Hiệu quả từ mô hình nhất thể hóa chức danh Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản, khu phố
Quan Sơn là một huyện biên giới nằm ở phía Tây của tỉnh Thanh Hóa, có diện tích tự nhiên: 92.662,45 km2. Hiện nay, huyện có 12 đơn vị hành chính (11 xã, 01 thị trấn); 94 bản, khu phố; dân số khoảng 41.211 người. Đảng bộ huyện có 32 cơ sở đảng trực thuộc, 191 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở (Trong đó: Chi bộ khu vực nông thôn, khu phố 94, chi bộ còn lại 97) với 4.136 đảng viên.
Từ năm 2017 đến nay, qua 2 nhiệm kỳ (2017 - 2020 và 2020 - 2022), 100% Chi bộ nông thôn, khu phố thuộc Đảng bộ huyện Quan Sơn thực hiện mô hình nhất thể hóa chức danh Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản, khu phố.
Trong quá trình thực hiện, do đặc biệt chú trọng làm tốt công tác lựa chọn nhân sự, bảo đảm về trình độ, năng lực, phẩm chất, tác phong, uy tín nên đội ngũ Bí thư chi bộ kiêm Trưởng bản, khu phố đã phát huy tốt vai trò trách nhiệm của người đứng đầu. Đa số các đồng chí là những người trẻ, tâm huyết, nhiệt tình gánh vác công việc của bản, khu phố đặc biệt là trong phát triển kinh tế.
Nhờ đó, thời gian qua, cấp xã đã triển khai được nhiều mô hình phát triển kinh tế, nhiều Bí thư chi bộ là thành viên của hộ gia đình sản xuất giỏi. Năm 2017 toàn huyện có 14 bản về đích nông thôn mới, đến năm 2021 đã có 02 xã, 53/83 bản đạt chuẩn nông thôn mới; đời sống của nhân dân trong huyện từng bước được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người hằng năm đều tăng; số hộ nghèo toàn huyện năm 2017 là 2.406 hộ, chiếm 27,20%, đến năm 2021 giảm xuống còn 977 hộ, còn 10,73%.
Việc nhất thể hóa chức danh Bí thư chi bộ kiêm Trưởng bản, khu phố trên địa bàn huyện đã giúp cơ cấu bộ máy gọn nhẹ, tạo sự thống nhất, đồng thuận từ việc ban hành chủ trương cho đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện bảo đảm trực tiếp và toàn diện, giảm thời gian hội họp. Nội dung sinh hoạt Chi bộ được cụ thể, đúng và trúng hơn với yêu cầu thực tiễn. Việc triển khai các việc được thuận lợi và nhanh hơn, những vấn đề “nóng” được đưa ra bàn bạc ngay trong cấp ủy, Chi bộ và đưa ra hướng giải quyết, xử lý kịp thời, không để kéo dài.
Công tác phát triển Đảng ở các Chi bộ được quan tâm: từ việc phát hiện, định hướng quần chúng, phát triển công tác đoàn, hội đến việc phân công đảng viên theo dõi, giúp đỡ quần chúng ưu tú để bồi dưỡng kết nạp vào Đảng, quản lý giáo dục, phân công công tác và rèn luyện đảng viên.
Việc quản lý đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là những đảng viên đang đi làm ăn xa đi vào nề nếp; thực hiện thường xuyên việc rà soát, phát hiện, giáo dục, giúp đỡ, sàng lọc để đưa ngay những người không đủ tư cách ra khỏi Đảng.
Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản, khu phố luôn gương mẫu tổ chức kiểm điểm tự phê bình và phê bình hằng năm một cách nghiêm túc, đúng quy trình, bảo đảm dân chủ, khách quan, cầu thị. Ý kiến đóng góp cho tập thể, cá nhân thẳng thắn, tính chiến đấu cao, thể hiện tinh thần trách nhiệm và có tính xây dựng.
Bí thư kiêm trưởng bản Mùa Xuân - Thao Văn Dia (thứ 2 từ trái sang) là tấm gương tiêu biểu trong học và làm theo Bác. Anh là 1 trong 2 cá nhân được huyện Quan Sơn đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, giai đoạn 2016- 2020.
(Ảnh: https://quanson.thanhhoa.gov.vn)
Trong kiểm điểm tự phê bình và phê bình, cá nhân các đồng chí Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản, khu phố đều gương mẫu tự liên hệ với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, ‘‘tự diễn biến”, ‘‘tự chuyển hóa” theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Sau kiểm điểm, các tập thể và cá nhân đều xây dựng kế hoạch, giải pháp, thời hạn khắc phục những hạn chế, khuyết điểm.
Kết quả đánh giá, xếp loại thực chất, bám sát kết quả các phong trào hoạt động của địa phương. Không còn tập thể chi bộ bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ; số đảng viên xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ năm sau thấp hơn năm trước. Số chi bộ bản, khu phố hoàn thành tốt, xuất sắc tăng đều qua các năm. Các đồng chí Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản, khu phố luôn được đánh giá hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ.
Việc nhất thể hóa chức danh Bí thư kiêm Trưởng bản, khu phố góp phần tổ chức Đại hội Đảng bộ, Chi bộ cơ sở thành công tốt đẹp và nhất là trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vừa qua, đạt tỷ lệ 100% cử tri đi bầu cử, tỷ lệ đại biểu trúng cử với số phiếu tín nhiệm rất cao.
Mô hình nhất thể hóa chức danh Bí thư chi bộ kiêm Trưởng bản, khu phố ở huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hoá là hướng đi đúng đắn, mang lại hiệu quả thiết thực trong thực tiễn, góp phần đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở; đội ngũ Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản, khu phố trên địa bàn huyện thực sự là cầu nối giữa người dân với cấp ủy, chính quyền địa phương, từ đó có sự chỉ đạo, điều hành phù hợp, đảm bảo tính khả thi cao.
Bà Lương Thị Hạnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Quan Sơn trao Giấy khen của Ban Thường vụ Huyện ủy cho 12 chi bộ có thành tích xuất sắc
(Ảnh: https://quanson.thanhhoa.gov.vn)
Một số kinh nghiệm rút ra
Thứ nhất, cấp uỷ đảng và hệ thống chính trị các cấp phải nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của việc thực hiện nhất thể hoá chức danh Bí thư Chi bộ kiêm trưởng bản, khu phố; nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của Bí thư Chi bộ, phát huy tinh thần, trách nhiệm, phẩm chất, năng lực, đạo đức của Bí thư Chi bộ để các đảng viên và quần chúng làm theo. Tổ chức tốt việc học tập nâng cao trình độ của Bí thư Chi bộ, coi trọng hội thi Bí thư Chi bộ giỏi.
Thứ hai, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh; củng cố kịp thời cơ sở yếu kém. Thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy chế làm việc; rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ; đổi mới phong cách, lề lối làm việc, nêu cao tính tiền phong gương mẫu của người đảng viên. Đẩy mạnh việc tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ công tác đảng cho chi uỷ viên, nhất là Bí thư Chi bộ, đặc biệt quan tâm đến đội ngũ kế cận tại cơ sở. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Thứ ba, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của các tầng lớp Nhân dân trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Lãnh đạo thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở với phương châm “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” nhằm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, thu hút Nhân dân tham gia quản lý nhà nước, khắc phục tình trạng quan liêu, mất dân chủ và nạn tham nhũng, lãng phí; coi trọng bồi dưỡng sức dân và các chính sách xã hội.
Phạm Bá Thịnh