Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có 03 tôn giáo hoạt động hợp pháp là Phật giáo, Công giáo và Tin Lành. Trong đó, Phật giáo có 591 cơ sở thờ tự, 361 tăng ni và trên 21.000 tín đồ; Công giáo có 89 xứ, họ đạo (26 giáo xứ, 63 họ đạo), 80 nhà thờ và nhà nguyện, 19 linh mục chính xứ, quản xứ, 36 nữ tu, dự tu và khoảng 20.000 giáo dân thuộc sự quản lý của 04 Tòa giám mục (Thái Bình, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nội); Tin Lành có 16 điểm nhóm thuộc 06 hệ phái Tin Lành, trong đó có 03 hệ phái được Ban Tôn giáo Chính phủ cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo ở 9/10 huyện, thành phố; có 02 chức sắc (01 mục sư, 01 mục sư nhiệm chức), 01 truyền đạo, 10 chức việc và trên 200 tín hữu.
Tỉnh chủ động, tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo từ thiện liên quan đến hoạt động tôn giáo; tổ chức thăm và tặng quà các chức sắc tôn giáo trên địa bàn nhân các dịp lễ trọng như Tết Nguyên đán, Đại lễ Phật đản, lễ Noel và các hoạt động khác nhằm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Ban Tôn giáo tỉnh đã cho ý kiến để Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh tổ chức giới đàn truyền chức cho 202 giới tử, tấn phong giáo phẩm cho 01 Thượng tọa, 09 Ni trưởng và 20 Ni sư; tiếp nhận 45 hội viên; đào tạo tại chỗ và gửi đi đào tạo 36 vị có trình độ cơ sở Phật học, trung cấp 85 vị, cao đẳng 18 vị, Học viện 25 vị. Có ý kiến để các Tòa Giám mục bổ nhiệm chánh xứ và quản xứ cho 09 linh mục, cử 02 công dân đi học tại Chủng viện Mỹ Đức, tỉnh Thái Bình. Sở Xây dựng và Ban Tôn giáo tỉnh phối hợp với các địa phương tiến hành thẩm định, cấp phép xây dựng, sửa chữa nhiều cơ sở thờ tự, góp phần đáp ứng nhu cầu tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân.
Đoàn công tác của Sở Nội vụ Hưng Yên thăm, chúc mừng Lễ Phục sinh năm 2023 tại một số giáo xứ Công giáo trên địa bàn tỉnh Hưng Yên
(Ảnh: sonv.hungyen.gov.vn)
Cấp ủy các cấp luôn quan tâm vận động, tuyên truyền và tạo điều kiện cho đồng bào có đạo tham gia tổ chức đảng, góp phần phát triển đảng ngày càng mạnh về số lượng và chất lượng, xây dựng hệ thống chính trị vùng đồng bào có đạo ngày càng vững mạnh, cùng với quần chúng nhân dân xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Nhiều chủ trương, chính sách và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội được cụ thể hóa phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, góp phần nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho đồng bào các tôn giáo; xuất hiện nhiều gương điển hình trong phát triển kinh tế là đồng bào có đạo, như giáo dân Bùi Văn Hà, thôn Đông Khu, xã Đức Hợp trồng chuối tiêu hồng xuất khẩu thu lãi khoảng 110 triệu đồng/năm; giáo dân Nguyễn Văn Tiến xã Ngọc Thanh, Kim Động sản xuất gạch mỗi năm thu lãi 200 triệu đồng...
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào có đạo tham gia các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh”, “Ngày vì người nghèo”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”..., tham gia các hoạt động khuyến học, khuyến tài, từ thiện nhân đạo, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu ủng hộ các quỹ do Trung ương và tỉnh phát động. Tiêu biểu có Thượng tọa Thích Thanh Hiện, Sư cô Thích Đàm Thành, với số tiền quyên góp mỗi năm lên đến hàng tỷ đồng. Đồng bào công giáo huyện Tiên Lữ đóng góp trên 800 triệu đồng, hiến trên 700m2 đất và hàng trăm ngày công lao động làm đường giao thông và các công trình phúc lợi ở địa phương, hiến trên 4000m2 đất để làm kênh mương nội đồng; giáo dân các xã Quang Vinh, Hồng Quang, Hồng Vân (huyện Ân Thi) hiến gần 600m2 đất và đóng góp trên 400 triệu đồng làm đường giao thông; gia đình ông Vũ Văn Thụ (xã Đông Kết - Khoái Châu) đóng góp 30 triệu đồng làm đường dân sinh...
Đoàn công tác của Sở Nội vụ Hưng Yên thăm, chúc mừng Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hưng Yên nhân dịp Đại lễ Phật đản năm 2023
(Ảnh: sonv.hungyen.gov.vn)
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện chính sách tôn giáo trên địa bàn tỉnh Hưng Yên những năm qua còn bộc lộ những mặt hạn chế, tình hình tôn giáo ở một số địa bàn còn tiềm ẩn những vấn đề phức tạp. Nhằm phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, thời gian tới, công tác tôn giáo của tỉnh cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác tôn giáo. Tích cực vận động các tầng lớp nhân dân, chức sắc, tín đồ tôn giáo tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đền ơn đáp nghĩa, xây dựng cuộc sống tốt đời đẹp đạo. Chủ động, tích cực, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các tôn giáo, quần chúng tôn giáo; có phương hướng giải quyết kịp thời các vụ việc phát sinh mới về tôn giáo.
Hai là, quan tâm phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, trong đó có quần chúng tôn giáo. Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, bình thường theo pháp luật; không định kiến, kỳ thị tôn giáo.
Ba là, tăng cường củng cố, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Chú trọng xây dựng cơ sở chính trị, lực lượng cốt cán, phát triển đảng viên là người có đạo trong quần chúng tôn giáo; kiện toàn bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo; đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ, kinh nghiệm, chuyên sâu về công tác tôn giáo.
Bốn là, biểu dương, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân làm tốt công tác tôn giáo. Đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về tôn giáo, nhất là những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân.
Năm là, đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc, nhất là tại những địa bàn trọng điểm, phức tạp về tôn giáo. Coi đây là một công tác trọng tâm, cơ bản, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy Đảng, sự điều hành quản lý thống nhất của chính quyền và huy động được các ngành, các cấp cùng tham gia.
Trần Tiến