1. Những chuyển động đúng hướng từ tái cơ cấu nông nghiệp
Tỉnh xác định đến năm 2025, cây cà phê, cao su, hồ tiêu, gỗ nguyên liệu, cây ăn quả đặc sản và cây dược liệu, lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, con bò, con tôm là những sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Trên cơ sở đó, ngành nông nghiệp thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với phát triển các sản phẩm chủ lực, có lợi thế của tỉnh, mang lại giá trị thu nhập cao hơn cho người sản xuất. Nhờ đó, tổng thu nhập từ mỗi héc-ta (ha) đất trồng trọt trên địa bàn tỉnh hằng năm tăng trung bình 3,25% (đạt 108% chỉ tiêu). Chăn nuôi gia cầm phát triển mạnh, các hình thức chăn nuôi gia cầm theo hướng liên kết phát triển khá tốt. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2020 đạt 40.500 tấn tăng 16,48% so với năm 2014 trước khi thực hiện tái cơ cấu; tổng đàn gia cầm năm 2020 đạt 3,6 triệu con, tăng 72,25% so với năm 2014.
Dự án liên kết phát triển chăn nuôi lợn an toàn sinh học tại xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong
(Ảnh: Interrnet)
Quảng Trị là địa phương đi đầu trong cả nước thực hiện mô hình quản lý rừng bền vững gắn với việc cấp chứng chỉ rừng cho cả doanh nghiệp và hộ gia đình. Đến nay đã có 23.429 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ (chiếm khoảng 11% trong cả nước), trong đó của 03 Công ty Lâm nghiệp là 20.282 ha, và 536 hộ gia đình 3.147 ha. Công tác quản lý nuôi trồng, sản xuất giống thủy sản trên địa bàn tỉnh có những bước phát triển nhanh, tổng sản lượng thủy sản tăng đều qua các năm: năm 2016 đạt 23.794,9 tấn (nuôi trồng đạt 8.071 tấn); năm 2017 đạt 30.780 tấn (nuôi trồng đạt 7.354,5 tấn); năm 2018 đạt 32.216 tấn (nuôi trồng đạt 8.024 tấn); năm 2019 đạt 36.029 tấn (nuôi trồng đạt 8.667 tấn); năm 2020 đạt 37.000 tấn (nuôi trồng đạt 10.000 tấn). Cùng với đó, toàn tỉnh đã có 57/101 xã đạt chuẩn nông thôn mới,với 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, có thêm huyện Cam Lộ được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt và vượt mục tiêu đề ra.
Vườn cà phê tại Thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa
(Ảnh: Interrnet)
2. Giải pháp phát triển nông nghiệp Quảng Trị cho những năm tiếp theo
Tiếp đà thành công của những năm đã qua, trong giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến 2030, Quảng Trị đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới với những giải pháp sau:
Thứ nhất, rà soát, bổ sung, điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, phát triển từng cây trồng, vật nuôi chủ lực, vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa trên phạm vi toàn tỉnh và từng địa phương đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Rà soát, bổ sung xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp.
Thứ hai, tăng cường chuyển giao, ứng dụng công nghệ giống, công nghệ sinh học, công nghệ tưới tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, chế biến, bảo quản nông, lâm, thuỷ sản. Thực hiện cơ chế đối ứng hợp tác công - tư, hỗ trợ doanh nghiệp trong đầu tư đổi mới công nghệ.
Thứ ba, tổ chức lại ngành trồng trọt theo hướng sản xuất tập trung, tạo ra những sản phẩm chủ lực có khối lượng lớn, liên kết sản phẩm theo vùng, thúc đẩy liên kết trong sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Tập trung phát triển mạnh các vật nuôi chủ lực, có khả năng phát triển, phù hợp với tập quán chăn nuôi của người dân như bò thịt, lợn, gia cầm... Phát triển nuôi trồng thủy sản an toàn sinh học, bảo vệ môi trường và áp dụng VietGAP trong quản lý nuôi trồng thủy sản. Ngành lâm nghiệp đẩy mạnh trồng rừng thâm canh theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm.
Thứ tư, đổi mới mô hình hoạt động của các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, chú trọng phát triển các loại hình kinh tế hợp tác hoạt động sản xuất chuyên ngành gắn với cung ứng dịch vụ theo chuỗi giá trị sản phẩm từ cung cấp dịch vụ đầu vào đến chế biến và kết nối thị trường.
Thứ năm, tăng cường hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý các sản phẩm sản xuất tại địa phương; hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, người dân tiếp cận thông tin về thị trường, về tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thứ sáu, rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới các xã; quy hoạch sản xuất nông nghiệp, vùng sản xuất hàng hóa tập trung phù hợp với tái cơ cấu nền nông nghiệp, quy hoạch kinh tế xã hội của vùng, tỉnh, huyện, xã. Tăng cường công tác quản lý quy hoạch; triển khai quy hoạch huyện nông thôn mới gắn với đô thị hóa.
Thứ bảy, tăng cường các hình thức hợp tác công tư, xã hội hóa, có chính sách khuyến khích, hỗ trợ, thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn./.
An Hòa