Quyền con người là các giá trị mang tính phổ quát, thuộc về mọi cá nhân, được các quốc gia ghi nhận và cam kết thực hiện.
Cho đến nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đã tham gia ở các mức độ khác nhau vào hoạt động quốc tế trên lĩnh vực quyền con người thông qua nhiều hình thức như: ký kết, gia nhập các văn kiện quốc tế về quyền con người, tham gia vào các diễn đàn, đưa ra sáng kiến thúc đẩy, bảo vệ quyền con người, gia nhập các cơ quan, tổ chức quốc tế chuyên trách về quyền con người v.v.
Khác với hội nhập quốc tế về kinh tế, là lĩnh vực mà tất cả các quốc gia đều chủ động mong muốn mở rộng thị trường và phát triển, hoạt động hội nhập quốc tế về quyền con người, trong nhiều trường hợp, phụ thuộc vào thiện chí và sự ưu tiên của các quốc gia. Theo đó, các quốc gia phát triển, không hoàn toàn tự động là thành viên chủ động và tích cực đóng góp cho quá trình thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên toàn thế giới.
Việt Nam trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, khóa 2020-2021. Ảnh: Internet
Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc từ năm 1977. Kể từ đó đến nay, Việt Nam luôn là thành viên chủ động, tích cực vì mục tiêu hoà bình, phát triển và quyền con người của tổ chức này. Ở trong nước, Đảng và Nhà nước Việt Nam xác định rõ mục tiêu “Chăm lo cho con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia”[1]. Các chuẩn mực về quyền con người cũng được ghi nhận trong Hiến pháp vàpháp luật Việt Nam.
Mỹ là quốc gia đóng vai trò sáng lập đối với với sự ra đờicủa Liên hợp quốc và hiện nay là một trong năm thành viên thường trực của Hội đồng bảo an. Chính quyền Mỹ cũng được coi là quốc gia luôn đềcao dân chủ và quyền con người và coi đây là những giá trị cótính nềntảng làmcơ sở cho sự vận hành của xã hội Mỹ. Thậm chí từ những năm 1970, quyền con người, được coi là một nội dung cốt lõivà trở thành mộttrong các hoạt động ngoại giao của Mỹ với các quốc gia trên thế giới[2].
Mặc dầu vậy, nếu xem xét quá trình tham gia vào các hoạt động thúc đẩy và bảo vệ quyền con người ở Liên hợp quốc, Mỹ không phải là quốc gia có cam kết mạnh mẽ với các giá trị này. Có thể làm phép so sánh về mức độ cam kết này giữa hai quốc gia Việt Nam và Mỹ ở ba khía cạnh sau: mức độ tham gia vào các cơ quan chính trị và cơ quan chuyên môn về quyền con người, mức độ phê chuẩn điều ước quốc tế và tình hình thực hiện cam kết quốc tế về quyền con người.
1. Sự tham gia vào các cơ quan thúc đẩy và bảo vệ về quyền con người của Liên hợp quốc
Việt Nam luôn thể hiện nỗ lực không ngừng trong việc tham gia đóng góp cho các hoạt động của Liên hợp quốc nói chung, sáng kiến về quyền con người nói riêng. Việt Nam đã tham gia với tư cách thành viên vào nhiều cơ quan chính trị và chuyên môn của Liên hợp quốc. Cụ thể, Việt Nam là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong 2 nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021, là thành viên của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016, là thành viên Hội đồng Kinh tế và Xã hội nhiệm kỳ 2015-2019 và là thành viên của Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2017-2021.
Mặc dù trụ sở chính của Liên hơp quốc đặt ở Mỹ và đây một trong những quốc gia có đóng góp tài chính lớn cho hoạt động của tổ chức này, với mức đóng góp 22% cho tổng ngân sách hoạt động của Liên hợp quốc trong năm 2020[3]nhưng vai trò và sự tham gia của Mỹ ở các cơ quan thúc đẩy và bảo vệ quyền con người ở Liên hợp quốc không ổn định.
Trong lịch sử, Mỹ đã từng nhiều lần rút lui, không hợp tác hệ thống bảo vệ quyền con người của Liên hợp quốc. Trong những năm 1950, Mỹ đã từng rút lui, thậm chí phản đối hoạt động của hệ thống bảo vệ quyền con người của Liên hợp quốc. Năm 1977, Mỹ cũng tuyên bố rút lui khỏi Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), đến năm 1980 mới quay trở lại tham gia tổ chức này. Gần đây, Mỹ cũng có nhiều động thái thể hiện sự không hợp tác với các cơ quan chuyên trách về quyền con người của Liên hợp quốc. Năm 2008, chính quyền Mỹ đã tuyên bố rút lui tư cách thành viên Hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc[4].
2. Tình hình phê chuẩn các điều ước về quyền con người
Tính đến tháng 8/2020, Việt Nam đã gia nhập 7/9 điều ước cốt lõi về quyền con người (Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR); Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử tàn bạo, vô nhân đạo và hạ nhục khác (CAT); Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD); Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá (ICESCR); Công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW); Công ước quyền trẻ em (CRC); Công ước về các quyền của người khuyết tật (CRPD) và có cam kết với nhiều điều ước, tuyên ngôn, tuyên bố khác.
