Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ đã ban hành nhiều văn bản, chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất, kinh doanh; triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng khu, cụm kinh tế, làng nghề, đường giao thông; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, hỗ trợ vùng đặc biệt khó khăn.
Thực hiện tốt các chính sách tôn giáo, đồng bào dân tộc thiểu số; tiếp tục thực hiện quy định tiếp nhận, xử lý những phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh.
Triển khai các kế hoạch, phương án đảm bảo tuyệt đối an toàn các hoạt động chính trị, văn hoá, xã hội; tham mưu cho chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng tổ chức tốt công tác tiếp công dân; mở các hội nghị đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo chính quyền với quần chúng nhân dân để tháo gỡ nhiều nội dung khiếu kiện phức tạp liên quan đến đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng...
Các ngành chức năng đã chủ động triển khai công tác phối hợp tham mưu giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh tại các địa bàn có tranh chấp, khiếu kiện về áp dụng chế độ chính sách; xử lý các vi phạm; đề nghị thi hành án dân sự; bảo vệ môi trường, tài nguyên; kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng tại địa phương, không để xảy ra điểm nóng về an ninh trật tự, khiếu kiện kéo dài...
Cử tri phường Tân Dân tham gia phát biểu ý kiến tại Hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thành phố Việt Trì với nhân dân năm 2022
(Ảnh: internet)
Công tác dân tộc và hoạt động tôn giáo tiếp tục được quan tâm chỉ đạo; tích cực tuyên truyền, thực hiện các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc, khu vực miền núi như: Đầu tư xây dựng hạ tầng và hỗ trợ sản xuất, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững,...
Tỉnh đã chủ động mở rộng các quan hệ hợp tác song phương và đa phương, tranh thủ sự hỗ trợ của Đại sứ quán các nước, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài nhằm đẩy nhanh sự phát triển và hội nhập quốc tế, đẩy mạnh tuyên truyền trong và ngoài nước về kết quả công tác bảo vệ, đấu tranh nhân quyền trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, chủ động đấu tranh với những hoạt động lợi dụng dân chủ, nhân quyền để chống phá Đảng và Nhà nước. Các cơ quan, ban, ngành, địa phương trong tỉnh luôn bám sát cơ sở, chủ động nắm bắt tình hình, tham mưu kịp thời giải quyết các vụ việc liên quan đến chính sách xã hội, tôn giáo, dân tộc, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự ở địa phương, không để phần tử xấu lợi dụng...
Tuy nhiên, trong hoạt động bảo đảm quyền con người ở tỉnh Phú Thọ cũng còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, như: nhận thức của một số cán bộ công chức về nhân quyền và nguồn lực vật chất bảo đảm quyền công dân ở địa phương còn hạn chế...
Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả bảo đảm quyền con người của chính quyền tỉnh Phú Thọ, cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội và thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, tạo sự thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đối với các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân, về bản chất tốt đẹp của chế độ ta là vì con người.
Hội nghị trực tuyến đối thoại với nhân dân năm 2021 của Thị xã Phú Thọ
(Ảnh: internet)
Đồng thời, tăng cường tuyên truyền về những thành tựu to lớn của đất nước, của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân và thực hiện quyền con người, góp phần đấu tranh có hiệu quả với các luận điệu vu cáo Việt Nam về dân chủ, nhân quyền.
Thứ hai, tăng cường giáo dục về nhân quyền để nâng cao nhận thức của nhân dân và năng lực của các cơ quan thực thi pháp luật liên quan nhằm bảo đảm tốt hơn các quyền và tự do cơ bản của người dân trong khuôn khổ pháp luật; lồng ghép giáo dục quyền con người với việc thực hiện các Nghị quyết của Đảng, các chương trình, đề án của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo của tỉnh.
Thứ ba, tuyên truyền để nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác với những âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch, lợi dụng vấn đề quyền con người hòng chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá Đảng, Nhà nước và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta. Chủ động nắm chắc tình hình, dự báo kịp thời mọi âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo của các thế lực thù địch, phản động để triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh.
Thứ tư, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh; chú trọng các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trong vùng có đông đồng bào dân tộc, tôn giáo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; quan tâm đến các đối tượng yếu thế trong xã hội.
Thứ năm, tăng cường phối hợp với các cơ quan Trung ương để tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về quyền con người cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng chế độ trách nhiệm cụ thể của cán bộ, công chức trong công tác bảo đảm quyền con người, đồng thời hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát của nhân dân đối với hoạt động thực thi pháp luật về bảo đảm quyền con người.
Huyền Nga