Thành quả sau 12 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới
Năm 2010, khi bắt đầu thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, bình quân cả tỉnh chỉ đạt 6,7 tiêu chí/xã; thu nhập bình quân/người khu vực nông thôn thấp: 14,2 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn cao: 12,2%. Mặt khác xây dựng nông thôn mới là chương trình mới, khối lượng công việc về xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng hệ thồng chính trị rất lớn, đa dạng và phức tạp... Với xuất phát điểm khá thấp, tỉnh Hải Dương đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 80% xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của nhân dân, Chương trình đã đạt được nhiều thành tựu to lớn vượt kì vọng.
Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn đã có những đổi thay vượt bậc, ngày càng đồng bộ, khang trang, từng bước đáp ứng nhu cầu nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân cũng như nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Sau hơn 10 năm, đã sửa chữa, cải tạo, nâng cấp được 3.184 km đường các loại; nâng cấp các công trình thủy lợi đồng bộ, đa mục tiêu, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp với 1.245 trạm bơm, tổng công suất bơm 4.153.730m3/h, 68 hồ chứa nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, 10.465 km kênh mương các loại. Hệ thống điện trên địa bàn tỉnh đảm bảo phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
xã Bạch Đằng - 1 trong 4 xã nông thôn mới kiểu mẫu ở Hải Dương
Chất lượng giáo dục được nâng lên, nhiều tiêu chí vượt trội so với toàn quốc. Trường, lớp được quan tâm đầu tư theo hướng chuẩn hóa; chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý được nâng cao, thành tích học sinh giỏi quốc gia trong tốp đầu cả nước. Chỉ số phát triển con người (HDI) của tỉnh luôn ở mức cao. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ, cơ sở vật chất, trang thiết bị kĩ thuật phục vụ khám, chữa bệnh tiếp tục được đầu tư hiện đại. Công tác y tế dự phòng, dân số và phát triển được triển khai có hiệu quả. Đến nay 100% xã người dân tham gia bảo hiểm y tế theo quy định.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh” tiếp tục phát triển, mang lại hiệu quả thiết thực. Công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa, thể thao đạt được một số kết quả tích cực. Công tác quản lý và bảo vệ môi trường có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất rắn trên địa bàn tỉnh được các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp làm dịch vụ xử lý môi trường và đông đảo nhân dân hưởng ứng, tích cực tham gia. Cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp. Đến nay 100% hộ gia đình được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch theo quy định.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch và nông nghiệp hữu cơ đã được chú trọng; hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp được quan tâm đầu tư. Tỷ lệ và tốc độ cơ giới hóa sản xuất tăng nhanh, giúp giảm tổn thất và chi phí trong sản xuất. Đã xây dựng được một số mô hình liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân đạt hiệu quả kinh tế cao gắn với đổi mới tổ chức sản xuất theo chuỗi từ khâu sản xuất đến khâu bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cũng như nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị trên một đơn vị diện tích.
Công tác xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội được các cấp, các ngành chú trọng quan tâm triển khai đồng bộ... góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân và giảm tỷ lệ hộ nghèo nhanh và bền vững.
100% các xã có đủ các tổ chức trong hệ thống chính trị, chất lượng đội ngũ cán bộ công chức ngày càng được nâng lên. Chất lượng phục vụ hành chính công ngày càng được củng cố và nâng cao. Công tác quốc phòng - quân sự địa phương được triển khai đồng bộ, toàn diện có chiều sâu, góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc. 100% các xã đạt chuẩn an toàn về an ninh, trật tự xã hội và đảm bảo bình yên.
Những đích đến tiếp theo trong hành trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh
Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài, thường xuyên liên tục, có điểm khởi đầu song sẽ không có điểm kết thúc, những kết quả đạt được trong quá trình xây dựng nông thôn mới hiện nay sẽ là tiền đề quan trọng để Hải Dương hiện thực hóa các mục tiêu xa hơn trong tương lai. Mục tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn tiếp theo chú trọng về chất, nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; đưa quá trình đô thị hóa nông thôn đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Xây dựng hạ tầng kinh tế xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, phát triển bền vững. Đến hết năm 2025, tỉnh phấn đấu có ít nhất 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (dự kiến 107 xã); 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (dự kiến 36 xã); 03 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; thu nhập bình quân của người dân nông thôn đạt ít nhất từ 76 -80 triệu đồng/người/năm.
Để hiện thực hóa những mục tiêu nêu trên, thời gian tới, tỉnh Hải Dương cần thực hiện hiệu quả 11 nội dung của Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; các chương trình chuyên đề trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn và giải quyết các vấn đề bức xúc, tồn tại trong xây dựng nông thôn mới. Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm theo nội dung Nghị quyết số 01-NQ/ĐH ngày 27/10/2020 của Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025; Nghị quyết số 06 - NQ/TU ngày 26/3/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp”; Đề án "Xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh"... Huy động tối đa nguồn lực và tăng cường vận động các tổ chức kinh tế, nhân dân tham gia thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Vũ Thị Mận - Trường Chính trị tỉnh Hải Dương