Văn hóa theo nghĩa rộng, vừa là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu và động lực của sự phát triểnxã hội. Đúng như Hồ Chí Minh đã suy ngẫm về văn hóa: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu của đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn"[1].
Nói theo ngôn ngữ khoa học hiện đại, Hồ Chí Minh đã thấy văn hóa là cơ chế tổng hợp để hình thành và phát triển con người- xã hội. Để đổi mới xã hội, đổi mới con người cần phải xây dựng nền văn hóa mới.
Hồ Chí Minh là một nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp như có lần Người đã tự sự, nhưng ngày nay được cả thế giới biết đến và tôn vinh với tư cách là "vị anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam và là một nhà văn hóa lớn"[2], vì sự nghiệp chính trị của Hồ Chí Minh là sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người. Đưa nhân dân lao động lên địa vị người chủ của đất nước và làm chủ vận mệnh của mình là một tiến bộ vượt bậc về văn hóa.
Trước khi đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, trên con đường bôn ba hải ngoại vừa kiếm sống vừa quan sát, Người yêu nước - Nguyễn Ái Quốc - đã tham gia phong trào công nhân, học tập văn hóa Pháp và văn hóa phương Tây. Người vừa học tập, vừa viết báo, viết kịch, vừa tiếp xúc, làm quen với nhiều nhà hoạt động chính trị, xã hội, học giả, nghệ sĩ tên tuổi để làm phong phú thêm trí tuệ của mình.
Hồ Chí Minh nhận thức được rằng với mục đích giải phóng con người triệt để, với sự hoàn bị và tính hệ thống mà hạt nhân là phương pháp biện chứng, chủ nghĩa Mác đã chuẩn bị cho bước nhảy vọt lớn lao của các dân tộc từ thân phận nô lệ lên địa vị làm chủ, từ chỗ con người bị tha hóa tới vương quốc tự do.
Chính quá trình tích lũy các nguồn lực văn hóa, trí tuệ đã đưa Hồ Chí Minh trở thành biểu tượng hàng đầu của giao lưu văn hóa Đông - Tây, đưa sự nghiệp hoạt động chính trị của Người mang giá trị phổ quát toàn nhân loại và mang tính định hướng tương lai.
Năm 1942, họa sĩ Thụy Điển Êrích Giôhanxơn đã viết: "Cử chỉ văn hóa và thân mật của Người gây một ấn tượng là Người có uy tín. Người có thể trở thành lãnh tụ không phải bằng một cái gì bề ngoài mà bằng học thức, bằng trí tuệ của Người"[3].
Với nguồn lực văn hóa lớn lao và tươi mới như vậy, Hồ Chí Minh đã cùng với dân tộc Việt Nam làm nên một sự nghiệp chính trị vĩ đại: giành độc lập, tự do cho dân tộc và đem lại hạnh phúc cho nhân dân, trở thành biểu tượng của lương tri và phẩm giá con người.
Chính trị mácxít, chính trị Hồ Chí Minh có thể coi là văn hóa của tương lai vì sự gặp gỡ sâu sắc nhất giữa sự nghiệp hoạt động chính trị của Hồ Chí Minh với lý tưởng cộng sản là xuất phát từ mục đích giải phóng con người. Đó cũng là sự thống nhất giữa văn hóa - con người - phát triển.
Chủ nghĩa Mác-Lênin là chủ nghĩa nhân đạo hiện thực, còn Hồ Chí Minh chủ trương, như đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: "Xây dựng một triết lý nhân văn hành động giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người"[4]. Chính trị Hồ Chí Minh là chính trị đi tìm chủ thể đích thực của một nền văn hóa mới, đi tìm diện mạo văn hóa của quần chúng nhân dân lao động. Vì thế, Người kêu gọi "văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi", "phải đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường, tự chủ", "phải xúc tiến công tác văn hóa để đào tạo con người mới và cán bộ mới cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc"[5]. Văn hóa phải có tác dụng "sửa đổi tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ, sửa xã hội cũ, xây xã hội mới".
