Hiệu quả từ phong trào xây dựng nông thôn mới
Cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Phú Yên đã tập trung chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Cùng với việc ban hành đồng bộ, thống nhất các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, phân công trách nhiệm cho tập thể và cá nhân, nhất là người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị một cách cụ thể, rành mạch, rõ ràng, công tác kiểm tra cũng được thực hiện thường xuyên, tăng cường, chủ động và sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương. Công tác đào tạo, tập huấn cho các cán bộ thực hiện xây dựng nông thôn mới từ tỉnh đến cơ sở được quan tâm triển khai hằng năm. Các chuyên đề, nội dung tập huấn phù hợp với điều kiện thực tế và nhiệm vụ trọng tâm của năm, của giai đoạn đã cung cấp những kiến thức, kỹ năng, chuyên môn cho cán bộ thực hiện xây dựng nông thôn mới ở các cấp.
Nhờ sự nỗ lực rất cao của toàn bộ hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và nhân dân, hiện nay, toàn tỉnh có 58/83 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và 5 xã đạt nông thôn mới nâng cao; 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới gồm huyện Tây Hòa (được công nhận năm 2018), huyện Phú Hòa (được công nhận năm 2019). Chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn các xã miền núi hoàn thành hơn 399 km, cơ bản nối liền giao thông hầu hết các địa bàn. Đời sống nhân dân vùng nông thôn tiếp tục được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn của tỉnh Phú Yên năm 2020 đạt hơn 30 triệu đồng, gấp 1,3 lần so với năm 2015. Sản xuất nông nghiệp tập trung phát triển với 130 hợp tác xã, trong đó 93 hợp tác xã nông nghiệp, 1 Liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động với gần 106 nghìn thành viên, trong đó số hợp tác xã hoạt động hiệu quả tỷ lệ đạt gần 54%. Tổng nguồn vốn hoạt động hơn 342 tỷ đồng, lãi bình quân của hợp tác xã đạt 145 triệu đồng/HTX/năm. Kinh tế trang trại, kinh tế hộ gia đình ở nông thôn ngày càng khởi sắc với 184 trang trại nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản với tổng số gần 5.400 lao động; tổng diện tích đất sử dụng 2.987ha. Tổng giá trị sản phẩm thu của các trang trại đạt 410 tỷ đồng, bình quân hơn 2,23 tỷ đồng/trang trại. Xây dựng nông thôn mới đã góp phần tích cực vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa, cải thiện mức sống của người dân tại khu vực nông thôn, tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí mới) năm 2020 còn 2,5%.
Đường nông thôn mới ở xã An Ninh Tây, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên
(ảnh: internet)
Cần nỗ lực đưa phong trào xây dựng nông thôn mới đi vào chều sâu
Bên cạnh những thành công từ phong trào xây dựng nông thôn mới, khoảng cách chênh lệch phát triển giữa các xã vùng miền núi, bãi ngang và vùng đồng bằng ở Phú Yên còn khá nhiều; công tác xã hội hóa, thu hút nguồn lực đầu tư còn khó khăn; tiêu chí về môi trường, cảnh quan sinh thái, thu gom và xử lý rác thải, chất thải ở vùng nông thôn chưa thực sự bền vững; thu nhập của người dân khu vực nông thôn có tăng nhưng chậm.Những hạn chế là do xuất phát điểm của một số xã miền núi, bãi ngang còn thấp; ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết, thiên tai, dịch bệnh xảy ra bất thường, diễn biến phức tạp ảnh hưởng nhiều đến đời sống, sản xuất của người dân; chưa phát huy thế mạnh của địa phương trong sản xuất, phát triển kinh tế...
Để phong trào xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, đỏi hỏi sự nỗ lực rất cao của toàn bộ hệ thống chính trị, nhân dân trong tỉnh. Thời gian tới, cần chú trọng thực hiện tốt một số giải pháp chú yếu sau đây:
Thứ nhất, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân vùng nông thôn về các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025 do Trung ương và địa phương phát động.
Thứ hai, thúc đẩy hơn nữa phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ bản đồng bộ, bảo đảm kết nối nông thôn và đô thị, kết nối các vùng miền. Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng cơ bản phục vụ sản xuất và dân sinh ở nông thôn, từng bước bắt kịp tốc độ phát triển chung của vùng, gắn với phát triển đô thị, tạo kết nối đồng bộ liên xã, liên huyện và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng trung tâm cấp huyện, tạo điều kiện để các địa phương khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có. Đi đôi với phát triển phải gắn với bảo tồn các di sản văn hóa, nét đẹp truyền thống ở vùng nông thôn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa.
Thứ ba, đẩy mạnh phát triển kinh tế ở các xã nông thôn. Tiếp tục tập trung thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Gắn phát triển du lịch với phát triển sản xuất nông nghiệp thông qua các mô hình du lịch nông thôn, du lịch sinh thái... Triển khai có hiệu quả Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ nổi bật", tạo lợi thế so sánh, tăng khả năng cạnh tranh và xuất khẩu trên thị trường.
Thứ tư, tăng cường công tác bảo vệ môi trường và cải tạo cảnh quan nông thôn. Đẩy mạnh công tác xã hội hoá dịch vụ thu gom, xử lý rác thải song song với tuyên truyền, vận động người dân tự ý thức thu gom, phân loại rác, xử lý rác thải tại nhà đối với rác hữu cơ. Tiếp tục phát động và duy trì các phong trào nói không với rác thải nhựa, tái sử dụng chất thải nông nghiệp, thực hiện đúng quy định vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm, cải tạo cảnh quan môi trường làm tiền đề cho phát triển bền vững du lịch nông thôn.
Thứ năm, phát triển giáo dục, y tế, văn hóa cơ sở và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển kinh tế du lịch nông thôn, gìn giữ an ninh và trật tự xã hội nông thôn. Nâng cao chất lượng giáo dục và y tế, các thiết chế văn hóa, thể thao. Giữ vững văn hóa truyền thống, những giá trị tốt đẹp ở vùng nông thôn; bảo tồn và phát huy sự đa dạng, phong phú về các giá trị văn hóa ở nông thôn, làm cơ sở để nhân rộng mô hình du lịch trải nghiệm, du lịch nông thôn; tăng cường phát huy vài trò tự quản, sự tham gia của người dân trong công tác phòng ngừa, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự xã hội trên địa bàn nông thôn.
Phạm Kiều