Tỉnh ủy đã ban hành các nghị quyết chuyên đề, xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, tập trung lãnh đạo cấp ủy các cấp chú trọng tạo nguồn, phát triển đảng viên là người DTTS. Năm 2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 14-CT/TU về “Tăng cường công tác phát triển đảng viên ở địa bàn, lĩnh vực còn khó khăn và ít đảng viên”, và ngày 07/5/2021, ban hành Chỉ thị số 05-CT/TU “Về đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên trong tình hình mới”.
Xác định khó khăn lớn nhất trong công tác phát triển đảng vùng đồng bào DTTS là nhận thức cũng như trình độ văn hóa của đồng bào còn thấp, Đảng bộ tỉnh đã chỉ đạo cấp uỷ các cấp xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể và các giải pháp phát triển đảng viên phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương để thu hút quần chúng ưu tú vào Đảng như: tích cực bồi dưỡng, kết nạp đảng đối với những quần chúng ưu tú đang sinh sống, gắn bó lâu dài ở vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS.
Mặt khác, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người. Đối với các chi bộ thôn, bản có ít đảng viên là người DTTS tại chỗ, cấp ủy điều động đảng viên từ những nơi có đông đảng viên đến sinh hoạt để tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, qua đó, bồi dưỡng quần chúng, tạo nguồn kết nạp đảng viên...
Để việc tạo nguồn phát triển đảng viên có chất lượng, cấp ủy các cấp phân công đảng viên có kinh nghiệm, uy tín để giúp đỡ quần chúng ưu tú trong quá trình phấn đấu, rèn luyện; tập trung chỉ đạo các chi bộ, đảng bộ trực thuộc tiến hành điều tra khảo sát, đánh giá thực trạng tình hình cơ sở, xây dựng chương trình, kế hoạch và các giải pháp khắc phục tình trạng thôn, bản chưa có chi bộ, đảng viên. Tất cả các xã đều lấy việc kết nạp đảng viên và thành lập mới chi bộ làm tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng hằng năm.
Với những nỗ lực và cách làm hiệu quả, công tác phát triển đảng ở Quảng Trị đã có những chuyển biến tích cực. Nhờ thực hiện đúng phương châm, phương hướng, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình thủ tục chặt chẽ và làm tốt công tác xây dựng kế hoạch nên số lượng đảng viên được kết nạp những năm qua đều đạt và vượt chỉ tiêu, góp phần giảm nhanh số lượng chi bộ sinh hoạt ghép; chất lượng đảng viên kết nạp ngày càng được nâng lên.
Nhiệm kỳ 2015-2020, Quảng Trị kết nạp được khoảng 9.000 đảng viên mới, trong đó có 3.498 đảng viên là người DTTS. Nhiều người sau khi được kết nạp vào Đảng đã được bố trí giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Qua đánh giá hằng năm, hầu hết đảng viên đều thể hiện được tính tiên phong, gương mẫu trong công tác và cuộc sống, thực sự là những hạt nhân chính trị, trung tâm đoàn kết, tấm gương sáng trong cơ quan, đơn vị, khu dân cư.
Lễ kết nạp đảng viên trẻ tại xã Gio Sơn, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị
(Ảnh: internet)
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển đảng viên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh còn gặp không ít khó khăn, nhất là trong công tác tạo nguồn quần chúng ưu tú để giới thiệu cho Đảng. Một số cấp ủy chi bộ, bộ phận cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác kết nạp đảng viên nên thiếu tính chủ động trong công tác giáo dục, vận động, rèn luyện quần chúng...
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, đã đề ra chỉ tiêu phát triển đảng là 7.500 đảng viên, bình quân hằng năm kết nạp khoảng 1.500 đảng viên. Để nâng cao chất lượng công tác phát triển viên trong vùng đồng bào DTTS, trước hết cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các cấp ủy, cán bộ, đảng viên về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác kết nạp đảng viên trong giai đoạn hiện nay; coi công tác kết nạp đảng là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Thực hiện chủ trương tăng cường đưa cán bộ, đảng viên chủ chốt ở xã xuống thôn, bản sinh hoạt để làm nòng cốt trong các hoạt động và tạo nguồn phát triển đảng viên người DTTS tại chỗ; phân công các đồng chí đảng ủy viên theo dõi, phụ trách từng xóm, bản, cùng tham gia sinh hoạt, tuyên truyền, lựa chọn, giúp đỡ quần chúng ưu tú giới thiệu với cấp ủy để xem xét kết nạp.
Phát động phong trào bảo vệ an ninh, trật tự, lao động sản xuất, giảm nghèo, để từ đó thu hút quần chúng nhân dân tích cực tham gia, lấy kết quả thực hiện phong trào làm cơ sở đánh giá, phát hiện quần chúng ưu tú để bồi dưỡng, kết nạp vào Đảng... Đối với các xã thuộc địa bàn biên giới khó khăn, cần phân công cán bộ quân đội, công an, bộ đội biên phòng phụ trách bám nắm cơ sở, làm tốt công tác tạo nguồn, bồi dưỡng, thẩm tra lý lịch, xét đề nghị kết nạp Đảng.
Xây dựng chương trình, kế hoạch về phát triển đảng viên và tập trung phát triển đảng viên là người DTTS ở vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống. Phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho các cấp ủy đảng về công tác phát triển đảng viên là người DTTS. Đưa tiêu chí phát triển đảng viên vào phân loại tổ chức cơ sở đảng hằng năm.
Định kỳ tiến hành sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm công tác phát triển đảng viên, chỉ rõ những mặt làm được và hạn chế; từng đồng chí cấp ủy và tập thể chi bộ, đảng bộ làm rõ những kết quả đạt được để phát huy, đồng thời phân tích, chỉ ra nguyên nhân của yếu kém, khuyết điểm, trách nhiệm cá nhân, nhất là của người đứng đầu, từ đó đưa ra kế hoạch, giải pháp phù hợp để lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả công tác phát triển đảng viên, tổ chức đảng.
Nêu cao sự tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, nhằm củng cố niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền, tạo sức thu hút, tập hợp quần chúng ưu tú phấn đấu vào Đảng, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đảng viên, nhất là phát triển đảng viên vùng đồng bào DTTS mà nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.
Văn Toàn