Mở đầu bài phát biểu, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nêu rõ: “Đối thoại phát triển địa phương 2021” với chủ đề Thực thi mục tiêu phát triển trong trạng thái bình thường mới lần đầu tiên được tổ chức trực tuyến trên quy mô toàn quốc để lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các địa phương, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp và các đối tác phát triển quốc tế cùng nhau trao đổi, thảo luận với tinh thần thẳng thắn và nhìn thẳng vào thực tiễn, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất những sáng kiến, mô hình, các giải pháp phát triển địa phương.
GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu khai mạc "Đối thoại phát triển địa phương 2021"
(Ảnh: Mạnh Thắng)
"Đối thoại phát triển địa phương 2021" diễn ra vào thời điểm năm đầu tiên Việt Nam thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng là khi các địa phương trên tinh thần quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII tích cực triển khai nghị quyết của Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 trong bối cảnh đất nước và thế giới đang biến chuyển rất nhanh chóng với nhiều thuận lợi, thời cơ lẫn khó khăn, thách thức đan xen. Đặc biệt, đợt bùng phát lần thứ tư của đại dịch Covid-19 đặt ra những thách thức rất lớn cho cả nước và các địa phương trong việc thực hiện “mục tiêu kép”: vừa quyết liệt trong phòng, chống dịch bệnh, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhằm đạt được sự cân bằng hợp lý giữa phát triển kinh tế để bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động và bảo đảm sức khoẻ, an toàn cho mọi người dân. Phát huy tinh thần trách nhiệm cao và nỗ lực sáng tạo, các địa phương đã chủ động thích nghi, chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, thực hiện tốt sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo của Chính phủ: vừa phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế, vừa chủ động phòng, chống dịch bệnh với trọng tâm là chiến lược vắc-xin, sát hợp nhất với tình hình dịch bệnh, điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của mình.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, trạng thái bình thường mới đòi hỏi chúng ta cần nắm bắt các cơ hội trong thách thức. Với nhận thức “trong nguy có cơ”, ngay lúc này chúng ta cần nghĩ đến những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội không chỉ trong hoàn cảnh có đại dịch mà cả sau khi đại dịch kết thúc để đạt được các kết quả khả quan ngay từ những năm đầu nhiệm kỳ, tạo tiền đề và xung lực để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của giai đoạn 2021-2025, thiết lập nền tảng thuận lợi cho phát triển trong những năm tiếp theo.
Với 12 định hướng chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá, Văn kiện Đại hội XIII đã bao quát toàn diện các nội dung, lĩnh vực phát triển của đất nước trong giai đoạn tới. Văn kiện đã khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển đất nước thịnh vượng, hùng cường, truyền và lan tỏa đến mọi địa phương trong cả nước tinh thần hành động quyết liệt, ý chí quyết tâm thoát khỏi lối mòn phát triển tuần tự theo truyền thống để bứt phá, vươn lên mạnh mẽ.
Vì vậy, theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, đây là thời điểm chúng ta rất cần có: tư duy quốc gia và hành động địa phương để các địa phương định vị được mình trong sự phát triển chung của đất nước; có chiến lược phát triển phù hợp với chiến lược tổng thể quốc gia; khắc phục tình trạng cát cứ, mạnh ai nấy làm, đẩy mạnh kết nối và liên kết vùng, biến áp lực cạnh tranh trở thành cơ hội và động lực phát triển, phát huy tiềm năng, lợi thế và những điều kiện đặc thù để có đủ những yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” và cùng nhau nhịp bước trên con đường đi đến phồn vinh, hạnh phúc.
Văn kiện Đại hội XIII đã thể hiện mạnh mẽ tinh thần đổi mới sáng tạo, sự thích ứng với những thay đổi rất nhanh của thực tiễn trong nước, quốc tế và yêu cầu phát triển mới trong việc đề ra định hướng về tiếp tục chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học và công nghệ, trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia để tận dụng tốt nhất các cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại. Văn kiện đề ra định hướng nhất quán về phát triển nhanh và bền vững, chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, trọng tâm là xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường, đặc biệt coi trọng phát triển nông nghiệp sinh thái, quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên.