Việt Nam đang thực hiện Đề án đưa quyền con người vào giáo dục nhằm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quyền con người nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người học.
Việt Nam cũng là quốc gia thành viên của 24 điều ước về bảo vệ quyền của người lao động của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), bao gồm 6 công ước cơ bản, 3 công ước về quản trị lao động và 15 Công ước kỹ thuật[5]; Việt Nam đang hoàn thiện thủ tục phê chuẩn công ước ILO tiếp theo về Xoá bỏ lao động cưỡng bức (Công ước số 105) sau khi đã được quốc hội Việt Nam phê chuẩn tháng 6/2020.
Trong khi đó, hiện nay, Mỹ mới chỉ phê chuẩn 3/9 điều ước quốc tế cốt lõi về quyền con người (Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR); Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử tàn bạo, vô nhân đạo và hạ nhục khác (CAT); Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD)[6]và 14 Công ước của Tổ chức lao động quốc tế[7].
Đáng lưu ý là, trong vòng 10 năm (2010-2020), Việt Nam liên lục phê chuẩn thêm nhiều điều ước mới về quyền con người, trong đó có 2 Công ước cốt lõi về Quyền con người, 2 Nghị định thư của công ước Quyền trẻ em và 10 công ước của ILO. Trong vòng 10 năm qua, Mỹ không phê chuẩn thêm bất kỳ công ước cơ bản nào về quyền con người ngoài 2 Nghị định thư tuỳ chọn của Công ước Quyền trẻ em vào năm 2002 và chỉ phê chuẩn duy nhất một công ước của ILO là Công ước số 176 về Sức khoẻ và an toàn ở các mỏ khai khoáng vào năm 2001.
3. Thực hiện các cam kết quốc tế thông qua cơ chế đối thoại về quyền con người
Mỹ và Việt Nam đều có nghĩa vụ pháp lý đối với quyền con người thông qua hai cơ chế giám sát của Liên hợp quốc là Cơ chế dựa trên Hiến chương và Cơ chế dựa trên điều ước.
Đối với Cơ chế dựa trên Hiến Chương Việt Nam đã nộp Báo cáo rà soát định kỳ phổ quát (UPR) và tiến hành 3 phiên đối thoại với Hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc. Mỹ đã tiến hành 2 phiên đối thoại với Hội đồng Nhân quyền (đối thoại lần 3 dự kiến vào tháng 9/2020). Tại các lần xem xét báo cáo UPR này, Mỹ luôn nhận được số lượng khuyến nghị nhiều hơn Việt Nam: Tại chu kỳ UPR lần 1, Việt Nam nhận được 93 khuyến nghị, Mỹ nhận được 228 khuyến nghị; tại chu kỳ UPR lần 2, Việt Nam nhận được 227 khuyến nghị, trong khi Mỹ nhận được 343 khuyến nghị từ Hội đồng nhân quyền[8].
Đối với Cơ chế dựa trên điều ước, Mỹ chỉ thực hiện nghĩa vụ báo cáo quốc gia với 3 điều ước về quyền con người và 2 Nghị định thư của Công ước Quyền trẻ em mà quốc gia này đã phê chuẩn. Việt Nam thực hiện nghĩa vụ pháp lý của quốc gia thành viên với 7 điều ước cốt lõi và 2 Nghị định thư về quyền con người.
Như vậy, có thể thấy rằng, Mỹ không phải là quốc gia tích cực trong việc tham gia vào các cơ chế, hoạt động thúc đẩy và bảo vệ quyền con người của Liên hợp quốc. Đặc biệt, với chính sách đối ngoại hiện nay của chính quyền Donald Trump coi “nước Mỹ là trên hết” (Americant First), thì quyền con người không phải là chủ đề ưu tiên trong chiến lược ngoại giao của Mỹ cũng như trong quan hệ tương tác với các diễn đàn về quyền con người của Liên hợp quốc.
[1]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2001, tr.134.
[2]Roberta Cohen, Integrating human rights in US foreign policy: the history, the challenges, and the criteria for an effective policy, Foreign Service Institute, 2008
[3]United Nations, Assessment of Member States’ advances to the WorkingCapital Fund for 2020 and contributions to theUnited Nations regular budget for 2020. Thông tin có tại: https://undocs.org/en/ST/ADM/SER.B/1008
https://theconversation.com/why-the-us-left-the-un-human-rights-council-and-why-it-matters-98644
https://www.ilo.org/dyn/normlex/en/f?p=1000:11200:4316427232868::::P11200_INSTRUMENT_SORT:1
[6] Cao uỷ LHQ về quyền con người, Tình hình phê chuẩn điều ước quyền con người của Mỹ. Thông tin có tại: https://www.ohchr.org/EN/Countries/LACRegion/Pages/USIndex.aspx
https://www.ilo.org/dyn/normlex/en/f?p=NORMLEXPUB:11200:0::NO::P11200_COUNTRY_ID:102871
LG