Để xây dựng Phú Thọ trở thành “bến đỗ” của các nhà đầu tư, bên cạnh việc khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có thì yếu tố quan trọng là môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, thuận lợi. Do đó, nhiệm vụ trọng tâm là đầu tư kết cấu hạ tầng then chốt: hạ tầng khu, cụm công nghiệp, du lịch, các dự án, công trình quan trọng có tính kết nối, liên thông; đồng thời, xây dựng và bổ sung các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào tỉnh.
Bên cạnh tháo gỡ “điểm nghẽn” giải phóng mặt bằng, cải cách hành chính được xem là giải pháp “mềm”, tăng sức hấp dẫn đầu tư. Ngay từ đầu năm 2021, các cấp, các ngành trong tỉnh tập trung rà soát, đổi mới quy trình, rút ngắn thời gian và nâng cao hiệu quả thực hiện các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng cơ bản; giảm tối đa chi phí thời gian, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp, người dân. Đồng thời, quyết liệt thực hiện việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ tiếp xúc, hướng dẫn nhà đầu tư đăng ký kinh doanh, cung cấp các thông tin minh bạch về quy hoạch, đất đai, chính sách thuế cho doanh nghiệp.
Cùng với đó, Phú Thọ tiếp tục nghiên cứu để bổ sung các quy hoạch có chất lượng, thể hiện tầm nhìn xa; huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư của doanh nghiệp.
Với những định hướng rõ ràng và giải pháp quyết liệt, mặc dù chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2021 của Phú Thọ ước đạt 6,28%; tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn ước đạt 34,4 nghìn tỷ đồng, tăng 11,4% so năm 2020; tổng thu NSNN trên địa bàn ước đạt 7.506,9 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2020. Sản xuất công nghiệp; nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển khá toàn diện, cơ cấu nội bộ ngành từng bước chuyển dịch theo hướng tích cực.
Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) có chuyển biến tích cực với 19 xã về đích NTM trong năm 2021, hiện nay toàn tỉnh có 114/225 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 1 xã đạt NTM nâng cao; 1.282 khu dân cư đạt chuẩn NTM (trong đó có 10 khu dân cư NTM kiểu mẫu); 2 huyện đạt chuẩn NTM, thành phố Việt Trì và thị xã Phú Thọ được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Nhờ đó, cơ sở hạ tầng phát triển, kinh tế nông nghiệp, nông thôn tiếp tục ổn định, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, mang lại diện mạo mới cho nông thôn.
Cầu Tiên Dung thuộc Dự án Hồ Công viên Văn Lang, thành phố Việt Trì - một biểu tượng cho khát vọng vươn tới những giá trị tươi đẹp của nhân dân toàn thành phố.
(Ảnh: Linh Lam)
Các ngành dịch vụ phát triển đa dạng, phong phú, thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia; năm 2021, Phú Thọ đứng thứ 12/63 tỉnh có kim ngạch xuất khẩu cao của cả nước; giá trị nhập khẩu ước đạt 8 tỷ USD. Hạ tầng thương mại, chất lượng dịch vụ từng bước phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả.
Tiếp tục duy trì các phong trào thể dục, thể thao quần chúng; chú trọng nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Chú trọng công tác huấn luyện, tập luyện thể thao thành tích cao. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo tiếp tục phát triển, quy mô, mạng lưới trường, lớp học được mở rộng, cơ sở vật chất được tăng cường và sắp xếp tinh gọn, từng bước được chuẩn hóa, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Công tác chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ dạy và học trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 đảm bảo linh hoạt, phù hợp Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm chỉ đạo thường xuyên và đạt nhiều kết quả tích cực. Tổ chức bộ máy cơ quan trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn. Đặc biệt, việc tiến hành sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã đã được tỉnh thực hiện đúng lộ trình đề ra. Sau sắp xếp, toàn tỉnh còn 225 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 52 đơn vị. Công tác cán bộ được coi trọng, nhiều chủ trương, giải pháp về công tác cán bộ được cụ thể hóa bằng quy chế, quy định, bảo đảm dân chủ, chặt chẽ. Chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp tiếp tục được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của tỉnh trong tình hình mới.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Phú Thọ vẫn còn những tồn tại, hạn chế, như: Kinh tế - xã hội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Chưa thu hút được nhiều dự án lớn và nhà đầu tư có năng lực. Công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác các thiết chế trong lĩnh vực văn hóa, thể thao còn ở mức thấp. Tình hình an ninh trật tự ở một số địa bàn cơ sở, tội phạm và tệ nạn xã hội còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp. Việc cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng tại một số tổ chức đảng chưa sát với tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị. Xây dựng tổ chức đảng, phát triển đảng viên ở doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước còn nhiều khó khăn. Vai trò phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội chưa cao...
Từ ngày 14/10/2021 đến nay, đại dịch COVID -19 bùng phát tại Phú Thọ. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp của tỉnh đã cùng nhân dân đoàn kết chống dịch, lấy "phòng là chính" để mỗi xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp là một "pháo đài" vững chắc, mỗi người dân là “chiến sỹ”. Chủ động tấn công, khoanh vùng, dập dịch không để lan rộng ra cộng đồng với phương châm "chống dịch như chống giặc". Các cơ quan, tổ chức và đồng bào các dân tộc tỉnh Phú Thọ đã vận động, kết nối ủng hộ, hỗ trợ thực phẩm, vật tư y tế để người dân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID -19, chung tay cùng chính quyền kiểm soát dịch bệnh, đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới.
Những thành tựu trên các lĩnh vực thời gian qua đã góp phần tạo đà phát triển vững chắc để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Thọ thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2025, Phú Thọ trở thành một trung tâm kinh tế năng động, tập trung vào du lịch, sản xuất sản phẩm cao cấp và dịch vụ; là thành phố hiện đại, thông minh, địa chỉ hấp dẫn để mọi người đến sinh sống, làm việc và vui chơi hòa hợp với thiên nhiên; đến năm 2030, trở thành trung tâm kinh tế, tỉnh phát triển hàng đầu vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; thành phố Việt Trì trở thành trung tâm lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, địa danh mang tính biểu tượng hội tụ tinh thần, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Linh Lam