Trong quá trình xây dựng báo cáo chính trị, các đảng bộ địa phương đã quán triệt tốt những tư tưởng, định hướng này. Phát huy tinh thần sáng tạo, không dập khuôn, máy móc và chung chung, các địa phương cần xây dựng những chương trình hành động sát thực, khả thi, bám sát thực tiễn gắn với xác định trách nhiệm cụ thể, tăng cường phối hợp và kiểm tra, giám sát; tổng kết, rút kinh nghiệm, kịp thời điều chỉnh ở từng thời điểm và nhiệm vụ; lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và cán bộ, đảng viên. Đây cũng chính là thông điệp mạnh mẽ của "Đối thoại phát triển địa phương 2021" về sự quyết tâm khắc phục bằng được tình trạng chậm trễ, yếu kém trong khâu tổ chức thực hiện chính sách mà Văn kiện Đại hội XIII đã nêu ra.
Các đại biểu tham dự phiên Bàn tròn đối thoại "Khai thác tiềm năng tăng trưởng xanh của các địa phương"
(Ảnh: Mạnh Thắng)
Trong bài phát biểu của mình, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương yêu cầu "Đối thoại phát triển địa phương 2021" cần phải tập trung thảo luận và làm rõ những nội dung chủ yếu sau:
Thứ nhất, nâng cao năng lực quản trị thực thi để biến quyết tâm thành những chiến lược, chính sách, đưa chính sách đi vào hành động thực tế và từ hành động tạo ra được các kết quả phát triển thiết thực đối với người dân. Quản trị thực thi là một quá trình liên tục gồm xác định, đo lường, nâng cao hiệu quả làm việc và định hướng hoạt động của mỗi cá nhân hay tập thể phù hợp với các mục tiêu chiến lược. Ở các cấp địa phương, quản trị thực thi là công cụ hữu hiệu để góp phần xử lý tốt mối quan hệ giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân trong các vấn đề phát triển. Theo đó, mỗi cấp chính quyền cần xây dựng hệ thống đánh giá giám sát được thực hiện một cách khoa học, bài bản, minh bạch với trách nhiệm giải trình cao, gắn kết quả thực hiện các mục tiêu đặt ra với trách nhiệm của người đứng đầu, cá thể hóa trách nhiệm. Hệ thống giám sát này cần được tích hợp trong mọi chiến lược, quy hoạch... bao gồm cả những kế hoạch hành động ở cấp quốc gia cũng như ở tất cả các địa phương. Quản trị thực thi là cơ chế giúp đánh giá cán bộ một cách khách quan; bảo vệ cán bộ có tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Thứ hai, chuyển đổi số là xu hướng của thời đại khi nền tảng công nghệ nói chung và kết nối internet nói riêng hiện nay đã rất phát triển. Chuyển đổi số không phải là việc mà bây giờ chúng ta mới làm. Thời gian vừa qua, trong ứng phó với đại dịch, để đáp ứng yêu cầu về giãn cách xã hội, giảm thiểu các hoạt động tiếp xúc trực tiếp, chúng ta đã tăng cường ứng dụng công nghệ số mạnh mẽ hơn, từ việc tổ chức các cuộc họp trực tuyến, bán hàng qua mạng cho đến trong khai báo y tế, truy vết, đặt lịch đăng ký xét nghiệm và trả kết quả, thực hiện tư vấn y tế từ xa. Chúng ta phải nắm bắt lấy đà phát triển này để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức, từ cấp lãnh đạo trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp cũng như mọi người dân. Tham gia vào quá trình chuyển đổi số không phải chỉ là công việc của các nhà hoạch định chính sách, các nhà công nghệ mà là của tất cả mỗi chúng ta. Đây là ý nghĩa của việc lấy người dân là trung tâm của chuyển đổi số; và sự thật là người dân đã tham gia vào quá trình chuyển đổi số trong ngay cả sinh hoạt hằng ngày của mình. Một tương tác trên điện thoại thông minh hay máy tính bảng cũng có thể được xem là sự tham gia đơn giản vào chuyển đổi số. Chính sự tham gia vào các nền tảng kỹ thuật số của những người dân bình thường thuộc mọi lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp trên khắp mọi miền đất nước nhằm nâng cao hiệu quả, tiện ích trong các hoạt động lao động sản xuất, học tập, sinh hoạt của mình đang giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Để thực hiện chuyển đổi số, chúng ta cần quan tâm ba yếu tố cơ bản. Một là hạ tầng công nghệ - đây là điều kiện cần mang tính then chốt, quyết định chất lượng chuyển đổi số. Hai là hệ thống thể chế, chính sách liên tục được bổ sung, điều chỉnh phù hợp với tiến bộ công nghệ nhanh chóng và sự xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh mới, thậm chí chưa từng có, cùng với những cơ chế khuyến khích đổi mới sáng tạo, bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm. Ba là phát triển nhân tố con người; trong đó, người lãnh đạo ở mọi cấp phải có nhận thức, quyết tâm và tài tổ chức thực hiện, cùng với nguồn nhân lực phải được đào tạo các kỹ năng phù hợp trong không gian số. Để có được ba yếu tố quan trọng này, rất cần sự vào cuộc tích cực của các địa phương, từ đó từng bước đạt được các mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, chính phủ số và xã hội số theo lộ trình đã vạch ra.
