Những tháng đầu năm 2020 chứng kiến sự bùng phát và lây lan nhanh chóng của dịch bệnh Covid-19 ở khắp các quốc gia trên thế giới. Sau khi được phát hiện lần đầu ở Trung Quốc vào tháng 12 năm 2019, dịch bệnh lây lan ra nhiều nước châu Á, rồi sang châu Âu, châu Mỹ, châu Úc, châu Phi.
Là những nước đầu tiên phải đối mặt với cơn khủng hoảng dịch bệnh, Trung Quốc, Hàn Quốc đã nhanh chóng tiến hành những biện pháp mạnh mẽ nhằm khống chế, kiểm soát dịch bệnh: ráo riết truy tìm, phát hiện và xử lý các ổ dịch, phong toả thành phố, cấm đi lại, cách ly tập trung,...
Chính quyền đã áp dụng biện pháp phong tỏa thành phố nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, người dân bị cấm ra vào Thành phố Vũ Hán trừ trường hợp khẩn cấp. Ảnh: Internet
Nhận thức được nguy cơ to lớn nếu dịch bệnh bùng phát ở Việt Nam, nên Chính phủ đã khẩn trương chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh ngay từ đầu, hạn chế đi lại, tụ tập đông người; tiến hành theo dõi, cách ly người có nguy cơ nhiễm bệnh; cho học sinh, sinh viên nghỉ học; đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên.
Trong khi đó, có lẽ do số ca nhiễm bệnh và tử vong thấp, Chính phủ ở các nước phương Tây phản ứng khá nhẹ nhàng và không đưa ra biện pháp mạnh mẽ gì để ứng phó với dịch bệnh. Kết quả là, trong khi một số nước phương Đông cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, tình hình ở các nước phương Tây diễn biến ngày một phức tạp.
Chỉ trong vài tuần ngắn ngủi, số ca lây nhiễm và tử vong vì dịch bệnh Covid-19 tại Italia, Tây Ban Nha, Mĩ, Anh, Pháp, Đức... tăng chóng mặt. Tâm dịch đã chuyển sang Mỹ và các nước châu Âu, buộc các nước này phải thay đổi và áp dụng các biện pháp mạnh.
Số người mắc và tử vong vì Covid-19 tại Mỹ và nhiều nước châu Âu tăng lên nhanh chóng. Ảnh: Internet
Trong suốt quá trình ứng phó với dịch bệnh, đã có rất nhiều tranh cãi nổ ra về vai trò và cách phản ứng của các Nhà nước trước dịch bệnh. Thực tế cho thấy nhà cầm quyền ở các nước phương Tây tỏ ra khá dè dặt trong thời điểm dịch bệnh mới xuất hiện. Một phần vì các nước này chủ quan, chưa lường hết được mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh và khả năng lây lan của nó. Hơn nữa, việc thực hiện các biện pháp mạnh sẽ gây ra ảnh hưởng to lớn lên nền kinh tế, và thiệt hại kinh tế là điều không Chính phủ nào muốn.
Yếu tố chính trị - văn hoá cũng có ảnh hưởng không hề nhỏ. Xã hội phương Tây vốn đề cao tự do cá nhân. Việc áp đặt lệnh giới nghiêm, phong toả, cấm đi lại, cấm tụ tập bị cho là xâm phạm đến tự do cá nhân và không dễ dàng được chấp nhận. Thậm chí ngay cả việc đeo khẩu trang để ngăn ngừa lây nhiễm dịch bệnh cũng chỉ mang tính khuyến cáo. Chính những điều này khiến dịch bệnh bùng phát và lây lan ở các nước phương Tây với tốc độ khủng khiếp, hệ thống y tế trở nên quá tải và chỉ những bệnh nhân nặng mới có cơ hội được tiếp nhận điều trị.
Diễn biến dịch bệnh dưới sự ứng phó khác nhau của mỗi Nhà nước đặt ra câu hỏi về ranh giới, phạm vi can thiệp của Nhà nước đến đâu là hợp lý? Đâu là những giá trị mà Nhà nước cần bảo đảm trong những bối cảnh nhất định? và liệu cách mỗi Nhà nước phản ứng trước khủng hoảng có phản ảnh bản chất của Nhà nước đó?
Thực tế là, nhiều nước Âu - Mỹ không quyết liệt trong ngăn chặn dịch bệnh, để dịch bệnh lây lan nhanh chóng; trong khi Việt Nam đã tiến hành những biện pháp mạnh mẽ để ứng phó với tình hình.
Cho đến nay, có thể nói Việt Nam cơ bản kiểm soát và khống chế được tình hình dịch bệnh, và là nước hiếm hoi trên thế giới đến thời điểm này chưa có ca tử vong vì Covid 19, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và không để dẫn đến biến động hay rối loạn xã hội.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị về công tác phòng, chống dịch Covid-19, ngày 20-3-2020. Ảnh: Internet
Những nỗ lực và thành công của Việt Nam trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã được hầu hết các tổ chức quốc tế và nhiều nước trên thế giới ghi nhận. Điều đó cho thấy, trong những bối cảnh nhất định, Nhà nước Việt Nam đã xử lý hợp lý, hài hòa mối quan hệ giữa quyền lợi của cá nhân và lợi ích chung của toàn xã hội. Đó hoàn toàn không phải là sự xâm phạm đến quyền hay tự do cá nhân của công dân. Đó là bởi từng người dân cũng đã nhận thức được và sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung nếu họ cảm thấy sự hy sinh đó là cần thiết và xứng đáng, và nếu chính quyền đủ sức thuyết phục, thì họ sẽ hành động hưởng ứng lời kêu gọi của chính quyền.
