1. Những kết quả nổi bật
Công tác quản lý, chi trả trợ cấp đối với đối tượng chính sách được thực hiện trên phần mềm “Quản lý chi trả trợ cấp người có công với cách mạng” nên việc chi trả được thực hiện một cách chu đáo, chính xác và nhanh chóng; diễn biến tăng giảm đối tượng được cập nhật thường xuyên, tránh được những sai sót cũng như quản lý tốt nguồn kinh phí, không để xảy ra thất thoát; tìm kiếm hồ sơ đối tượng chính sách, thực hiện chế độ báo cáo nhanh và chính xác.
Từ năm 2018 đến 2022, thành phố Cần Thơ đã chi trả trợ cấp hằng tháng cho 31.483 lượt đối tượng người có công với cách mạng với tổng kinh phí trên 685 tỷ đồng. Trợ cấp khó khăn đột xuất gần 806 triệu đồng cho 99 trường hợp.
Công tác phục vụ đối tượng chính sách đã tốt hơn, không để gia đình chính sách phải chờ đợi lâu. Ngay giữa thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp ở thành phố Cần Thơ vào nửa cuối năm 2021, công tác chi trả trợ cấp hằng tháng cho người có công vẫn được triển khai đúng, đủ, kịp thời.
Ngoài chi trợ cấp thường xuyên, dịp Tết Nguyên đán và ngày Thương binh Liệt sĩ hằng năm, thành phố cấp phát trên 179 nghìn suất quà cho người có công và gia đình chính sách với tổng kinh phí trên 86 tỷ đồng từ nguồnn ngân sách Trung ương và ngân sách của thành phố Cần Thơ; tổ chức các Đoàn của Thành Ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Cần Thơ đến thăm hỏi, tặng quà và động viên gia đình chính sách và người có công.
Việc chăm lo đời sống, sức khỏe người có công được thường xuyên quan tâm. 100% người có công với cách mạng được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Hằng năm, xét chọn các gia đình người có công đi nghỉ dưỡng kết hợp với tham quan ở thành phố Đà Lạt, Nha Trang, Phan Thiết; thực hiện chế độ điều dưỡng tại gia đình cho 14.500 lượt người, với tổng kinh phí thực hiện chế độ điều dưỡng tập trung và tại gia đình là 18 tỷ 950 triệu đồng. Đặc biệt, đã tổ chức cho 270 người có công viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham quan nhiều khu di tích, lịch sử cách mạng tại thủ đô Hà Nội.
Bệnh viện Đa khoa Hòa Hảo-Medic Cần Thơ phối hợp với phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, Tp. Cần Thơ tổ chức khám bệnh, cấp thuốc cho người có công nhân dịp Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ
(Ảnh: internet)
Tất cả các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống trên địa bàn thành phố Cần Thơ đều được các cơ quan, đơn vị, cá nhân nhận phụng dưỡng đến cuối đời, chăm sóc các mẹ khi ốm đau, thăm viếng vào các ngày lễ, tết... Trong giai đoạn từ năm 2018 đến 2022, đã cấp 1.750 phương tiện trợ giúp dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng cho người có công, nhất là thương binh, bệnh binh với số tiền 4 tỷ 375 triệu đồng.
Lãnh đạo Tp.Cần Thơ tặng quà cho Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tại Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu giai đoạn 2018-2022
(Ảnh: internet)
Phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng đã không ngừng phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã đạt được những thành tựu to lớn, huy động được sức mạnh của toàn xã hội tham gia, với phương châm Nhà nước, xã hội cùng chăm sóc người có công với cách mạng.
Thực hiện tốt chính sách trợ cấp ưu đãi giáo dục, đào tạo kết hợp với giải quyết chính sách và miễn giảm học phí cho 476 học sinh, sinh viên với tổng số tiền là 2 tỷ 450 triệu đồng nhằm giúp cho con em gia đình người có công với cách mạng có điều kiện tham gia học tập, xây dựng đội ngũ kế thừa cho địa phương.
Việc hỗ trợ người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ đến nay đã được hoàn thành. Thành phố Cần Thơ đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 1.409 căn với tổng kinh phí là 40 tỷ 860 trệu đồng (trong đó xây dựng được 634 căn và sữa chữa 775 căn).
Việc xã hội hóa công tác chính sách xã hội được Thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố quan tâm chỉ đạo, phong trào lan toả rộng khắp. Từ năm 2018 đến năm 2022, nguồn “Quỹ đền ơn đáp nghĩa” đã vận động trên 20 tỷ đồng để tiếp tục xây dựng và sửa chữa cho 750 căn nhà, góp phần chăm lo đời sống cho người có công. Về cơ bản đến cuối năm 2021 thành phố Cần Thơ đã hoàn thành việc xây dựng và sữa chữa nhà tình nghĩa cho người có công với cách mạng trên địa bàn thành phố.
2. Một số định hướng trong thời gian tới
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện chính sách đối với người có công trên địa bàn thành phố Cần Thơ, từ đó góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng, thành phố cần thực hiện tốt một số định hướng sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để người có công được thụ hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước. Tuyển chọn đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách người có công vừa có tâm, vừa có đủ trình độ chuyên môn, đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách đối với người có công để kịp thời giải quyết những tồn đọng, khó khăn, vưóng mắc, bảo đảm thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chính sách.
Thứ hai, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong nhân dân về trách nhiệm, tình cảm trong việc tham gia hỗ trợ người có công với cách mạng, huy động sự tham gia tích cực hơn nữa của các tổ chức, cá nhân trong công tác đền ơn đáp nghĩa; đẩy mạnh xã hội hóa công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, mở rộng phong trào “Toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng” để phát huy nguồn lực của xã hội và nhân dân trong thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng. Khen thưởng kịp thời, nhân rộng các điển hình tiên tiến, những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa”.
Thứ ba, khuyến khích, động viên, tạo điều kiện thuận lợi để thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công tích cực trong học tập, công tác, trong lao động sản xuất, kinh doanh, tham gia các hoạt động xã hội, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, ổn định và nâng cao đời sống của gia đình, xứng đáng là công dân kiểu mẫu, gia đình cách mạng gương mẫu, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
Xuân Thắng