Bước vào những năm đầu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 -2020, tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, cạnh tranh của các nước lớn tác động, ảnh hưởng đến kinh tế, chính trị và xã hội của Việt Nam. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã mở ra không ít thời cơ lẫn thách thức đối với toàn nền kinh tế.
Đối với tỉnh Tây Ninh, mặc dù phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như: thiên tai, dịch bệnh trên cả cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là đại dịch Covid-19; giá cả một số mặt hàng chủ lực vẫn ở mức thấp và không ổn định làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân; song, với tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo đổi mới tư duy, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, cả hệ thống chính trị đã phát huy và nâng cao trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành hoàn thành các mục tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh Tây Ninh đã đạt được nhiều thành tựu, để lại dấu ấn đậm nét trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 382/QĐ-UBND phê duyệt Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Việc triển khai thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh, từng bước thúc đẩy phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, kinh tế nông thôn, bộ mặt nông thôn từng bước thay đổi, từng bước chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh, sản xuất nông nghiệp gắn với thị trường. Giải pháp mang tính đột phá về xây dựng chuỗi giá trị trong nông nghiệp được quán triệt thực hiện, nhiều tập đoàn lớn được mời gọi về tỉnh khảo sát, đề xuất dự án đầu tư nông nghiệp hướng đến sự liên kết cùng nông dân trong việc tận dụng ưu thế về đất đai, nguồn nước và khí hậu để sản xuất, chế biến và cung ứng sản phẩm có chất lượng và an toàn cho thị trường. Nhờ đó, giá trị sản xuất nông - lâm - thuỷ sản tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 1,6%.
Một số công nghệ tại resort bò sữa Vinamilk tại Tây Ninh
Tỉnh đã ban hành và triển khai thực hiện Đề án chuỗi giá trị và cụm ngành nông nghiệp trên lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Thu hút đầu tư các dự án nông nghiệp gắn phát triển chuỗi giá trị, nông nghiệp công nghệ cao được 24 dự án với tổng vốn đăng ký trên 1.652 tỷ đồng; thu hút xây dựng và đưa vào hoạt động 01 nhà máy chế biến rau quả Tanifood, công suất 500 tấn nguyên liệu/ngày và 01 trang trại bò sữa Vinamilk Tây Ninh đạt tiêu chuẩn GlobalGAP với tổng đàn 8.000 con. Cơ cấu cây trồng chuyển biến rõ nét theo hướng tập trung, hình thành các vùng nguyên liệu sản xuất chuyên canh gắn công nghiệp chế biến, từng bước chuyển đổi diện tích sản xuất hiệu quả thấp như lúa, cao su, mía… sang sản phẩm có thị trường và có giá trị gia tăng cao như cây ăn quả, khoai mì, chăn nuôi. Giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân đất trồng trọt đến năm 2020 đạt 100 triệu đồng/ha, tăng 15,7% so với năm 2016. Tỷ lệ chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng trang trại tập trung công nghiệp, bán công nghiệp chiếm trên 70% so với tổng đàn, tăng 63% so với năm 2015. Việc cơ cấu lại theo đàn vật nuôi được xác định ưu tiên ở các loại sản phẩm chính như: chăn nuôi gà, heo, bò hướng thịt, bò sữa, tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp chiếm 15,9%.
Đặc biệt, tỉnh rất chú trọng việc phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại. Công tác ứng dụng khoa học kỹ thuật và các tiến bộ khoa học, công nghệ trên lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh đối với đa số sản phẩm. Ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất ngày càng đồng bộ, áp dụng trên nhiều khâu đối với các cây trồng, trong đó cây lúa có tỷ lệ cơ giới hóa cao nhất (100% khâu làm đất, 2,5% khâu gieo, cấy; 65 -70% khâu chăm sóc; 80 -90% khâu thu hoạch và vận chuyển), tiếp đến là cây mía, cây mì. Ngoài ra, vườn cây ăn trái cũng có xu hướng cơ giới hóa nhiều khâu.
