Thời gian qua, Tỉnh Đoàn Quảng Trị đã triển khai kế hoạch phát triển kinh tế trong thanh niên; hỗ trợ về vốn, tư vấn về khoa học công nghệ, kỹ thuật sản xuất tiên tiến theo mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao.
Hỗ trợ tích cực cho thanh niên phát triển các ý tưởng khởi nghiệp, các tổ hợp tác, mô hình phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao gắn xây dựng nông thôn mới và quảng bá thương hiệu, sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hiện nay, toàn tỉnh có 03 tổ hợp tác, 85 câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế; 576 mô hình kinh tế trong thanh niên cho thu nhập trên 50 triệu đồng/năm, trong đó có 487 mô hình cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Tiêu biểu như như mô hình trang trại chăn nuôi kết hợp du lịch sinh thái của đồng chí Hồ Hữu Thăng (Hướng Hóa), mô hình trồng và sản xuất tinh bột nghệ của đồng chí Trần Minh Đức (Cam Lộ), mô hình sản xuất bún sạch Vạn Linh (Triệu Phong), mô hình trang trại nuôi gà của đồng chí Trần Tấn Phát (Gio Linh)...
Mô hình chăn nuôi gà của thanh niên Quảng Trị
(Ảnh: internet)
Mô hình “Nâng cao quản lý chất lượng nước để tăng hiệu quả phòng bệnh, tăng năng suất nuôi cá nước ngọt” do Đoàn Trường Trung cấp Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Trị chủ trì triển khai thực hiện tại ba địa điểm khác nhau (Thôn Kinh Môn, xã Trung Sơn, huyện Gio Linh; phường Đông Giang và Đông Thanh, TP. Đông Hà); Mô hình sản xuất phân vi sinh từ rác thải hữu cơ của đoàn thanh niên xã Hải Dương, huyện Hải Lăng; mô hình Sản xuất bún tươi sấy khô Vạn Linh của nhóm thanh niên khởi nghiệp xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong do đoàn viên Nguyễn Đăng Tôn Cảnh làm chủ nhiệm mô hình.
Mô hình “Ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất tinh bột nghệ” cho Cơ sở sản xuất tinh bột nghệ Trần Lan tại Thôn An Lưu, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong; mô hình “Ứng dụng thiết bị tiên tiến vào hệ thống sao nghiền và hệ thống sao sấy nguyên liệu cây hương nhu làm dược liệu” tại Thôn Xuân Lâm - Triệu Nguyên - Đakrông; ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất tinh dầu tràm của đoàn viên Trần Ngọc Tráng tại xã Gio Quang, huyện Gio Linh.
Đang đề xuất hỗ trợ mô hình Ứng dụng máy móc thiết bị vào lắp ráp, sản xuất xe lăn điện và các thiết bị phục hồi chức năng cho người già, người khuyết tật của đoàn viên Lê Văn Hóa tại xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong, với tổng trị giá các mô hình gần 300 triệu đồng.
Đặc biệt, toàn tỉnh hiện có 07 mô hình trồng nấm rơm của 07 hộ thanh niên theo kỹ thuật mới với tổng trị giá 70 triệu đồng/hộ; 04 mô hình trong các lĩnh vực trồng trọt, chế biến thực phẩm thực hiện chương trình ứng dụng khoa học và công nghệ như nuôi bò thịt nhốt chuồng theo quy trình Hà Lan cho hơn 200 đoàn viên, thanh niên.
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn phối hợp với Sở Công thương, Sở Khoa học và công nghệ, Trung tâm Xúc tiến đầu tư Thương mại và Du lịch tỉnh Quảng Trị tổ chức 06 lớp tập huấn hỗ trợ quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm trên các kênh bán hàng, giúp thanh niên tiếp cận thông tin về hệ sinh thái khởi nghiệp, thông tin về thị trường, các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm để định hướng kinh doanh, sản xuất…
Nhìn chung, các mô hình do thanh niên Quảng Trị khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đã phát huy tính xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ trong phát triển kinh tế; hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa; phát triển ngành nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập, giúp các gia đình thanh niên trên địa bàn các huyện, xã trong toàn tỉnh thoát nghèo bền vững và thực hiện khát vọng phát triển kinh tế - xã hội.
Những kết quả trong phong trào “Thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp” ở tỉnh Quảng Trị đã cổ vũ, khuyến khích tinh thần, góp phần tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên trong quá trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh. Thời gian tới, để nhân rộng điển hình, phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, cần phải có các giải pháp cụ thể như sau:
Một là, tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của đoàn viên, thanh niên trong quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao gắn xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó là tiếp tục đẩy mạnh, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các thông tin, chính sách hỗ trợ của Trung ương và địa phương đến đoàn viên, thanh niên kịp thời.
Hai là, tiếp tục có những chính hỗ trợ phát triển các ý tưởng khởi nghiệp, các tổ hợp tác, mô hình phát triển kinh tế sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng thương hiệu. Các sở, ngành ở tỉnh quan tâm hỗ trợ tiếp cận vốn, khoa học kỹ thuật, quảng bá thương hiệu, sản phẩm cho thanh niên và nâng cao hiệu quả hoạt động các Câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế, các trang trại, gia trại; nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, mô hình ứng dụng khoa học công nghệ trong thanh niên mang lại hiệu quả kinh tế.
Ba là, tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động tuyên truyền, phổ biến các cơ chế chính sách về khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng hiện đại qua nhiều hình thức như qua Website, các trang mạng xã hội của Đoàn cơ sở, xây dựng, triển khai các ứng dụng trực tuyến trên điện thoại thông minh nhằm quảng bá sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn (OCOP, Viet GAP, Global GAP...); vận động thanh niên tham gia các diễn đàn “thanh niên khởi nghiệp”, “hành trình đến với trường nghề, làng nghề”, “hành trình đến với nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp”... do Trung ương Đoàn tổ chức.
Huyền Lê