Nằm trong tính toán chiến lược và đã được chuẩn bị chu đáo từ rất sớm, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng quyết định mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972 quy mô lớn trên toàn miền Nam, nhằm giành thắng lợi quyết định, buộc đế quốc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh bằng thương lượng, theo điều kiện của ta.
Trên hướng chủ yếu Trị - Thiên, từ 11 giờ 30 phút ngày 30/3/1972, bộ đội chủ lực phối hợp với bộ đội địa phương, phát huy sức mạnh hiệp đồng binh chủng tiến công thẳng vào tuyến phòng ngự của địch ở Đường số 9. Đến 18 giờ ngày 1/5/1972, tỉnh Quảng Trị được hoàn toàn giải phóng.
Chiến công vang dội ở Trị - Thiên năm 1972 là kết quả to lớn trên con đường đấu tranh thống nhất nước nhà, góp phần tạo nên thế và lực mới cho ta đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi cuối cùng.
Bước ra từ khói lửa chiến tranh, Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị đã phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đoàn kết, đồng cam, cộng khổ, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, lao động bền bỉ, vượt qua muôn vàn gian khổ, hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới để Quảng Trị từng bước hồi sinh, đi lên cùng cả nước.
Trong những năm qua, một số ngành kinh tế mũi nhọn trên lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, thương mại, dịch vụ được hình thành, tạo cơ sở và điều kiện để Quảng Trị vươn lên trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân 5 năm (2016 - 2020) đạt 7,16%1; năm 2021 tăng 6,5%, đứng thứ 3 trong 14 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung và đứng thứ 18 trong cả nước.
Thu nhập bình quân đầu người đạt 57,5 triệu đồng/năm. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn có bước đột phá, thiết lập cột mốc mới với 5.080 tỷ đồng, đạt 147,3% dự toán địa phương. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 28.500 tỷ đồng, thu hút được 65 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 70.749 tỷ đồng2.
Những năm gần đây, tỉnh tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược, nhất là đầu tư vào năng lượng; phấn đấu đến năm 2030 đưa Quảng Trị trở thành Trung tâm năng lượng của khu vực miền Trung.
Đến nay, đã có 31 dự án điện gió được phê duyệt quy hoạch với tổng công suất 1.177,2MW, 03 dự án điện mặt trời với tổng công suất 149,5MWp, 01 dự án nhiệt điện than, 02 dự án điện khí và 18 dự án thủy điện. Trong đó, 19 dự án điện gió, 03 dự án điện mặt trời và 11 dự án thủy điện được đưa vào vận hành thương mại3.
Cánh đồng điện gió ở xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị
(ảnh: internet)
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng nâng cao đời sống nhân dân ở nông thôn. Toàn tỉnh hiện có 63/101 xã (đạt 62,4%) và 01 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Các di tích lịch sử chiến tranh cách mạng được trùng tu, tôn tạo như Địa đạo Vịnh Mốc, Thành cổ Quảng Trị, Sân bay Tà Cơn, Di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, cùng với các tuyến điểm và cơ sở dịch vụ du lịch được hình thành và phát triển, tạo dấu ấn riêng đối với bạn bè trong và ngoài nước khi đến với Quảng Trị, nơi từng được ví là một bảo tàng chiến công cách mạng.
Chiến trường khốc liệt Cồn Tiên, Dốc Miếu, Khe Sanh, Tà Cơn năm xưa nay là các vùng chuyên canh cây công nghiệp cao su, hồ tiêu, cà phê nổi tiếng trong và ngoài nước. Tuyến đường 9 trở thành tuyến đường xuyên Á trên Hành lang kinh tế Đông - Tây gắn với một thương hiệu du lịch hết sức độc đáo: “Một ngày ăn cơm 3 nước”.
Lĩnh vực văn hóa xã hội đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Sự nghiệp giáo dục – đào tạo phát triển cả quy mô cấp học, ngành học, từng bước chuẩn hóa, hiện đại hóa. Mạng lưới trường lớp được quy hoạch, sắp xếp lại phù hợp; giáo dục ngoài công lập ngày càng phát triển. Duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở và xóa mù chữ.
Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia ước đạt 60% (đạt 100% kế hoạch). Chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân được nâng lên. 100% xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Văn hoá, thể dục, thể thao có những mặt chuyển biến tích cực. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trọng tâm là xây dựng gia đình, họ tộc, thôn bản, cơ quan văn hóa được đẩy mạnh.
Công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo; chăm sóc người có công với cách mạng, đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo đạt kết quả tích cực. Triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình giải quyết việc làm, nhất là xuất khẩu lao động; quan tâm thực hiện các chính sách hỗ trợ ổn định đời sống, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển.
Giai đoạn 2016 - 2020 tạo việc làm mới cho 61.712 người, trong đó làm việc tại địa phương khoảng 35.016 người4; tỷ lệ lao động thất nghiệp ở khu vực thành thị giảm từ 3,7% xuống còn 2,7%. Năm 2021, tạo việc làm mới cho 11.025 lao động, đạt 100% kế hoạch đề ra. Công tác giảm nghèo bền vững được quan tâm; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 15,43% xuống còn 6,43%, giảm bình quân 1,77%/năm5.
Quan hệ đối ngoại, hợp tác hữu nghị giữa Quảng Trị với các đối tác, bạn bè quốc tế được tăng cường và mở rộng, nhất là quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện với các tỉnh của nước bạn Lào tiếp tục được giữ gìn, phát huy và đi vào chiều sâu. Quốc phòng - an ninh tiếp tục được tăng cường, bảo đảm ổn định chính trị, giữ vững trật tự, an toàn xã hội.
Công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức được triển khai đồng bộ và toàn diện. Công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng, phát triển đảng viên, xây dựng chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội được chú trọng, phát huy được vai trò của mỗi tổ chức, góp phần tăng cường, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân...
Thành phố Đông Hà - tỉnh lị của Quảng Trị, ngày càng phát triển
(ảnh: internet)
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hào khí của những năm tháng chống Mỹ cứu nước, giải phóng quê hương, dân tộc, thống nhất Tổ quốc sẽ mãi mãi là điểm tựa, động lực tinh thần to lớn để Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị viết tiếp bản hùng ca trong sự nghiệp đổi mới, thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII đề ra, xây dựng quê hương Quảng Trị ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh./.
[1]. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII, tr.15.
[2]. Lê Quang Tùng, tham luận tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia.
[3]. Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - anh ninh tỉnh Quảng Trị năm 2021, tr. 5.
[4]. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII, tr.25.
[5]. Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - anh ninh tỉnh Quảng Trị năm 2021, tr. 10.
Trần Văn Toàn và Lê Thị Thanh Nhạn, Trường Chính trị Lê Duẩn tỉnh Quảng Trị