1. Những kết quả đạt được từ định hướng phát triển vùng cây ăn trái tập trung theo hướng chuyên canh và ứng dụng công nghệ cao
Trong những năm qua, tỉnh Tiền Giang đã từng bước phát triển vùng cây ăn trái tập trung theo hướng chuyên canh và ứng dụng công nghệ cao. Nhờ đó, những sản phẩm cây ăn trái có lợi thế và thị trường tiêu thụ thuận lợi được tăng nhanh về diện tích. Năm 2020, diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh đạt 81,7 nghìn ha, tăng 9,5 nghìn ha so với năm 2016; sản lượng trái cây đạt 1,52 triệu tấn, tăng 0,103 triệu tấn so với năm 2016. Trong đó, 5 địa phương có diện tích cây ăn trái lớn, chiếm 85,2% diện tích cây ăn trái của tỉnh như: huyện Cái Bè (21.118ha), Cai Lậy (15.009ha), Tân Phước (17.394 ha), Châu Thành (8.640ha), Chợ Gạo (9.452 ha)1.
Các hình thức liên kết sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm cây ăn trái gắn với thị trường tiêu thụ luôn được lãnh đạo tỉnh và người sản xuất quan tâm. Toàn tỉnh có 54 hợp tác xã với 18.374 thành viên và 22 tổ hợp tác với 651 thành viên hoạt động trong lĩnh vực cây ăn trái, là đầu mối sản xuất theo tiêu chuẩn GAP. Năm 2020, có 325,9ha cây ăn trái của 26 hợp tác xã, tổ hợp tác, trại sản xuất được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP và VietGAP; lũy kế có 1.686ha được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP và VietGAP (các sản phẩm được chứng nhận bao gồm: thanh long, bưởi da xanh, cam sành, ổi, mãng cầu xiêm, xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng).
Một vùng trồng thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP ở xã Thạnh Tân (huyện Tân Phước)
(Ảnh: internet)
Chủng loại sản phẩm cây ăn trái ở tỉnh ngày càng đa dạng, đạt lợi nhuận cao, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của người dân. Cụ thể, lợi nhuận từ một số loại cây trồng chủ lực của tỉnh giai đoạn 2016-20202 như sau: (Đơn vị tính: triệu đồng/ha/năm)
Loại cây trồng |
2016 |
2017 |
2018 |
2019 |
2020 |
Sầu riêng |
784,9 |
826,2 |
936,5 |
924,1 |
402,5 |
Thanh long |
382,6 |
582,4 |
465,6 |
541,0 |
103 |
Xoài |
552,8 |
630,1 |
687,1 |
333,7 |
559,5 |
Mãng cầu xiêm |
189,5 |
40,9 |
27,3 |
104,9 |
89 |
Khóm |
75,0 |
29,9 |
11,4 |
80,1 |
43,4 |
Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 150 cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến trái cây với quy mô vừa và nhỏ, trong đó chủ yếu là các cơ sở thu mua, sơ chế phục vụ nhu cầu ăn tươi. Trong đó có khoảng 14 nhà máy chế biến trái cây đang hoạt động, với công suất trên 47.000 tấn/năm. Một số doanh nghiệp có quy mô lớn đã đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại cần thiết để phục vụ cho hoạt động sơ chế, chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm (trái cây đóng hộp, nước quả cô đặc và puree, sản phẩm sấy từ sầu riêng, thanh long…), xuất khẩu sang các thị trường lớn như: Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga…
Một vườn chuyên canh trồng xoài cát Hòa Lộc ở huyện Cái Bè
(Ảnh: internet)
Mặc dù đạt nhiều kết quả, nhưng phát triển vùng cây ăn trái của Tiền Giang mới chủ yếu mạnh về sản lượng, còn hạn chế về chất lượng. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vẫn còn mang tính tự phát ngoài vùng quy hoạch, nguy cơ gặp rủi ro trên thị trường rất cao. Việc hợp tác, liên kết phát triển theo chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chưa có sự gắn kết chặt chẽ; các cơ sở, doanh nghiệp chế biến trái cây phần lớn có quy mô nhỏ, năng lực chế biến còn nhiều yếu kém về trình độ, công nghệ, giá trị gia tăng thấp, chủ yếu là chế biến thô. Thị trường tiêu thụ chưa ổn định, các mặt hàng trái cây xuất khẩu gặp khó khăn trong tiếp cận thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm. Nguyên nhân của những hạn chế trên là do việc triển khai các quy hoạch, đề án, cơ chế, chính sách phát triển vùng cây ăn trái của Tiền Giang thiếu đồng bộ; việc giám sát thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng chưa thống nhất, chặt chẽ từ quản lý địa phương đến quản lý chuyên ngành; tập quán sản xuất của người dân, địa phương còn mang tính tự phát; các nguồn lực (vốn, lao động, khoa học và công nghệ...) chưa ổn định; bên cạnh đó, tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu, nhất là dịch bệnh COVID-19 trong thời gian gần đây có những diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến mục tiêu, kế hoạch phát triển vùng cây ăn trái của tỉnh, sản xuất, chế biến và tiếp cận thị trường gặp nhiều khó khăn.
2. Phát triển vùng cây ăn trái phải gắn với chế biến và thị trường
Trong những năm tới, tình hình dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh. Dựa trên những tiềm năng, thế mạnh, Tiền Giang cần chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh phát triển vùng cây ăn trái tập trung, chuyên canh, quy mô lớn gắn với chế biến và thị trường, đảm bảo phát triển bền vững. Cụ thể là:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh quy hoạch, phát triển vùng cây ăn trái tập trung, chuyên canh, quy mô lớn; hình thành các vùng cây ăn trái phù hợp điều kiện sinh thái của vùng, địa phương, thích ứng với hạn, mặn xâm nhập; hình thành vùng cây ăn trái ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh để làm động lực phát triển.
Thứ hai, tiếp tục tái cơ cấu cây trồng đối với các loại cây ăn trái chủ lực của tỉnh, nâng cao hàm lượng tri thức, khoa học và công nghệ trong sản phẩm, đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ; đẩy mạnh đầu tư vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao như: chế biến tinh, chế biến sâu, chế biến phụ phẩm, vận chuyển, tiếp thị,...
Thứ ba, phát triển đa dạng các hình thức liên kết, hợp tác sản xuất và tiêu thụ, nâng cao năng lực các hợp tác xã, tổ hợp tác; hỗ trợ vốn, lãi suất, đất đai cho nông dân, hợp tác xã đầu tư máy móc, thiết bị tại các vùng chuyên canh; đẩy mạnh đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, các dịch vụ kỹ thuật để tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất; đẩy mạnh liên kết với các tỉnh, thành trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến tinh, chế biến sâu, công nghiệp hỗ trợ cho phát triển ngành trái cây theo hướng nâng cao giá trị gia tăng.
Thứ tư, hoàn thiện cơ chế, chính sách; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, quản lý ngành, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, tập trung vào những dịch vụ công mới như: phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, quản lý chất lượng, phòng, chống rủi ro, bảo vệ môi trường...
1 Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang, Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
2 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang: Báo cáo kết quả thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang từ năm 2015 đến năm 2020.
Nguyễn Ngọc