Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Những người cộng sản chúng ta rất quý trọng cổ điển. Có nhiều dòng suối tiến bộ chảy từ ngọn nguồn cổ điển đó. Càng thấm nhuần Chủ nghĩa Mác - Lênin, càng phải coi trọng những truyền thống văn hóa tốt đẹp của cha ông”[1]. Kế thừa và hiện thực hóa tư tưởng của Người, Đảng ta luôn coi trọng xây dựng nền văn hóa Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (diễn ra vào sáng 24-11-2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc là tài sản vô cùng quý báu do tổ tiên, cha ông ta mấy nghìn năm để lại, không phải nơi nào cũng có được; chúng ta có trách nhiệm phải giữ gìn, trân trọng và phát huy. Nếu không là chúng ta có tội với lịch sử, là vong ân bội nghĩa với tổ tiên, cha ông chúng ta”.
Đại hội Đảng bộ lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tỉnh Phú Thọ xác định nhiệm vụ cụ thể trong lĩnh vực văn hóa thời gian tới là: “Chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử và các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phục vụ giáo dục truyền thống và gắn với phát triển du lịch bền vững”[2]. Đây là định hướng quan trọng giúp tập trung nguồn lực để tỉnh thực hiện hiệu quả hơn nữa việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, phát triển Phú Thọ thành điểm đến của du lịch về với cội nguồn.
Phú Thọ hiện có hơn 1.800 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể mang đậm dấu ấn nền văn minh nông nghiệp lúa nước thời đại Hùng Vương. Trong đó có 967 di tích với 01 di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng, 73 di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia và 244 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Có 870 di sản văn hóa phi vật thể với 314 lễ hội, 3 di sản văn hóa được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, gồm Hát Xoan Phú Thọ, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ và Ca Trù của người Việt (Phú Thọ là 1/17 tỉnh có Ca Trù) trở thành niềm tự hào của người dân Phú Thọ nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.
Với mục tiêu phát triển Phú Thọ trở thành điểm đến của du lịch về với cội nguồn, trong những năm qua, có nhiều chương trình kết nối di sản văn hóa với du lịch cội nguồn, du lịch tâm linh: Chương trình Về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam; Chương trình liên kết phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc; Chương trình hợp tác phát triển tuyến du lịch tâm linh dọc sông Hồng 3 tỉnh Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ... Các chương trình gắn với khai thác giá trị di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh như: Đền Hùng, Miếu Lãi Lèn, Đền Mẫu Âu Cơ...
Đã hình thành các tour du lịch xây dựng trên cơ sở sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh như: Phú Thọ - Về miền Đất Tổ Hùng Vương (2 ngày 1 đêm); Du Xuân về miền đất Tổ Hùng Vương (01 ngày); Tour du lịch “Khám phá di sản văn hóa vùng Đất Tổ” (01 ngày); Tour du lịch “Hành trình về cội nguồn” (01 ngày); Hà Nội - Đền Hùng - Đền Mẫu Âu Cơ - Hà Nội (01 ngày).
Hằng năm, Phú Thọ đón và phục vụ từ 6-8 triệu lượt khách tham quan du lịch, trong đó tỷ lệ khách du lịch với loại hình du lịch văn hóa tham quan di sản, hành hương về Đất Tổ cội nguồn chiếm 90%.
Thực hành nghi lễ Giỗ tổ Hùng Vương – Khu Di tích lịch sử quốc gia Đền Hùng – Tp. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ
Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và thực hiện mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, đặc biệt là phát triển du lịch về với cội nguồn dân tộc, góp phần thúc đẩy các ngành khác phát triển, thời gian tới, Phú Thọ cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của cộng đồng trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vùng Đất Tổ gắn với phát triển du lịch. Để làm được điều đó, trước hết, phải giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, khơi dậy lòng yêu quê hương đất nước, những truyền thống tốt đẹp, những giá trị mà các di sản văn hóa mang lại cả về tinh thần và vật chất cho các tấng lớp nhân dân. Tăng cường tuyên truyền về Luật di sản văn hóa và các văn bản liên quan đến Nhân dân, để mỗi người dân đều hiểu các quy định của luật pháp trong nước và quốc tế về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Hai là, tiếp tục khảo sát, kiểm kê các di tích, di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, đánh giá hiện trạng để bảo tồn, tu bổ, xây dựng các di tích lịch sử văn hóa. Tập trung xây dựng Khu di tích lịch sử quốc gia Đền Hùng thành khu du lịch cội nguồn nổi tiếng với chiều sâu văn hoá, có tính chuyên nghiệp rõ rệt, có cơ sở hạ tầng tiện nghi. Xây dựng Thành phố Việt Trì với hạt nhân là Đền Hùng thành trung tâm lễ hội, trung tâm du lịch cội nguồn.
Cảnh quan đô thị của thành phố Việt Trì ngày càng được chỉnh trang hiện đại, sạch đẹp, đáp ứng nhu cầu của nhân dân và du khách tham quan
Ba là, duy trì, phục dựng và nâng tầm các lễ hội văn hóa dân gian, truyền thống gắn với các di tích liên quan đến thời đại Hùng Vương trên địa bàn, đồng thời tổ chức các lễ hội mới để thu hút khách du lịch.
Bốn là, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, tạo sức lan tỏa của giá trị di sản văn hóa vùng Đất Tổ. Khai thác tốt trang thông tin điện tử “dulichphutho.com.vn”; kết nối với những trang mạng xã hội đang thu hút được nhiều lượt theo dõi như “Phú Thọ online”, “Việt Trì có gì”, “Thành phố Việt Trì new”, “Công viên Văn Lang”... Xây dựng nguồn tài nguyên số giúp kết nối khách du lịch và cộng đồng với những địa danh trên địa bàn có di sản văn hóa. Tổ chức kết nghĩa, giao lưu văn hóa giữa các Hiệp hội đô thị trong cả nước.
Năm là, có chính sách thu hút đầu tư phát triển du lịch, đa dạng hóa sản phẩm du lịch gắn với văn hóa truyền thống, sinh thái, bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa Đất Tổ.
[1] Trần Đương: Bác Hồ như chúng tôi đã biết. Nxb Thanh Niên, 2009, tr. 166
[2] Đảng bộ tỉnh Phú Thọ: Văn kiện Đại hội Đại biểu lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, tr84
Thu Hương