Thứ ba, trạng thái "bình thường mới" đòi hỏi sự thích nghi với những rủi ro ngày càng gia tăng trong quá trình phát triển, không chỉ với đại dịch, mà còn có các thách thức an ninh phi truyền thống khác, nhất là tình trạng thiên tai, thời tiết bất thường do biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế và đời sống nhân dân. Điều đó càng cho thấy chúng ta phải đẩy nhanh quá trình tăng trưởng xanh để tạo ra những dư địa phát triển mới, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế và mang lại lợi ích tổng thể trong dài hạn. Quá trình xanh hoá đúng hướng hoàn toàn nằm trong khả năng chịu đựng được của nền kinh tế và không làm giảm cơ hội tạo ra của cải, việc làm; nhiều lĩnh vực kinh tế xanh còn mang lại những cơ hội lớn cho đầu tư sản xuất kinh doanh.
Cũng như quá trình chuyển đổi số, tăng trưởng xanh đòi hỏi sự thay đổi cả trong nhận thức và thực tiễn hành động: từ chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, thay đổi phương thức sử dụng năng lượng, xây dựng các thể chế, chính sách mới cho đến thay đổi thói quen sinh hoạt, tiêu dùng và thay đổi cả hệ thống hạ tầng, những thành phố, tòa nhà nơi người dân sinh sống và làm việc. Để thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, các địa phương sẽ căn cứ vào điều kiện, lợi thế của mình để lựa chọn những lĩnh vực phát triển và xác định bước đi phù hợp. Các địa phương có tiềm năng về nông nghiệp sẽ chú trọng các mô hình nông nghiệp mới như: nông nghiệp thông minh, nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái gắn liền với việc xây dựng người nông dân hiện đại, nông thôn văn minh, theo tinh thần của Văn kiện Đại hội XIII. Các địa phương có tiềm năng về du lịch sẽ tập trung khai thác tốt hơn ngành công nghiệp không khói này, gắn kết chặt chẽ giữa du lịch văn hoá, du lịch sinh thái với du lịch trải nghiệm trong nông nghiệp. Các địa phương có tiềm năng về năng lượng tái tạo sẽ tập trung khai thác các nguồn năng lượng gió, thuỷ triều và mặt trời... Nói cách khác, tăng trưởng xanh sẽ mở ra những cơ hội mới cho các địa phương phát triển. Muốn vậy, các chiến lược, quy hoạch phát triển phải phù hợp với tiềm năng, lợi thế, đặc điểm của mỗi địa phương, đặc biệt phát huy được tiềm năng, lợi thế và giá trị cốt lõi của các vùng sinh thái tự nhiên ngay cả khi các liên kết vùng kinh tế chưa được chính thức hình thành; chú trọng xây dựng các kết nối về hạ tầng, công nghệ, thể chế và doanh nghiệp để khai thác, huy động hiệu quả mọi nguồn lực cho tăng trưởng xanh.
Việt Nam Thịnh Vượng