội an toàn, quốc gia trụ vững”.
Trong dịch bệnh, truyền thống tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách” lại được lan toả. Bên cạnh gói cứu trợ từ Chính phủ, nhiều hoạt động từ thiện nở rộ trong cộng đồng, giúp đỡ những người gặp khó khăn do dịch bệnh. Bài học đại đoàn kết trở nên thấm thía hơn bao giờ hết.
Chiến thắng bước đầu của Việt Nam trước dịch bệnh là chiến thắng của một quốc gia đoàn kết; bắt nguồn từ các quyết sách đúng đắn và dứt khoát của Đảng, Nhà nước và từ sự đồng lòng hưởng ứng, hợp tác của người dân. Thế giới một lần nữa chứng kiến một Việt Nam kiên cường, sáng tạo và đầy tính nhân văn.
Cuộc chiến chống “giặc dịch” đã tạm thời được đẩy lùi, nhưng phía trước còn nhiều thách thức. Tinh thần dân tộc, sức mạnh đoàn kết đã giúp chúng ta chiến thắng trong cuộc chiến với Covid-19 cần được tiếp tục phát huy và đẩy mạnh trong công cuộc phục hồi và phát triển kinh tế hậu dịch bệnh, trong cuộc chiến với “giặc nội xâm” vẫn đang nóng bỏng (phòng chống tham nhũng) và trong bảo vệ chủ quyền quốc gia (vấn đề biển đảo) - những cuộc chiến đang chờ đợi chúng ta phía trước.
Sức mạnh dân tộc chỉ có thể phát huy hiệu quả với quyết tâm chính trị cao, sự phù hợp của các quyết sách với tình hình thực tiễn, trách nhiệm của các cấp, các ngành, sự minh bạch thông tin.
Phát huy tinh thần dân tộc để khôi phục kinh tế sau đại dịch COVID-19. Ảnh: Internet
Chúng ta cũng cần thấy được vai trò của báo chí, truyền thông, của công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng, nâng cao ý thức trách nhiệm công dân, khơi dậy tinh thần yêu nước, đoàn kết cộng đồng.
Bên cạnh đó, cần kịp thời thông tin, làm rõ những thông tin sai sự thật, xuyên tạc, gây hoang mang, dao động, ly tán lòng dân của các thế lực thù địch chống phá đất nước.
Niềm tin, sự đồng thuận xã hội cao và “thế trận lòng dân” chính là yếu tố then chốt để phát huy tinh thần dân tộc trên mọi mặt trận.
Thành Nhật