Hạ tầng thủy lợi được duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng và đầu tư theo hướng đa mục tiêu nhằm nâng cao năng lực phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, cung cấp nước cho dân sinh và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tỉnh đã tập trung thực hiện được 25 dự án (13 tuyến kênh tiêu, 09 công trình kênh tưới, 03 đê bao) đã tưới được 148.000ha, đặc biệt triển khai Dự án tưới tiêu phía Tây sông Vàm Cỏ Đông. Đây là dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh với mục tiêu cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho huyện Châu Thành và huyện Bến Cầu với diện tích khoảng 16.953ha, các kênh tiêu trục được đầu tư đồng bộ với giao thông nông thôn tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân vận chuyển hàng nông sản.
Các làng nghề truyền thống ở nông thôn được tỉnh quan tâm tiếp tục khôi phục và phát triển. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 10 nghề truyền thống, trong đó có 01 làng nghề truyền thống được công nhận. Các nghề truyền thống đã hình thành tổ chức kinh tế hợp tác, cơ bản phát triển ổn định, tạo việc làm và góp phần cải thiện đời sống người dân.
Hợp tác xã nông nghiệp của Tây Ninh đã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Toàn tỉnh có 80 hợp tác xã nông nghiệp, doanh thu bình quân của mỗi hợp tác xã là 850 triệu đồng/năm, lãi bình quân là 250 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân lao động thường xuyên trong hợp tác xã là khoảng 54 triệu đồng/năm.
Cơ giới nông trường mía lớn nhất Đông Nam bộ.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp; thực hiện chuyển đổi đất đai, cây trồng của doanh nghiệp Nhà nước. UBND tỉnh đã phê duyệt phương án tổng thể của 03/03 Công ty nông nghiệp. Sau khi sắp xếp số diện tích tiếp tục giữ lại cho các Công ty quản lý sử dụng là 941,77 ha; diện tích giao trả về địa phương quản lý là 6.673,7 ha được lập phương án sử dụng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất theo hướng tận dụng lợi thế từng khu vực để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, các công ty nông nghiệp (cao su, mía đường) trên địa bàn tỉnh định hướng chuyển đối sang phát triển khu công nghiệp, khu dân cư, dự án điện mặt trời, trồng cây ăn quả, chăn nuôi bò sữa, bò thịt... với tổng diện tích trên 22.000 ha.
Phát triển nông nghiệp phải đi đôi với nâng cao chất lượng sống người nông dân ở nông thôn, chính vì vậy việc cấp nước sạch nông thôn đã được tỉnh quan tâm đầu tư. Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh đạt 99%.
Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều thành tựu nổi bật như: Hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển nhanh tạo nền tảng thúc đẩy kinh tế nông thôn, tạo điều kiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Đến năm 2020, có 45/71 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 63,4%; bình quân toàn tỉnh đạt 17,1 tiêu chí/xã, tăng 3,5 tiêu chí so với năm 2016. Trong đó, thành phố Tây Ninh và thị xã Hòa Thành hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Với những thành tựu kể đã đạt được, có thể khẳng định, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh đã đi đúng hướng và góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong nhiệm kỳ vừa qua.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, trong giai đoạn 2021 -2025, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 -2025) xác định: Tỉnh cần tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển hàng hóa quy mô lớn, tập trung theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất nguyên liệu với bảo quản, chế biến và tiêu thụ trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng, phù hợp với nhu cầu thị trường, bảo đảm an toàn thực phẩm. Đồng thời, định hướng các vùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với đầu tư hạ tầng thúc đẩy phát triển một số vùng sản xuất. Từng bước phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, trong đó tập trung phát triển các loại rau quả sạch, hữu cơ. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chính sách đã ban hành cho phù hợp với tình hình thực tế. Thu hút các doanh nghiệp nông nghiệp mạnh làm đầu tàu dẫn dắt. Phát triển nông sản giá trị cao, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến để góp phần tăng năng suất, chất lượng nông sản nhất là các mặt hàng chủ lực, thế mạnh của tỉnh. Thực hiện đồng bộ giữa đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu về kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng biên giới.
Võ Văn Kẹo