1. Tiềm năng và lợi thế của ngành du lịch Tây Ninh
Tây Ninh có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú và còn hoang sơ, đặc biệt là tài nguyên rừng đa dạng sinh học, cùng với đó là các di tích lịch sử - văn hóa, di tích cách mạng, khảo cổ, kiến trúc, như: Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát, hồ Dầu Tiếng, sông Vàm Cỏ Đông, Khu di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng núi Bà Đen, Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt căn cứ Trung ương Cục miền Nam, địa đạo An Thới, Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh... Toàn tỉnh có 95 di tích được xếp hạng, trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt; 26 di tích quốc gia; 68 di tích cấp tỉnh; 6 di sản văn hoá phi vật thể của quốc gia.
Tiềm năng du lịch của Tây Ninh còn ở các làng nghề lâu đời như: nghề làm bánh tráng, nghề làm muối ớt, nghề chế biến sản phẩm mây tre, nghề làm nhang… với những đặc sản ẩm thực hấp dẫn, như: bánh canh Trảng Bàng, bánh tráng phơi sương, muối ớt tôm, muối chay, ẩm thực chay, Trà Hoàn Ngọc, Trà Tâm Lan, mãng cầu (quả na) Bà Đen, mật ong vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, các loại bánh tráng trộn…
Làng nghề làm bánh tráng ở Trảng Bàng (Tây Ninh)
(ảnh: internet)
Tuy nhiên, Tây Ninh ở gần trung tâm du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, trong khi xuất phát điểm du lịch Tây Ninh thấp, nên trong giai đoạn hiện nay sức cạnh tranh hạn chế. Nguồn nhân lực của ngành du lịch vẫn còn thiếu và yếu, doanh nghiệp kinh doanh du lịch, lữ hành còn ít, quy mô còn nhỏ, chưa có nhiều dịch vụ thu hút khách du lịch quốc tế, số lượng khách du lịch đến Tây Ninh so với khu vực và cả nước ở mức khá, nhưng doanh thu du lịch chưa cao…
2. Thành quả bước đầu từ những chiến lược đầu tư lâu dài kết hợp giải pháp đột phá để phát triển du lịch
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần X (2015) xác định phát triển du lịch là nhiệm vụ mang tính đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh: “Khai thác mạnh mẽ, có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về du lịch. Chú trọng phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu du lịch đặc sắc, đưa khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen trở thành khu du lịch đẳng cấp của khu vực và cả nước”. Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 04/10/2012 về đẩy mạnh khai thác tiềm năng, phát triển du lịch tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2012-2015 và định hướng đến năm 2020; Chương trình hành động số 68-Ctr/TU ngày 05/10/2017 về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị (khóa XII) về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2644/QĐ-UBND ngày 06/12/2019 về ban hành “Đề án phát triển cụm ngành du lịch tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2019-2021 và định hướng đến năm 2030” và Đề án Thống kê du lịch tỉnh Tây Ninh.
Thực hiện những giải pháp mang tính đột phá để phát triển du lịch, UBND tỉnh thành lập Tổ Công tác hỗ trợ đầu tư dự án phát triển khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen; thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện những giải pháp mang tính đột phá để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2017-2021; thành lập tổ công tác đột phá của tỉnh về du lịch do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng; thành lập Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh; thành lập Hiệp hội Du lịch tỉnh Tây Ninh...
Khu du lịch núi Bà Đen là trọng tâm đầu tư phát triển, tạo động lực lan toả cho du lịch của tỉnh. Đồng thời, tỉnh đã mời gọi được một số nhà đầu tư chiến lược đầu tư phát triển du lịch toàn tỉnh với các dự án lớn như: khách sạn 5 sao; chuỗi siêu thị, khu trung tâm thương mại của một số thương hiệu lớn; hệ thống cáp treo lên đỉnh Núi Bà Đen và các công trình phụ trợ... Trên địa bàn tỉnh có 706 cơ sở lưu trú với 8.305 phòng; 17 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, trong đó, 2 doanh nghiệp có chức năng kinh doanh lữ hành quốc tế.
Tỉnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam phối hợp quảng bá tiềm năng du lịch và sản phẩm du lịch Tây Ninh; tổ chức sự kiện “Ngày Tây Ninh tại Hà Nội”; tổ chức thành công Hội thảo quốc tế và Hội nghị về liên kết phát triển Du lịch; tổ chức lễ hội nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng; lễ hội chiến thắng Tua Hai; đăng cai tổ chức giải bóng chuyền nữ quốc tế, giải bóng chuyền vô địch Quốc gia... Các hoạt động đa dạng, phong phú đó đã giới thiệu và quảng bá cho du lịch Tây Ninh cả trong nước và quốc tế.
Các sản phẩm, dịch vụ du lịch được cải thiện về số lượng và chất lượng, lượng khách đến tham quan tại các khu, điểm du lịch ngày càng nhiều, tăng bình quân 15%/năm, doanh thu du lịch tăng bình quân 15,1%/năm. những điểm du lịch nổi tiếng, với nhiều lượt du khách tham quan như Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, Lễ hội Xuân Núi Bà (đón 1,5 triệu lượt khách mỗi năm), Lễ vía Bà Linh sơn Thánh mẫu, Lễ hội Yến Diêu trì cung của Tòa thánh Cao Đà, Khu du lịch Long Điền Sơn, Trung tâm Thương mại - Giải trí Cà Na...
Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt căn cứ Trung ương Cục miền Nam
(ảnh: internet)
3. Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Tây Ninh
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần XI (nhiệm kỳ 2020-2025) tiếp tục khẳng định du lịch là một trong những trọng tâm đột phá phát triển, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đòi hỏi sự quyết tâm, đồng tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh, hình thành các sản phẩm du lịch liên tuyến, liên vùng; thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư vào du lịch; khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch chung của tỉnh; tăng cường phát triển nguồn nhân lực du lịch và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, hỗ trợ ngành du lịch phục hồi sau ảnh hưởng của dịch COVID-19./.
Lê Hà