Thị xã Nghi Sơn có diện tích 455,61km², đường bờ biển dài 42km với 3 cửa lạch, 2 cảng cá và cảng nước sâu Nghi Sơn - là cảng có vai trò quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh Thanh Hóa và khu vực. Vùng biển thuộc địa phận thị xã Nghi Sơn còn có nhiều bãi biển đẹp, là địa điểm thuận lợi cho du lịch, tắm biển như Bãi Đông, biển Hải Hòa, đảo Mê... Thị xã Nghi Sơn có vị trí địa lý rất thuận lợi cho giao thông, vận tải, với nhiều tuyến giao thông đường bộ huyết mạch chạy qua. Đó là những điều kiện thuận lợi để thị xã Nghi Sơn phát triển, đặc biệt là kinh tế biển, trở thành cầu nối giữa các cực kinh tế lớn của cả nước là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và khu vực miền Trung.
Với thế mạnh có 15 xã, phường chạy dài ven biển, ngành khai thác, thu mua, chế biến và nuôi trồng thủy sản được xác định là mũi nhọn trong kinh tế biển của Nghi Sơn. Đến năm 2023, toàn thị xã có 1.956 tàu cá với 343 tàu lớn. Sản lượng khai thác thủy sản bình quân là 36.527,5 tấn. Thu mua, chế biến thủy sản đạt 113.650 tấn. Tổng số tàu thu mua và dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ là 84 tàu. Trên địa bàn thị xã có 97 công ty và cơ sở chế biến thủy sản, nhiều công ty, hợp tác xã chế biến thủy sản với công suất trên 15.000 tấn nguyên liệu/năm, giải quyết công ăn việc làm cho trên 7.000 lao động tại chỗ và các địa phương lân cận, với mức thu nhập từ 6 đến 7 triệu đồng/tháng. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 869 ha với tổng sản lượng nuôi trồng đạt 3.329 tấn. Trong đó, diện tích tích tụ nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghệ cao là 52 ha, chủ yếu là nuôi tôm thẻ chân trắng, năng suất bình quân từ 15 đến 20 tấn/1ha/năm[1].
Tàu của ngư dân neo đậu tại Cảng cá Lạch Bạng (Nghi Sơn, Thanh Hóa)
(Ảnh tư liệu: Quang Quyết/TTXVN)
Du lịch được xác định là một trong những ngành kinh tế trọng điểm của thị xã, trong đó, du lịch biển là sản phẩm du lịch thế mạnh. Các khu du lịch trọng điểm có khả năng khai thác phát triển du lịch đã được rà soát, điều chỉnh, bổ sung, lập mới các quy hoạch du lịch, làm cơ sở để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thu hút và triển khai thực hiện các dự án đầu tư về du lịch. Các điểm du lịch được tập trung khai thác như: Khu du lịch biển Hải Hòa, Bãi Đông, du lịch Đảo Mê và các cụm di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đền thờ Hoằng Quốc Công Đào Duy Từ, chùa Đót Tiên, đền Quang Trung, đền Lạch Bạng, đền Khánh Trạch - Chùa Thiên vương, chùa Am Các; các tuyến du lịch sinh thái như Trường Lâm, Phú Sơn, hồ Yên Mỹ, hồ Hao Hao... Toàn thị xã có 108 cơ sở lưu trú du lịch với 1 khách sạn được xây dựng theo tiêu chuẩn 4 sao, 6 khách sạn 3 sao. Từ năm 2021 đến hết tháng 5/2023, toàn thị xã đón được 1.576.650 lượt khách, bình quân mỗi năm đạt 652.000 lượt. Tổng thu từ du lịch ước đạt trên 907 tỷ đồng[2].
Cảng biển nước sâu Nghi Sơn đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa, là đầu mối giao thương hàng hóa, kết nối vùng Bắc Lào, Đông Bắc Thái Lan, vùng phụ cận Thanh Hóa với các tuyến hàng hải quốc gia và quốc tế. Đến năm 2023, cơ bản các bến cảng trong Khu kinh tế Nghi Sơn đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với 14 dự án khai thác hạ tầng cảng biển, tổng mức đầu tư đăng ký khoảng 25.000 tỷ đồng. Khu vực cảng tổng hợp gồm 21 bến cảng, có 10 bến đã được khai thác kinh doanh; khu vực cảng chuyên dùng gồm 18 bến và khu bến, trong đó có 12 bến đã được vận hành khai thác; khu cảng container gồm 10 bến cảng đang trong quá trình triển khai xây dựng. Dự án Cảng biển Xuân Thiện Nghi Sơn đang đợi phê duyệt với năng lực tiếp nhận tàu hàng tổng hợp, container có tải trọng tới 200.000 DWT, tổng mức đầu tư 15.000 tỷ đồng. Hiện nay, cảng Nghi Sơn đã có hãng tàu mở các tuyến vận tải container quốc tế từ Nghi Sơn đi Singapore; đi Châu Âu, Bờ Tây nước Mỹ, Châu Phi thông qua cảng trung chuyển Singapore.
Cảng nước sâu Nghi Sơn
(Nguồn: txnghison.thanhhoa.gov.vn)
Khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, được lựa chọn là một trong 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm, có chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn nhất trong cả nước. Đến năm 2023, KKT Nghi Sơn đã có 265 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư là 149.090 tỷ đồng và 23 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư là 12.809 triệu USD. Nhiều dự án đầu tư lớn, có tác động lan tỏa, đã và đang được triển khai thực hiện như: Dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm, Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn I công suất 600 MW, Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn II công suất 1.200 MW, Nhà máy xi măng Nghi Sơn công suất 4,3 triệu tấn/năm, Nhà máy xi măng Công Thanh công suất 5 triệu tấn/năm, Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn 1 công suất 1,6 triệu tấn phôi thép/năm...
Những kết quả đạt được từ phát triển kinh tế biển của thị xã Nghi Sơn có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của thị xã. Từ một địa phương nghèo vào bậc nhất tỉnh Thanh Hóa, thị xã Nghi Sơn đã đổi thay toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tạo bước đột phá đối với các ngành kinh tế biển, ven biển, như: khai thác và chế biến dầu khí, kinh tế hàng hải, khai thác và chế biến hải sản, du lịch biển và kinh tế biển, đảo... Nhờ đó, các vấn đề xã hội được giải quyết tốt, đời sống người dân vùng ven biển và những người hoạt động trên biển từng bước được nâng cao. Sự phát triển kinh tế biển là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của thị xã Nghi Sơn nói riêng và góp phần thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh Thanh Hóa nói chung.
[1] UBND thị xã Nghi Sơn: Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình phát triển kinh tế biển, giai đoạn 2021 - 2023, nhiệm vụ, giải pháp đến năm 2025. Tài liệu phục vụ Đoàn khảo sát thực tế của Viện Lịch sử Đảng, Học viện CTQG Hồ Chí Minh, ngày 5/6/2023.
[2] UBND thị xã Nghi Sơn: Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình phát triển kinh tế biển, giai đoạn 2021 - 2023, nhiệm vụ, giải pháp đến năm 2025. Tài liệu phục vụ Đoàn khảo sát thực tế của Viện Lịch sử Đảng, Học viện CTQG Hồ Chí Minh, ngày 5/6/2023.
Nhẫn Ngân