Tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại
Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, trải qua hơn 90 năm xây dựng và phát triển, với tinh thần anh dũng kiên cường trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm và sự năng động, sáng tạo, khát vọng vươn lên trong thời kỳ đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Pleiku đoàn kết một lòng, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, đạt nhiều thành tựu trên các lĩnh vực. Năm 1999, thị xã Pleiku được nâng cấp lên thành phố, là đô thị loại III trực thuộc tỉnh Gia Lai. Đây được xem là dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự phát triển của đô thị Pleiku. Và sau đó 20 năm, Ngày 22-1-2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 146/QĐ-TTg công nhận thành phố Pleiku là đô thị loại I, trực thuộc tỉnh Gia Lai.
Thành phố Pleiku trở thành đô thị loại I
Nhằm xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, giai đoạn 2015 - 2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội của thành phố đạt trên 31.720 tỷ đồng, riêng năm 2020 đạt trên 8.030 tỷ đồng, tăng bình quân 12,72%/năm. Cơ cấu đầu tư được phân bổ hợp lý giữa các ngành, lĩnh vực; chú trọng đầu tư nâng cấp hệ thống đường giao thông, điện, trường học, y tế, hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Với sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, trong nhiều năm qua, thành phố huy động các nguồn lực, tập trung đầu tư xây dựng, chỉnh trang hệ thống công trình hạ tầng đô thị với 100% đường chính có tên nhựa hóa, bê tông hóa; 61,19% đường hẻm nhựa hóa, bê tông hóa; 100% đường chính có tên đã hoàn thiện hệ thống điện chiếu sáng công cộng; trên 62% ngõ, hẻm trong nội thành được chiếu sáng; hệ thống cây xanh đường phố, công viên, hoa viên được đầu tư hệ thống, bài bản, bảo đảm cảnh quan đô thị, như: Công viên Diên Hồng, Đồng Xanh Kpă Klơng, Văn hóa các dân tộc, Quảng trường Đại Đoàn kết, Hoa viên Quang Trung, Trần Hưng Đạo - Lê Lợi; Lâm viên Biển Hồ… Bên cạnh việc đầu tư, phát triển các khu, cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, các cao ốc, các khu đô thị mới, như: Hoa Lư - Phù Đổng, Cầu Sắt, Trà Đa, Diên Phú… Thành phố còn chú trọng đầu tư xây dựng các công trình trường học, bến xe, bệnh viện, nâng cấp sân bay, hệ thống điểm đỗ xe ô tô tạm thời trên lòng đường, hè phố; quy hoạch chi tiết phát triển các khu thương mại, siêu thị, chợ tại các khu vực, chợ phiên nông sản an toàn phố đi bộ mua sắm, phố ẩm thực...
Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Pleiku lần thứ XII (nhiệm kỳ 2020 -2025), Đảng bộ và nhân dân thành phố đề ra các giải pháp đột phá, nhiệm vụ trọng tâm, phấn đấu xây dựng, phát triển đô thị hợp lý, hài hòa, đồng bộ, gắn với kết cấu hạ tầng kỹ thuật theo hướng hiện đại, phù hợp với đặc điểm tự nhiên, giàu bản sắc, hướng đến mục tiêu sớm trở thành đô thị thông minh, cao nguyên xanh vì sức khỏe.
Đảng bộ thành phố Pleiku tập trung lãnh đạo, tổ chức triển khai thực hiện bốn chương trình trọng tâm, cụ thể: Một là, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của thành phố. Hai là, chuyển đổi cây trồng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững. Ba là, thu hút có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, chỉnh trang hệ thống công trình hạ tầng đô thị. Bốn là, tiếp tục thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, nhất là ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, Đảng bộ thành phố Pleiku phấn đấu đề ra mục tiêu đi trước, trở thành hạt nhân, tạo động lực thúc đẩy các địa phương khác trong tỉnh phát triển. Cùng với đó, thành phố Pleiku xác định thực hiện đồng bộ ba giải pháp đột phá, đó là: Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thứ hai, phát triển nhanh, hợp lý các ngành, lĩnh vực có thế mạnh. Thứ ba, chú trọng phát triển các loại hình dịch vụ chất lượng cao nhằm xây dựng thành phố thành đầu mối trung chuyển, quá cảnh và giao lưu hàng hóa - dịch vụ không chỉ riêng tỉnh Gia Lai mà còn tới một số tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Bắc Tây Nguyên; các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Campuchia.
