Trong những năm qua, tỉnh Phú Yên đã tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt hoạt động cải cách hành chính, nhất là trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính. Ngày 15/02/2019, Trung tâm phục vụ hành chính công được đưa vào vận hành phục vụ người dân và doanh nghiệp, đây là đầu mối thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của 23 cơ quan, đơn vị gồm 20 sở, ban, ngành của tỉnh và 03 cơ quan thuộc Trung ương (Công an tỉnh, Bảo hiểm xã hội và Cục Thuế tỉnh) với hơn 1.500 thủ tục hành chính.
Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Phú Yên
(ảnh: http://ipcphuyen.gov.vn)
Thực hiện chương trình “Đồng hành cùng doanh nghiệp khởi nghiệp”, từ 2015 đến năm 2020, tỉnh đã cấp mới đăng ký cho 2.350 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký hơn 28 nghìn tỷ đồng. Tính đến ngày 31/5/2021, trên toàn tỉnh có 3.833 doanh nghiệp hoạt động, tăng 74,2% so với năm 2015.
Tỉnh đã có nhiều cố gắng tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện chính sách, pháp luật về thuế, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định của Trung ương trong lĩnh vực quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư và đăng ký kinh doanh.
Những cố gắng trên đã tác động tới năng lực cạnh tranh của tỉnh. Chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh (PCI) từ vị trí 55 vào năm 2015 đã vươn lên vị trí 35/63 tỉnh, thành phố vào năm 2021.
Trong cải cách bộ máy, tỉnh cũng đã thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gắn với tinh giản biên chế, phù hợp với quy định của Trung ương và thực tiễn địa phương.
Về quản lý tài chính công, 10 năm trở lại đây, Phú Yên đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về mở rộng phân cấp trên các lĩnh vực tổ chức nhà nước, tài chính ngân sách, đầu tư xây dựng để giao quyền chủ động hơn nữa cho các đơn vị, địa phương cơ sở, đẩy mạnh xã hội hoá trong nhiều lĩnh vực.
Trong lĩnh vực xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số, hiện nay, 100% các sở, ban, ngành và địa phương trong tỉnh đã sử dụng chữ ký số. Từ năm 2018, 100% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng. Để tạo sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ công, tỉnh đã công khai tiến độ xử lý hồ sơ trên Cổng thông tin điện tử; công khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.
Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, tác động của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư và cuộc khủng hoảng, suy thoái kinh tế toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra, đòi hỏi các địa phương phải có những thay đổi, đột phá hơn nữa trong cải cách hành chính nhà nước với mục tiêu xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại.
Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính ở tỉnh Phú Yên còn nhằm khắc phục những hạn chế trong cải cách hành chính thời gian qua, như: việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh chưa đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu phát triển; khả năng hội nhập quốc tế còn thấp; thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hạn chế; việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong ở một số cơ quan, đơn vị còn thiếu quyết tâm; năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa đồng đều, thiếu chuyên nghiệp; cơ cấu nguồn thu ngân sách chưa ổn định, thiếu vững chắc, chi ngân sách chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển.
Báo cáo xếp hạng chỉ số cải cách hành chính (chỉ số PAR INDEX) cho thấy năm 2020 tỉnh Phú Yên đạt giá trị 73,43 %, giảm (3,94%) so với năm 2019, xếp ở vị trí 62/63 tỉnh thành phố trên cả nước; Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (chỉ số SIPAS) năm 2020, tỉnh Phú Yên xếp vị trí thứ 53/63 tỉnh, thành phố.
Do đó, để tiếp nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính và các chỉ số liên quan đến cải cách hành chính, chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước, xây dựng chính quyền điện tử, Chương trình hành động số 12-Ctr/TU ngày 10/9/2021 của Tỉnh ủy Phú Yên tập trung vào 02 nhóm nhiệm vụ, giải pháp:
Một là, nhóm nhiệm vụ, giải pháp về nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Tập trung rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và cải thiện môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp. Rà soát, hệ thống hóa thủ tục hành chính để công khai, minh bạch quy trình giải quyết thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính công.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin gắn với chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; xây dựng chính quyền điện tử; hình thành thói quen của người dân sử dụng dịch vụ số. Phát triển các hoạt động hỗ trợ cá nhân, tổ chức để nâng cao sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cấp chính quyền trong tỉnh.
Rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Nâng cao năng lực, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp và thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường tính chuyên nghiệp, kỷ cương, kỷ luật hành chính.
Hai là, nhóm nhiệm vụ, giải pháp về hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong xu thế hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ quản lý, công nghệ sản xuất và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để hoạt động, phát triển hội nhập quốc tế. Thực hiện tốt công tác định hướng thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển các sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù của tỉnh và sản phẩm gắn với Đề án Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh Phú Yên ra ngoài tỉnh và thị trường quốc tế.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế và tăng cường đảm bảo an ninh trật tự cho doanh nghiệp hoạt động. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Quỳnh Hoa