Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh toàn dân có sự phát triển cả bề rộng, chiều sâu, hướng mạnh về cơ sở và có nhiều đổi mới. Hình thức, phương pháp tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng. Báo Quảng Trị, Đài phát thanh - truyền hình tỉnh duy trì thường xuyên chuyên trang, chuyên mục “Quốc phòng toàn dân” với hàng trăm tin, bài, phóng sự tuyên truyền.
Riêng năm 2021, Đài phát thanh truyền hình tỉnh đã phát sóng 257 chuyên mục trên truyền hình với 408 tin, bài; phát sóng trên đài phát thanh 445 tin, bài; chuyên trang trên báo đăng 427 tin, bài gồm 305 bài và 155 phóng sự ảnh; 25 tin bài trên Báo Quân khu 4 nhằm phản ánh hoạt động của lực lượng vũ trang tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ.
Nội dung tuyên truyền tập trung vào phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về QPAN; giáo dục truyền thống của lực lượng vũ trang, quê hương, đất nước, khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời vận động giáo dục nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng trước những âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tập trung giữ vững ổn định tình hình chính trị, an ninh trật tự an toàn xã hội ở địa phương[1].
Cơ quan Thường trực Hội đồng QPAN từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan làm tốt công tác khảo sát, phân loại các đối tượng trong diện bồi dưỡng kiến thức QPAN. Năm 2021, toàn tỉnh đã mở 52 lớp bồi dưỡng kiến thức QPAN cho 2.935 học viên.
Đối với sinh viên, Hội đồng giáo dục QPAN của tỉnh chỉ đạo Trường Cao đẳng sư phạm Quảng Trị phối hợp với Trung tâm giáo dục QPAN Đại học Huế tiến hành liên kết tổ chức giáo dục QPAN cho sinh viên đúng theo quy định. Các trường trung cấp, dạy nghề đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với Trường Quân sự tỉnh (nay là Trung đoàn bộ binh 842), Công an tỉnh cùng với giáo viên của trường tổ chức giáo dục QPAN cho sinh viên tại trường trong thời gian đầu khóa học.
Đối với học sinh các trường trung học phổ thông, Hội đồng giáo dục QPAN chỉ đạo các trường THPT tổ chức học theo phân phối chương trình trong toàn năm học, mỗi năm học 35 tiết (mỗi tuần 01 tiết). Đối với các trường trung học cơ sở, các trường tiểu học thì các trường đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức giáo dục QPAN cho học sinh theo đúng quy định.
Hướng dẫn bắn đạn thật cho học sinh trung học phổ thông tại Hội thi giáo dục quốc phòng do ngành giáo dục tỉnh Quảng Trị tổ chức
(Ảnh: internet)
Để tăng cường công tác quốc giáo dục QPAN trong tình hình mới, phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, tỉnh Quảng Trị cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục QPAN. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tiếp tục quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giáo dục quốc phòng và an ninh.
Trọng tâm là: Chỉ thị số 12-CT/TW, ngày 03/5/2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục quốc phòng, an ninh trong tình hình mới”; Quy định số 07/QĐ-BTCTW, ngày 16/4/2008 của Ban Tổ chức Trung ương về tiêu chuẩn kiến thức quốc phòng - an ninh cho cán bộ, đảng viên; Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh.
Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, vai trò của các ban, ngành, đoàn thể; thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng giáo dục QPAN các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thứ ba, đẩy mạnh đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, bồi dưỡng, phổ biến kiến thức QPAN cho toàn dân, nhất là cho các chức sắc tôn giáo, đồng bào dân tộc ít người ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Phát huy thế mạnh của hệ thống thông tin truyền thông; coi trọng hình thức tuyên truyền miệng; kết hợp, lồng ghép nội dung tuyên truyền, phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông qua các buổi sinh hoạt cộng đồng dân cư, hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở.
Thứ tư, các địa phương, cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở tích cực huy động các nguồn lực bảo đảm cho công tác giáo dục QPAN, tạo nền tảng vật chất, đáp ứng yêu cầu công tác quan trọng này trong tình hình mới, nhất là tập trung nguồn lực cho đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên giáo dục QPAN.
[1] Báo cáo Kết quả giáo dục quốc phòng và an ninh tỉnh Quảng Trị năm 2021, tr.7
Thanh Nhạn