Song song với các chương trình trọng tâm, đột phá trên, Đảng bộ thành phố Pleiku chỉ đạo tập trung triển khai các giải pháp cụ thể nhằm liên kết, phát huy có hiệu quả tiềm năng du lịch của thành phố, kết nối với các địa phương trong tỉnh, khu vực Tây Nguyên và cả nước để hình thành các tour du lịch có chất lượng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án kêu gọi đầu tư với các khu đô thị mới; tập trung thu hút đầu tư vào các điểm du lịch, hình thành các sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa địa phương; phát triển các ngành, nghề truyền thống, xây dựng thành phố là điểm đến du lịch trọng tâm của tỉnh, bảo đảm các điều kiện tốt nhất về môi trường “xanh - sạch - đẹp”; an ninh, an toàn và thân thiện để thu hút du khách; đầu tư xây dựng và bảo tồn một số làng đồng bào dân tộc Jrai và Bah Nar theo hướng văn minh, hiện đại, bản sắc.
Lễ hội văn hóa cồng chiêng tại làng Plei Ốp (thành phố Pleiku)
Hướng tới thành phố cao nguyên xanh, giàu bản sắc
Với khí hậu trong lành và cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, đồng thời là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học - kỹ thuật, là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Gia Lai, thành phố Pleiku có nhiều điều kiện thuận lợi để trở thành một đô thị cao nguyên xnah, giàu bản sắc, là vùng động lực quan trọng hàng đầu của tỉnh và là trung tâm của khu vực Bắc Tây Nguyên. Trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Pleiku tập trung thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, triển khai đồng bộ các chương trình, đề án, phong trào bảo vệ môi trường, phát triển môi trường bền vững. Tập trung đầu tư phát triển hệ thống cây xanh đường phố, trong các hoa viên, công viên, không gian công cộng khác; toàn dân tham gia bảo vệ cây xanh, ngày chủ nhật xanh, ngày môi trường thế giới, phân loại rác tại nguồn,...
Thứ hai, thực hiện đồng bộ quy hoạch phát triển du lịch kết hợp nghỉ dưỡng sinh thái. Tập trung đầu tư phát triển các khu vực có chức năng chuyên biệt về du lịch sinh thái như Biển Hồ, suối Hội Phú, suối Ia Linh... Tổ chức các dịch vụ mới phục vụ du lịch và nghệ thuật.
Thứ ba, tăng cường thu hút, kêu gọi xã hội hóa đầu tư, khai thác hiệu quả vào các vùng “Miệng núi lửa dương”, tập trung ở khu vực núi Hàm Rồng. Các khu vực này được xây dựng theo dạng hỗn hợp nhà ở, kinh doanh, dịch vụ nghỉ dưỡng, xen lẫn vào đó là các công trình tiện ích đô thị, hạ tầng xã hội, khách sạn, nhà nghỉ, các dịch vụ du lịch thiết yếu phục vụ du khách.
Thứ tư, xúc tiến hình thành các thung lũng hoa, thung lũng nông nghiệp, các khu ươm trồng dược liệu. Tại đây, người dân và du khách có thể tham quan, chụp ảnh, tổ chức cắm trại dã ngoại cùng gia đình, bạn bè. Những hoạt động này sẽ tạo nên một nét văn hóa riêng biệt, tươi đẹp cho thành phố Pleiku.
Nguyễn Hữu Quế - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai