Nỗ lực khai thác tiềm năng du lịch
Các huyện miền núi của tỉnh Phú Yên có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng. Về tài nguyên thiên nhiên phục vụ du lịch, tỉnh có thác H’Ly, thác Drai Tang (huyện Sông Hinh); thác Sơn Nguyên ở vùng cao nguyên Vân Hòa; thác Hàn, suối Tía, Vực Đá Nhà (huyện Sơn Hòa); suối nước nóng Triêm Đức, Trà Ô, suối Mơ, Vực Hòm (huyện Đồng Xuân).
Tỉnh là địa bàn cư trú lâu đời của 33 dân tộc, riêng vùng miền núi của tỉnh có 32 dân tộc thiểu số sinh sống với 60.128 người, chiếm 6,9% dân số toàn tỉnh... Mỗi dân tộc đều có sắc thái văn hóa riêng, góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú trong văn hóa của tỉnh. Cùng với những di sản văn hóa giàu bản sắc như lễ cúng mừng sức khỏe, cúng mừng lúa mới... là kho tàng sử thi vô giá.
Hội đua ngựa truyền thống được tổ chức vào ngày Mồng Chín tháng Giêng hằng năm ở Gò Thì Thùng, xã An Xuân huyện Tuy An
Toàn tỉnh có 84 di tích được xếp hạng, trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 21 di tích quốc gia, 62 di tích cấp tỉnh và 4 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Nghệ thuật bài chòi tỉnh Phú Yên, Nghệ thuật trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm của dân tộc Ba Na huyện Đồng Xuân, Lễ hội cầu ngư tỉnh Phú Yên, Lễ cúng trưởng thành của người Ê Đê.
Ở một số địa phương miền núi Phú Yên, đồng bào các dân tộc đã từng bước tham gia hoạt động phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái như buôn Hòa Ngãi, xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa), buôn Lê Diêm, thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh), thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân).
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của hoạt động du lịch với phát triển kinh tế - xã hội, trên cơ sở đánh giá đúng tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch của tỉnh, Đảng bộ tỉnh đã chủ trương phát triển du lịch miền núi gắn với văn hóa, lễ hội các dân tộc, cảnh quan thiên nhiên; đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp lớn vào nền kinh tế của tỉnh; tăng cường thu hút đầu tư, hình thành một số khu du lịch đặc trưng Phú Yên mang tầm quốc gia và khu vực.
Thực hiện chủ trương đó, chính quyền tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều đề án, dự án lớn như: Đề án tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn giai đoạn 2021-2030; Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025; Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Phú Yên năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”... Tiến hành rà soát tổ chức bảo tồn, phục dựng lễ hội truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh như lễ cúng bến nước của người Ê Đê, lễ cúng mừng sức khỏe của người Chăm...
Tiết mục nghệ thuật trống đôi, cồng 3, chiêng 5 của đoàn nghệ thuật Chăm tỉnh Phú Yên
Ngoài ra, tỉnh tổ chức các hoạt động như: Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc tỉnh Phú Yên, tuyến du lịch văn hóa về nguồn... Qua đó giúp cho tỷ trọng tăng trưởng kinh tế của ngành du lịch, dịch vụ cũng được tăng lên.
Giai đoạn 2016-2020, lượng khách du lịch ngày càng tăng, tổng lượng khách du lịch năm 2019 đạt 1,83 triệu lượt, gấp hơn 2 lần so với năm 2015, tổng doanh thu hoạt động du lịch năm 2019 hơn 1.940 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với năm 2015… Đóng góp trực tiếp của hoạt động du lịch vào GRDP của tỉnh giai đoạn 2015-2020 khoảng 3,7%. Số lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch khoảng 6.330 người.
Tuy nhiên, việc phát triển du lịch ở miền núi còn những hạn chế: hạ tầng thương mại, dịch vụ một số điểm du lịch chưa được chú trọng, quan tâm đầu tư. Mô hình du lịch cộng đồng chưa thực sự phát huy hết tiềm năng, lợi thế; sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, đơn điệu, chủ yếu sản phẩm du lịch ẩm thực, không có sản phẩm đặc thù; thiếu dịch vụ vui chơi, giải trí về đêm và các sản phẩm lưu niệm. Nguồn nhân lực du lịch tuy được cải thiện, nhưng vẫn còn thiếu về số lượng và yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng. Qua 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, ngành du lịch nói chung và du lịch miền núi Phú Yên nói riêng cũng bị giảm sút.
Để du lịch miền núi Phú Yên phát triển
Nhằm thực hiện thành công chủ trương phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với văn hóa, lễ hội truyền thống các dân tộc vùng miền núi ở tỉnh, thời gian tới tỉnh Phú Yên cần thực hiện tốt các giải pháp sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng về phát triển du lịch; nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về phát triển du lịch. Có cơ chế, chính sách đột phá, khuyến khích phát triển du lịch; đổi mới mạnh mẽ tư duy, tạo điều kiện phát huy sự năng động, sáng tạo của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư đối với phát triển của du lịch. Tu bổ, tôn tạo, chú trọng tạo điểm nhấn tại các di tích lịch sử, danh thắng, các làng nghề, trong tổ chức lễ hội và hoạt động văn hóa dân gian.
Di tích lịch sử quốc gia: Địa đạo Gò Thì Thùng ở Cao Nguyên Vân Hoà
Hai là, thực hiện cơ chế, chính sách phục vụ phát triển du lịch. Khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển loại hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ, hướng dẫn người dân trực tiếp tham gia vào hoạt động du lịch và hưởng lợi từ du lịch; đồng thời quản lý tốt hoạt động của các loại hình du lịch tự phát, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, người dân hoạt động kinh doanh du lịch đúng quy định.
Ba là, đa dạng hoá và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; xây dựng một số sản phẩm du lịch mang đặc trưng của Phú Yên. Đầu tư xây dựng điểm du lịch văn hoá tại các khu di tích, điểm du lịch gắn với hoạt động biểu diễn nghệ thuật dân gian.
Bốn là, chú trọng phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch. Trong đó, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, đồng thời với thu hút nguồn nhân lực bên ngoài, hình thành đội ngũ hướng dẫn viên du lịch người địa phương; đào tạo các kỹ năng cần thiết cho người dân tham gia hoạt động du lịch cộng đồng. Đồng thời, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ về quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và lao động nghề du lịch.
Tây An