Tại Việt Nam, phát triển kinh tế xanh (KTX) đã được Đảng, Nhà nước quan tâm ngay từ những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới. Trong lãnh đạo, chỉ đạo, nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch hành động về phát triển KTX, tăng trưởng bền vững và bảo vệ môi trường đã được ban hành như: Quyết định số 622/QĐ - TTg ngày 10/5/2017 ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định chủ trương “phát triển nhanh và bền vững” và phát triển kinh tế xanh: “… bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền KTX, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.
Theo hướng tiếp cận mới và xuất phát từ tình hình thực tế của địa phương, tỉnh Hà Nam đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng xanh, đề cao chất lượng, hiệu quả. Tỉnh đã xây dựng kế hoạch hành động tăng trưởng xanh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện cụ thể, phù hợp, sát thực và hiệu quả, hướng các hoạt động sản xuất kinh doanh ( SXKD) đến các tiêu chí giảm phát thải, bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên, nhiên liệu và năng lượng, khuyến khích phát triển khoa học và công nghệ.
Để thực hiện thành công việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng KTX, phát triển địa phương, phấn đấu trở thành đô thị vệ tinh cho Thủ đô Hà Nội, tỉnh Hà Nam cần tập trung vào một số vấn đề trọng tâm sau:
Một là, tăng cường công tác giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về vấn đề phát triển KTX trên địa bàn tỉnh, xác định đó là nhiệm vụ cấp bách và lâu dài trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững.
Hai là, hoàn thiện cơ chế, chính sách về đào tạo lao động, ngành nghề, nghiên cứu khoa học gắn kết với các hoạt động SXKD, tạo việc làm, nhất là đối với lao động vùng nông thôn, những nơi bị thu hồi đất, đảm bảo sinh kế, ổn định điều kiện sống và nâng cao thu nhập của người dân.
Ba là, đẩy mạnh việc tích tụ đất đai; có chính sách tăng quỹ đất dự phòng cho các khu công nghiệp (CN), nhất là các khu CN công nghệ cao, các vùng chuyên canh nông nghiệp (NN); đảm bảo quỹ đất ổn định để thu hút đầu tư vào các phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bốn là, đẩy mạnh việc xanh hoá sản xuất, xanh hóa khuôn viên thích ứng với biến đổi khí hậu. Đầu tư dây chuyền, máy móc, công nghệ, thiết bị sản xuất hiện đại, ít tiêu hao năng lượng, giảm ô nhiễm môi trường; xây dựng hệ thống xử lý nước thải, rác thải, khí thải nhằm hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường; nâng cao vị thế, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm ở cả thị trường trong và ngoài nước, tạo nền tảng để doanh nghiệp phát triển bền vững.
Năm là, thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế; áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, năng lượng, phát huy lợi thế cạnh tranh, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường sống.
Sáu là, cơ cấu lại các lĩnh vực kinh tế trọng tâm của tỉnh. Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các khu CN, tiểu thủ CN. Chủ động chuẩn hóa, hiện đại hóa hạ tầng các khu CN, khu CN cao. Tạo lập môi trường đầu tư hấp dẫn, tăng cường quảng bá, thu hút các nhà đầu tư vào các khu CN, các ngành CN mũi nhọn của tỉnh như: CN ô tô, CN điện tử, công nghệ thông tin, CN chế tạo, chế biến sâu các sản phẩm NN, CN công nghệ cao, CN hỗ trợ phục vụ các ngành CN và NN, hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm CN của vùng.
Khu công nghiệp Itahan, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam
(Ảnh: internet)
Rà soát các tiêu chí làng nghề, làng nghề truyền thống. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, hỗ trợ, nâng cấp cơ sở hạ tầng làng nghề, nhất là hệ thống xử lý nước thải nhằm cải thiện và hạn chế các hoạt động gây hại đến môi trường, hướng đến phát triển kinh tế bền vững. Kiểm tra, đánh giá các làng nghề đã được công nhận; có phương hướng và giải pháp xử lý khắc phục đối với các làng nghề gây ô nhiễm môi trường cao.
Xác định đúng những mặt hàng nông sản chủ lực, có lợi thế cạnh tranh và tiềm năng phát triển. Thay đổi phương thức sản xuất - tiêu thụ truyền thống sang phương thức liên kết chuỗi giá trị với các sản phẩm chủ lực có thương hiệu đáp ứng nhu cầu thị trường. Xây dựng nhãn hiệu sản phẩm để tập trung trung nguồn lực đầu tư. Chú trọng phát triển trồng trọt, chăn nuôi theo quy mô lớn. Phát triển các vùng chuyên canh rau, củ, quả chủ lực gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở phát huy lợi thế vùng, miền. Ưu tiên phát triển một số loại sản phẩm cây trồng hữu cơ có giá trị và nhu cầu cao trên thị trường, những sản phẩm đã chính thức đến được nhiều thị trường thế giới (Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, …) như: Gạo, rau, củ, quả. Ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ vào sản xuất, nhất là công nghệ cao và phải đồng bộ từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ phù hợp cho từng sản phẩm.
Thu hút cán bộ quản lý, kỹ thuật giỏi về cơ sở phục vụ quá trình CNH, HĐH NN; tập trung đầu tư toàn diện hạ tầng kỹ thuật, nhất là vùng nông thôn. Chú trọng tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản, trong đó, thực hiện tốt công tác thông tin, dự báo thị trường, kịp thời định hướng cho nông dân phát triển sản xuất phù hợp. Hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch gắn với khai thác các lợi thế về vị trí địa lý, tiềm năng liên kết vùng, đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ, trọng tâm là du lịch và dịch vụ logistics. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách phù hợp, thu hút đầu tư các chuỗi du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, vui chơi giải trí, thể thao gắn với bảo tồn phát huy các giá trị văn hoá, văn minh đô thị, đảm bảo lành mạnh, thân thiện.
Bảy là, tăng cường chính sách miễn, giảm thuế có thời hạn, ưu đãi vốn vay đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức, cá nhân đầu tư vào hoạt động SXKD. Công khai, minh bạch thông tin liên quan đến đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư tiếp cận thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các dự án thu hút đầu tư, các cơ chế chính sách ưu tiên, hỗ trợ của tỉnh, nhất là các dự án lớn, trọng điểm.
Tám là, đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành; thực hiện tốt công tác phòng chống tệ nạn xã hội, buôn lậu, gian lận thương mại, bảo đảm vệ sinh, an toàn, thực hiện phòng chống dịch bệnh./.
Nguyệt Nguyễn