Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về cơ chế chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX), trong đó các HTX tham gia xây dựng, phát triển sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), kiện toàn Ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể, HTX tỉnh; thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Thanh Hóa; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý và thành viên HTX; đưa cán bộ tốt nghiệp đại học về làm việc tại HTX. Hỗ trợ về tín dụng; về ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật; về đầu tư kết cấu hạ tầng; về xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm... cho HTX.
Vì vậy, đã có nhiều HTX quan tâm đẩy mạnh đầu tư các trang thiết bị, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cải tiến chất lượng, bao bì, mẫu mã sản phẩm , huy động nguồn lực của các thành viên để mở rộng, hoàn thiện, phát triển sản phẩm đáp ứng các tiêu chí, điều kiện để được công nhận sản phẩm OCOP.
Giới thiệu sản phẩm OCOP của Hợp tác xã OCOP Thanh Hoá
(ảnh: internet)
Theo tổng hợp từ các sở, ngành, đến hết tháng 3/2022, trong số 196 sản phẩm OCOP của tỉnh, có 63 sản phẩm 3 sao và 4 sao do 44 HTX sản xuất. Sự tham gia của các HTX vào xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP đã góp phần quan trọng vào việc khơi dậy tính cộng đồng của người dân trong phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng nghìn lao động, nhất là lao động yếu thế ở địa bàn nông thôn và bảo vệ môi trường sinh thái; xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, số lượng, quy mô HTX tham gia sản xuất sản phẩm OCOP chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và yêu cầu đặt ra. Mỗi HTX chỉ có từ 01 đến 02 sản phẩm. So với tổng số HTX hiện có, số HTX tham gia sản xuất sản phẩm OCOP còn rất khiêm tốn (44/1.210 HTX, đạt 3,6%.).
Hiện nay, hầu hết các HTX mới thành lập, chuyển đổi, quy mô nhỏ; chủ yếu sản xuất thủ công, máy móc, thiết bị công nghệ lạc hậu, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế. Đa số các HTX chưa quan tâm đến kiểu dáng, nhãn mác, bao bì đóng gói, nhất là các loại giấy chứng nhận như: an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, hệ thống tổ chức, sở hữu trí tuệ nên chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường cả trong và ngoài nước.
Nguyên nhân là do việc tích tụ ruộng đất, tiếp cận nguồn vốn tín dụng, tay nghề, đầu ra sản phẩm còn gặp khó khăn; tập quán sản xuất cũ vẫn phổ biến. Trong khi đó, nhận thức của một bộ phận cán bộ, nhân dân về vị trí, vai trò của HTX trong xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP vẫn chưa thực sự toàn diện. Trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước trong việc tham mưu, chỉ đạo, tư vấn phát triển sản phẩm và xây dựng thương hiệu cho các HTX chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, trong khi số lượng cán bộ, thành viên HTX được đào tạo, bồi dưỡng còn chiếm tỷ lệ thấp.
Các cấp chính quyền địa chưa xây dựng được cơ chế, chính sách phát triển sản phẩm OCOP dành riêng cho các HTX. Một số chính sách, quy định liên quan đến HTX chưa sát với tình hình thực tế, vướng mắc trong thực hiện như: quy định về giải thể, chia tách HTX, các chính sách về đất đai, thủ tục đầu tư kết cấu hạ tầng, chế biến sản phẩm, công tác kiểm toán đối với HTX,... ảnh hưởng không tốt đến hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX.
Sự liên kết chuỗi giữa các nhà doanh nghiệp, nhà khoa học với HTX và hộ sản xuất chưa nhiều và chưa hiệu quả, chưa tận dụng hết tài nguyên nội tại, lao động, văn hóa, chưa phát huy hết những nét đặc sắc của sản phẩm, làng nghề truyền thống vốn hết sức đa dạng, phong phú của tỉnh.
Đứng trước bối cảnh và yêu cầu của giai đoạn mới, để phát huy hơn nữa vai trò của HTX trong xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP, thời gian tới, Thanh Hoá cần tiếp tục quan tâm thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị (nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương) và người dân về ý nghĩa, vai trò của Chương trình OCOP; đảm bảo để cả hệ thống chính trị và người dân hiểu rõ OCOP là chương trình mang tính cộng đồng, vì cộng đồng; phát triển sản phẩm truyền thống của địa phương và phát triển tổ chức kinh tế.
Hai là, rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về phát triển HTX và các quy định pháp luật có liên quan (như: đất đai, tín dụng, thuế,...). Tiếp tục vận dụng cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh về hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển du lịch, khoa học công nghệ, khuyến nông, khuyến công, xúc tiến thương mại... nghiên cứu, bố trí nguồn lực từ ngân sách các cấp, sử dụng hiệu quả nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho việc hỗ trợ phát triển HTX sản xuất sản phẩm OCOP; đồng thời nghiên cứu cơ chế đặc thù để hỗ trợ cho các HTX có sản phẩm OCOP.
Ba là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã, thị trấn trong triển khai thực hiện Chương trình OCOP; nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo và tổ giúp việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức chính trị - xã hội với thực hiện Chương trình OCOP theo từng nội dung cụ thể. Đồng thời, gắn kết bền chặt giữa Chương trình OCOP với Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Bốn là, tập trung đổi mới mô hình tổ chức sản xuất, trong đó, doanh nghiệp và HTX giữ vai trò nòng cốt định hướng sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng và quản lý thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP. Ưu tiên huy động, bố trí các nguồn lực để hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho các HTX tham gia liên kết sản xuất; gắn kết chặt chẽ hơn giữa doanh nghiệp và HTX; liên kết giữa HTX với HTX theo hướng Liên hiệp HTX để mở rộng quy mô sản xuất, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa đủ lớn, có chất lượng, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Năm là, tiếp tục quan tâm đến hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các HTX quảng bá sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản, như: áp dụng mã QR trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tham gia các trang web, sàn thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin bán và mua hàng; thực hiên bảo hộ sở hữu trí tuệ cho từng sản phẩm OCOP và cho cả Chương trình OCOP.
Sáu là, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực quản lý, điều hành hoạt động cho các chức danh giám đốc, thành viên hội đồng quản trị của HTX; đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ tư vấn trong Chương trình OCOP ở các địa phương./.
Bảo Anh