Từ những chủ trương, nghị quyết đúng đắn, kịp thời...
Từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, khu vực Thành phố Phúc Yên ngày nay đã được Đảng bộ, Chính quyền địa phương quan tâm, cải thiện môi trường đầu tư. Năm 1995, công ty Honda Việt Nam và công ty Toyota Việt Nam được Bộ Kế hoạch đầu tư cấp phép xây dựng tại xã Phúc Thắng, Mê Linh (nay là phường Phúc Thắng, thành phố Phúc Yên). Đây là những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tiên trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, cũng là những doanh nghiệp khẳng định được vị thế vững vàng sau 25 năm hoạt động, làm cho Phúc Yên trở thành cái nôi phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư FDI. Năm 2005, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc có kết luận về quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thị xã Phúc Yên giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2020, trong đó xác định: Phúc Yên là vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, cần tập trung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của thị xã, tạo hạt nhân, động lực để lôi kéo, thúc đẩy các địa phương khác phát triển. Tỉnh uỷ định hướng cơ cấu kinh tế trên địa bàn thị xã Phúc Yên là: công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp. Ban Thường vụ Thị uỷ Phúc Yên cũng ban hành Nghị quyết chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp thị xã Phúc Yên giai đoạn 2006-2010, định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp theo ngành, có chiều sâu gắn với thị trường. Nhiều diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn đã được chuyển đổi để phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị. Từ năm 2003 đến nay, Đại hội Đảng bộ Phúc Yên các nhiệm kỳ đều xác định công nghiệp là ngành kinh tế chủ đạo, nền tảng, quyết tâm phát triển Phúc Yên trở thành vùng kinh tế trọng điểm, là trung tâm kinh tế, là đầu tàu kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc.
... Đến những kết quả ấn tượng
Tính đến cuối năm 2020, trên địa bàn thành phố Phúc Yên có 1.248 doanh nghiệp đang hoạt động (chiếm 15,6% số doanh nghiệp đang hoạt động toàn tỉnh) và có đóng góp cho ngân sách nhà nước. Trong 5 năm (từ 2015-2020), tổng giá trị sản xuất các ngành dịch vụ, du lịch ước đạt 23,74 nghìn tỷ đồng, tăng 13,16% so với giai đoạn 2010-2015. Trên địa bàn thành phố đã hình thành 11 khu đô thị; 6 siêu thị; 4 chợ dân sinh. Có 10 ngân hàng và phòng giao dịch, trong đó có 4 ngân hàng chi nhánh cấp 1 gồm Vietinbank, BIBV, Vietcombank, Agribank. Hoạt động thu hút đầu tư hiệu quả đã giúp tốc độ tăng trưởng của Phúc Yên liên tục tăng cao. Giai đoạn 2000-2005, tăng trưởng bình quân 13,5%/năm; giai đoạn 2005-2010, tăng trưởng bình quân 23,05%/năm (riêng năm 2005, với mức tăng 23,7%, Phúc Yên trong nhóm huyện, thị có mức tăng trưởng cao nhất cả nước); 6 tháng đầu 2021, tăng trưởng 7,72% (tăng trưởng cả nước là 5,64%). Trong phát triển công nghiệp, số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở khu vực thành phố Phúc Yên không nhiều, nhưng đã tạo ra giá trị lớn. Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố Phúc Yên nhiều năm chiếm đến 75% đến 80% giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn Phúc Yên tăng từ hơn 100 nghìn tỷ đồng giai đoạn 2006-2010, lên 452 nghìn tỷ đồng giai đoạn 2015-2020. Năm 2020, mặc dù ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn Phúc Yên vẫn đạt 94 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 35% giá trị sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh Vĩnh Phúc. Tỷ trọng giá trị ngành công nghiệp, xây dựng đã chiếm gần tuyệt đối trong giá trị các ngành kinh tế của Phúc Yên (năm 2020 chiếm 93,35%, tăng gần 9% so với năm 2005).
Sản xuất ô tô tại công ty Honda Việt Nam (thành phố Phúc Yên)
(ảnh: internet)
Tốc độ tăng trưởng cao tạo điều kiện thu ngân sách đạt cao, góp phần quyết định đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những tỉnh tự cân đối được ngân sách và có tỷ lệ điều tiết ngân sách về Trung ương lớn. Giai đoạn 2015-2020, Phúc Yên thu ngân sách đạt 144.495 tỷ đồng, tăng gần gấp 5 lần so với giai đoạn 2005-2010, gần gấp 2 lần so với giai đoạn 2010-2015. Năm 2020, thu ngân sách đạt 922 tỷ đồng, bằng 151,6% dự toán và tăng 50% so với cùng kỳ năm 2019; 6 tháng đầu năm 2021, số thu ngân sách đạt trên 486,8 tỷ đồng (bằng 72% so với dự toán và 90% so với cùng kỳ). Nhờ có số thu ngân sách lớn trên địa bàn, Phúc Yên đã góp phần chủ yếu để đưa Vĩnh Phúc từ chỗ phải xin ngân sách Trung ương hỗ trợ, năm 2002, Vĩnh Phúc lần đầu tiên đã bước vào câu lạc bộ nghìn tỷ, đưa Vĩnh Phúc vào vị trí thu ngân sách cao thứ 8 cả nước, thứ 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, là 1 trong 16 tỉnh có tỷ lệ điều tiết Ngân sách lớn về Trung ương (47%). Năm 2020, tuy bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, số thu vẫn đạt trên 32 nghìn tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2021, thu ngân sách đạt hơn 17 nghìn tỷ đồng.
.... những khó khăn, thách thức cần vượt qua
Dù có mức tăng trưởng cao trong nhiều năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Phúc Yên đang chững và chậm dần. Năm 2020, tăng trưởng âm 8,87%, mức tăng trưởng giai đoạn 2015-2020 đạt 3,28% - thấp nhất so với các giai đoạn trước đây và cũng thấp nhất trong 9 huyện, thành phố của tỉnh Vĩnh Phúc. Nhiều tiềm năng, lợi thế của thành phố chưa được phát huy, khai thác tối đa, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ.
Để Phúc Yên xứng tầm là thành phố hiện đại và hội nhập, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc, những năm tới, thành phố Phúc Yên tiếp tục xác định công nghiệp là ngành kinh tế chủ lực; đầu tư thích đáng để đưa dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, quan tâm các ngành dịch vụ có lợi thế, tạo ra giá trị gia tăng cao. Phát triển nông, lâm nghiệp, thuỷ sản gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, thực hiện “khát vọng và quyết tâm xây dựng thành phố Phúc Yên sớm trở thành đô thị loại II và trở thành trung tâm kinh tế, đô thị trung tâm về dịch vụ, du lịch và giáo dục của tỉnh và khu vực”; đến năm 2030, Phúc Yên đủ các tiêu chí của đô thị loại I.
Lê Điều