Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ là vùng phát triển năng động, nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn của cả nước với các khu kinh tế ven biển và hệ thống đô thị ven biển đạt chuẩn quốc gia và khu vực; là cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên và nước bạn Lào; là nơi các giá trị văn hóa, lịch sử và hệ sinh thái biển, đảo, rừng được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc; các tổ chức đảng, hệ thống chính trị vững mạnh; khốỉ đại đoàn kết toàn dân được tăng cường. Một trong những giải pháp để hiện thực hóa các mục tiêu trên là xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quốc tế cấp vùng.
Việc nghiên cứu xây dựng trung tâm tài chính Đà Nẵng dựa trên cơ sở những lợi thế cạnh tranh của thành phố Đà Nẵng như: Có vị trí địa lý và khả năng kết nối thuận lợi, sở hữu nhiều điều kiện tốt về hạ tầng đô thị, chất lượng môi trường sống và các nhu cầu phát triển cơ bản; được định hướng trở thành một Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, có nền tảng và lợi thế về hạ tầng đủ để hình thành một trung tâm công nghệ tài chính (fintech); có quỹ đất sạch khá lớn (6,17 ha và có khả năng mở rộng lên thành 62 ha) được quy hoạch phục vụ cho việc thiết lập khu vực tài chính với các điều kiện về vị trí kết nối, hạ tầng thuộc loại tốt nhất của Thành phố.
Mô hình trung tâm tài chính quốc tế cấp vùng của thành phố Đà Nẵng gồm 3 chức năng chính: Cung cấp dịch vụ tài chính hay còn gọi là trung tâm tài chính hải ngoại (offshore); Trung tâm công nghệ tài chính (fintech); Hoạt động phụ trợ cho hoạt động tài chính và dịch vụ tiện ích. Trong đó, mô hình trung tâm tài chính hải ngoại có thể được áp dụng ngay để tận dụng lợi thế hiện tại của Việt Nam là có múi giờ khác biệt so với các trung tâm tài chính khác trên thế giới. Các hoạt động dịch vụ tiện ích, đề xuất các dự án đầu tư bất động sản, dịch vụ tiện ích, vui chơi giải trí trong trung tâm tài chính là các yếu tố để nâng cao dịch vụ và chất lượng sống.
Trung tâm thành phố Đà Nẵng
(Ảnh: baodansinh.vn)
Xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực sẽ là một tiếp cận mới trong quá trình phát triển Thành phố trong thời gian tới để tái cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và thu hút đầu tư. Trung tâm tài chính khu vực sẽ hướng đến mục tiêu thu hút các ngân hàng lớn trong và ngoài nước, công ty tài chính truyền thống và tài chính dựa vào nền tảng công nghệ, các quỹ đầu tư, bảo hiểm, các công ty chứng khoán thành lập, hội sở, chi nhánh, văn phòng đại diện tại Thành phố; phát triển hệ thống tổ chức tài chính, tín dụng đa năng theo hướng hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả, vững chắc với cấu trúc đa dạng về quy mô, loại hình.
Việc cho phép phát triển mô hình trung tâm tài chính Đà Nẵng nói riêng, ở Việt Nam nói chung là một vấn đề mới, đặt ra những thách thức lớn về hoàn thiện thể chế, khung pháp lý và quản lý nhà nước, giám sát hoạt động an toàn và quản lý rủi ro trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ. Vì vậy, để phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính cấp vùng ở Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, cần có các chính sách ưu đãi và đặc thù như: cơ chế ưu đãi đối với nhà đầu tư chiến lược đầu tư xây dựng và phát triển trung tâm tài chính tại Đà Nẵng; ưu đãi dành cho tổ chức kinh tế thành lập trong trung tâm tài chính; ưu đãi về thuế...; thúc đẩy huy động vốn của các tổ chức trong nước thông qua trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng; khuyến khích các tổ chức tín dụng thành lập chi nhánh riêng tại trung tâm tài chính; cung cấp dịch vụ ngoại hối cho người không cư trú và các tổ chức kinh tế tại các trung tâm tài chính khác; chính sách về ngoại hối; phát triển fintech. Ngoài ra, cũng cần quan tâm đến các chính sách khác như: chính sách xuất nhập cảnh và chính sách về giải quyết tranh chấp.
Hai là, Thành phố cần tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành theo chỉ đạo của Chính phủ, làm việc với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế để nghiên cứu và tiếp thu kinh nghiệm thực tiễn của các trung tâm tài chính trên thế giới; đánh giá khả năng thu hút đầu tư khi xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại thành phố Đà Nẵng.
Ba là, tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hiện đại theo mô hình đô thị thông minh, đột phá là hạ tầng giao thông kết nối trong nước, quốc tế và hạ tầng chuyển đổi số, phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao. Khai thác hiệu quả Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, cảng biển Tiên Sa, xây dựng cảng biển Liên Chiểu và các hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, tạo sự năng động về kinh tế gắn với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc gia, quốc tế.
Bốn là, nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách, khuyến khích cho hoạt động đầu tư, nhất là đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ cho Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính, trung tâm đổi mới khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế; đồng thời, hình thành các hoạt động dịch vụ chất lượng cao về y tế, văn hóa, giáo dục, các trung tâm hội nghị, khu phi thuế quan, khu nghỉ dưỡng giải trí đẳng cấp, gia tăng chất lượng sống của đô thị để hình thành hệ sinh thái, các không gian sống và làm việc thỏa mãn các nhà đầu tư tài chính quốc tế và khu vực.
Anh Nguyễn