Những kết quả đáng ghi nhận trong thúc đẩy bình đẳng giới
Trong lĩnh vực chính trị, đã có sự tăng cường tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý và giảm dần khoảng cách giới giữa nam và nữ. Tỉnh tập trung thực hiện nhiều giải pháp như: chú trọng công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ nữ, tạo điều kiện cho cán bộ nữ nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu công tác, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tăng so với các giai đoạn trước.
Nhiệm kỳ 2011-2016, Phú Thọ có 02/07 đại biểu quốc hội là nữ (chiếm tỷ lệ 28,6%); đại biểu nữ trong hội đồng nhân dân cấp tỉnh là 22/77 (28,6%), cấp huyện là 145/497 (29,2%), cấp xã có 1.661/7.001 (23,7%). Nhiệm kỳ 2016-2020, có 03/07 đại biểu Quốc hội là nữ (42,9%); đại biểu nữ trong hội đồng nhân dân cấp tỉnh có 24/79 (30,4%), cấp huyện có 129/498 (25,9%), cấp xã có 1.866/7.023 (26,6%)[1].
Trong lĩnh vực xã hội, khoảng cách giới có xu hướng giảm: Tỉnh đã triển khai Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm”, mở lớp dạy nghề, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất cho hàng trăm nghìn lượt cán bộ, hội viên phụ nữ/năm.
Kết quả, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo tăng lên, đạt 85%, phụ nữ chiếm đa số trong số lao động được tạo việc làm mới (16.000 người/năm, chiếm tỷ lệ 51%)[2].
Số lượng nữ chủ doanh nghiệp của tỉnh theo các giai đoạn đều tăng. Giai đoạn 2011-2015, nữ chủ doanh nghiệp chiếm 35%, giai đoạn 2016-2020, tăng lên 37,3%[3].
Lao động nữ ở nông thôn được tạo điều kiện tham gia hầu hết các lĩnh vực, tích cực áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, góp phần quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. 100% phụ nữ vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc thiểu số được tiếp cận các nguồn vốn vay phát triển kinh tế gia đình.
Trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, các sở ngành đã triển khai đồng bộ các biện pháp, tạo điều kiện để giới nam và giới nữ bình đẳng trong việc tham gia các hoạt động giáo dục, truyền thông về chăm sóc sức khoẻ, sức khoẻ sinh sản và sử dụng các dịch vụ y tế.
Trong lĩnh vực văn hóa và thông tin, nhiều chương trình, kế hoạch tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình được xây dựng và thực hiện với hình thức sinh động, phong phú: trong 3 năm 2016-2019, đã tổ chức hơn 20 hội nghị, thu hút hơn 3000 người tham gia; biên soạn, in, cấp phát miễn phí hơn 20.000 tờ rơi, 1000 cuốn tài liệu; trên 2000 lượt phát sóng qua đài phát thanh - truyền hình; đăng hơn 300 tin, bài trên Cổng Thông tin điện tử; tổ chức thi tìm hiểu Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; tổ chức tọa đàm, lồng ghép trên chuyên mục Phụ nữ đất Tổ; Câu chuyện pháp luật.
Tập huấn nâng cao kỹ năng tuyên truyền về bình đẳng giới cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền
(Ảnh: internet)
Bảo đảm bình đẳng giới trong đời sống gia đình: Tỉnh chú trọng triển khai sâu rộng phong trào xây dựng gia đình văn hoá. Đến hết năm 2019, tổng số hộ gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa: 356.317/401.618 hộ (đạt 88,5%), 2.520/2.887 khu dân cư đạt tiêu chuẩn khu dân cư văn hóa. Các địa phương có tỷ lệ đạt cao là: Việt Trì (96,2%); Lâm Thao (95,8%); Thanh Thủy (90,3%); tổ chức tuyên truyền trên hệ thống loa thông tin lưu động, pa-nô, khẩu hiệu, sáng tác ca khúc, tiểu phẩm nghệ thuật; xây dựng hệ thống Câu lạc bộ; tăng cường phát hiện, tư vấn xử lý bạo lực gia đình; Nhân rộng, duy trì mô hình phòng, chống bạo lực gia đình trên toàn tỉnh.
Để tiếp tục thúc đẩy bình đẳng giới cho mục tiêu phát triển bền vững
Phát huy những thành quả đã đạt được, thời gian tới, Phú Thọ cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới nhằm phát triển kinh tế - xã hội, đó là:
Tiếp tục thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, đồng thời nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền về bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ; chuyển hóa các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước thành các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể.
Tăng tỷ lệ tham gia của nữ giới vào các hoạt động lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là lãnh đạo cấp ủy, chính quyền cấp tỉnh; nâng tỷ lệ cán bộ nữ trong quy hoạch cán bộ cấp tỉnh cao hơn.
Giảm bạo lực gia đình, bạo lực với trẻ em thông qua việc tổ chức thực hiện nghiêm túc chính sách, pháp luật về bình đẳng giới; phát hiện, xử lý kịp thời, tương xứng những người có hành vi bạo lực gia đình song song với hoạt động tư vấn.
Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức làm công tác thúc đẩy bình đẳng giới, phân công nhiệm vụ phù hợp với năng lực cán bộ; tiếp tục nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác thúc đẩy bình đẳng giới.
Tăng cường chỉ đạo thúc đẩy bình đẳng giới, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục trong xã hội, cộng đồng và cơ quan, đơn vị, làm chuyển biến nhận thức và hành vi của cộng đồng dân cư về giới và bình đẳng giới trong quan hệ đối xử giữa nam và nữ, thực hiện kế hoạch hoá gia đình, lựa chọn sinh con theo giới tính... Cải tiến chế độ thông tin, báo cáo, kịp thời cung cấp số liệu làm cơ sở cho công tác lồng ghép giới của các cơ quan, tổ chức.
Tăng cường lồng ghép giới trong xây dựng chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch hành động, chú trọng phân tích giới bảo đảm khách quan, toàn diện, trung thực.
Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách pháp luật, nêu gương tốt, điển hình trong thực hiện và thúc đẩy bình đẳng giới; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi buông lỏng quản lý nhà nước về ứng phó với bạo lực giới.
Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, tạo nên sức mạnh tổng hợp nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm thực hiện bình đẳng giới cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân.
Phát huy vai trò nỗ lực vươn lên của nữ giới, đồng thời nâng cao trách nhiệm của nam giới trong thực hiện bình đẳng giới.
[1],3,4,5Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Thọ: Báo cáo tổng kết chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 ngày 24/4/2020, tr.2,3,4
Thu Thuỷ