Qua đó, có thể thấy văn hóa đã được lồng ghép, đã thấm sâu như thế nào vào hoạt động chính trị của Hồ Chí Minh. Và chính Người với tầm nhìn viễn kiến đã thực sự khẳng định tư tưởng văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp cách mạng. Đó chính là văn hóa của tương lai mà ngày nay chúng ta đang ráng sức xây dựng.
Hồ Chí Minh là nhà chính trị, nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp nhưng đồng thời là biểu tượng của lòng khoan dung nhân ái, của việc thực hành lối sống và nhân cách văn hóa. Nhà sử học Ba Lan Hêlen Tuốcmêrơ đã viết về Người: "Hồ Chí Minh là hình ảnh hoàn chỉnh của sự kết hợp đức khôn ngoan của Phật, lòng bác ái của Chúa, triết học của Mác, thiên tài cách mạng của Lênin, tình cảm của người chủ gia tộc. Tất cả đều hòa hợp trong một dáng dấp tự nhiên"[6].
Mục tiêu lý tưởng chính trị Hồ Chí Minh là hết sức cao quý: giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người. Đồng thời có sự thống nhất cao độ về tính nhân văn giữa lý tưởng, mục đích chính trị và các phương pháp, phương tiện đạt đến mục đích đó. Xuất phát từ tình thương yêu con người, từ tình cảm mãnh liệt, sâu sắc đối với Tổ quốc và nhân dân, dân tộc và nhân loại, Hồ Chí Minh đã tự nguyện dấn thân vào cuộc đấu tranh gian khổ và hiểm nguy, thậm chí hy sinh tính mạng của mình. Cả cuộc đời Người đã sống hết mình vì tôn chỉ, mục đích đó với tất cả nghị lực phi thường được sinh ra từ tâm hồn, trí tuệ, niềm tin không gì suy suyển đối với chân lý cùng với sự mẫn cảm đặc biệt của Người đối với cuộc sống và số phận của nhân dân, tương lai, triển vọng của dân tộc.
Là một chiến sĩ cách mạng, nhưng Hồ Chí Minh nêu tấm gương về sự khoan dung và yêu chuộng hòa bình. Trong phong cách ứng xử Hồ Chí Minh toát lên thái độ tin cậy với con người, là sự nâng niu quý trọng nhân cách con người. Phương pháp Hồ Chí Minh là phương pháp cảm hóa, thuyết phục, thu phục con người ở mọi đối tượng, mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi. Phương pháp hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh là phương pháp văn hóa, phương pháp hướng tới con người, tới phép dùng người và chiến lược trồng người.
Còn phong cách Hồ Chí Minh thì hướng tới sự thanh cao, giản dị, ung dung, tự tại, không để sự ham muốn vật chất làm vẩn đục tâm hồn, không để sự tàn bạo của chiến tranh làm ảnh hưởng đến tinh thần nhân văn, lạc quan và tình yêu cuộc sống. Đó là cốt cách của một lãnh tụ chính trị thời đại mới nhưng lại mang dáng dấp của một nhà hiền triết phương Đông thâm trầm. Nhân cách đó có sức tỏa sáng và quy tụ triệu triệu con người, bạn bè gần xa thì yêu mến cảm phục mà ngay đến kẻ thù cũng phải nể trọng và ngợi ca.
Nhân cách văn hóa Hồ Chí Minh, con người, cuộc đời, sự nghiệp hoạt động chính trị Hồ Chí Minh là một chỉnh thể kết tinh những gì ưu tú, tốt đẹp nhất của trí tuệ, đạo đức, tâm hồn, tình cảm của con người và bản sắc văn hóa Việt Nam.
Tấm gương và tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ định hướng cho hành động và tiếp theo sức mạnh tinh thần, là sự cổ vũ lớn lao cho toàn Đảng, toàn dân vượt khó vươn lên giành những thắng lợi trong thế kỷ XXI đầy biến động.
[1]Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, Hà Nội, tr.431.
[2]Nghị quyết của Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) về kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong sách Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990, tr.9.
[3]Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.232.
[4]Võ Nguyên Giáp: Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.29.
[5]Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, Hà Nội, tr.173.
[6]Tạp chí Cộng sản, số 30, 1992.
Quốc Lâm