Có thể nhận thấy sự khác biệt trong ứng phó với dịch bệnh giữa một số nước phương Tây và phương Đông trong đó có Việt Nam đến từ nhiều yếu tố. Nhưng quan trọng hơn, đó còn là sự lựa chọn của các Nhà nước dựa trên những giá trị và đặc trưng xã hội của mỗi cộng đồng.
Trong cuộc chiến ngăn chặn, kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, Nhà nước Việt Nam đã và đang làm hết trách nhiệm của mình, với tinh thần quyết tâm và thông điệp vô cùng nhân văn “không để ai lại phía sau”.
Trách nhiệm của Nhà nước với công dân còn thể hiện rõ ở việc Chính phủ Việt Nam sẵn sàng đón người Việt Nam từ vùng dịch ở nước ngoài trở về. Thiệt hại kinh tế và những chi phí do thực hiện cách ly là rất lớn, nhưng Nhà nước làm hết sức mình vì sức khoẻ, tính mạng và lợi ích của tất cả mọi người dân.
Chính phủ Việt Nam cũng kiên quyết xử lý các trường hợp lợi dụng dịch bệnh tung tin đồn thất thiệt, gây hoang mang trong nhân dân, xuyên tạc, bóp méo chủ trương, chính sách của Nhà nước, phá hoại nỗ lực và mục đích tốt đẹp của Đảng và Nhà nước trong cuộc chiến chống dịch bệnh.
Những hành động “lá lành đùm lá rách” đã và đang được lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng khiến người lao động nghèo ấm lòng, có thêm niềm tin vào cuộc sống.
Lựa chọn ấy, cách làm ấy, biện pháp ứng phó ấy thể hiện bản chất tốt đẹp của Nhà nước Việt Nam - Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
Việt Nam đã chứng minh rằng, bất kể khác biệt về chế độ chính trị, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam mang bản chất tốt đẹp của một Nhà nước có trách nhiệm, vì dân; rằng dân chủ không phải sự tuyệt đối hoá của tự do cá nhân; rằng con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội, không ai có thể sống đơn lẻ một mình và không có mối liên hệ nào với những người xung quanh;rằng trong những thời điểm nhất định, lợi ích của cộng đồng cần được đặt lên trước lợi ích cá nhân, bởi chỉ khi lợi ích cộng đồng được bảo đảm thì lợi ích cá nhân mới được bảo đảm.
Bản chất của nhà nước Việt Nam còn phản ánh và hòa chung với dòng chảy truyền thống quý báu của dân tộc, đó là truyền thống tương thân tương ái “bầu ơi thương lấy bí cùng”, “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân” luôn chảy trong huyết quản của mỗi người con đất Việt.
Cuộc chiến chống lại dịch bệnh Covid-19 có lẽ còn kéo dài, những thách thức đặt ra sau dịch bệnh cũng không ít, thiệt hại và khủng hoảng kinh tế nặng nề là điều không thể tránh khỏi, nhưng điều đó không thể làm lu mờ hay xoá bỏ đi bản chất tốt đẹp của Nhà nước ta.
Chính phủ đã quyết định tung ra gói cứu trợ để chia sẻ gánh nặng với các doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động mất việt làm vì tác động của dịch bệnh.
Không chỉ ở trong nước, tinh thần tương trợ cộng đồng, cung cấp nhu yếu phẩm miễn phí cho những người gặp khó khăn mới được phát huy cao độ mà ở khắp các châu lục, bất cứ nơi nào có người Việt, ở đó có sự sẻ chia, tương thân tương ái. “Trong khó khăn hoạn nạn, và đe dọa của dịch bệnh, khi mà kinh tế, quân sự, những quân đội hùng mạnh không thể đầy lùi đại dịch… thì đó là lúc tình người, sự sẻ chia, tương thân tương ái trở thành vũ khí lợi hại nhất”[1].
Sau khi dịch bệnh kết thúc, chúng ta sẽ phải nhanh chóng bắt tay vào phục hồi nền kinh tế. So với các nước phương Tây giàu có và đầy tiềm lực, những nước đang phát triển như Việt Nam rõ ràng sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình phục hồi kinh tế hậu dịch bệnh.
Sự phục hồi hay phát triển kinh tế phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó phải tính tới xuất phát điểm của mỗi nước. Các nước vốn có nền tảng vững chắc, có nguồn lực mạnh có khả năng phục hồi nhanh chóng hơn sau khủng hoảng so với các nước nghèo, chứ không phải vì nước đó có thể chế chính trị khác.
Trở lại với dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam hiện nay, cần khẳng định rằng những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong cuộc chiến nhằm ngăn chặn, kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh trong thời gian qua là rất đáng khen ngợi, được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Cách ứng xử của mỗi quốc gia trước dịch bệnh cũng như dự báo về khả năng phục hồi hậu dịch bệnh không phải là cái cớ để xuyên tạc, chống phá một chính quyền đang nỗ lực từng ngày vì lợi ích chung của cộng đồng. Bản chất tốt đẹp của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam càng được thể hiện rõ nét trong cuộc chiến chống đại dịch này.
Thành Nhật